Phóng to |
Việc thường xuyên tham gia các hội thảo chuyên đề kỹ năng sống là một trong những giải pháp hiệu quả giúp bạn trẻ có lối sống tích cực. (Ảnh chụp tại chương trình kỹ năng sống “Vượt qua cú sốc tâm lý” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tháng 9-2013) - Ảnh: Thuận Thắng |
“Có thể nói hiện tượng sống mòn ở người trẻ thời nay phổ biến hơn nhiều so với thời của tôi hoặc những thế hệ trước, và đây là điều rất đáng lo ngại”, anh Trần Hùng Thiện (giám đốc Công ty tư vấn GCOMM) nhìn nhận.
Mỗi ngày trôi qua dài như... 1 tháng!
Đó là cảm nhận của bạn Anh Thư (24 tuổi, nhân viên kinh doanh bất động sản) suốt hai năm qua. Tốt nghiệp ĐH ngành tài chính - ngân hàng nhưng Anh Thư quyết định làm nhân viên kinh doanh vì thích đi đây đó, gặp gỡ mọi người. Bất động sản đóng băng, Anh Thư sống chật vật với đồng lương căn bản, tự ti vì không môi giới được căn nhà nào suốt thời gian dài. “Tôi cười nói cả ngày nhưng chẳng ai biết bên trong đã rệu rã lắm rồi. Tôi cũng muốn tìm một cơ hội khác hoặc quay lại với chuyên ngành cũ nhưng ngại phải bắt đầu lại mọi thứ”, Anh Thư không giấu được vẻ chán nản.
“Trường hợp sống làng nhàng thậm chí còn phổ biến ở đối tượng học sinh cấp III”, đó là khẳng định của Đoàn Nguyễn Phương Thái (giáo viên Trung tâm ngoại ngữ Không Gian). Từng có thời gian dạy ở trường trung học, Thái nhận thấy rất nhiều bạn trẻ không biết tại sao phải nỗ lực học, mai này sẽ học ngành gì... mà chỉ quan tâm đến ca nhạc, thời trang. Đồng quan điểm, anh Nguyễn Hữu Quang (phó giám đốc Công ty Exe) cho rằng hiện có rất nhiều bạn trẻ thiếu ý chí phấn đấu, hoàn thiện bản thân trong học tập, làm việc và sống theo kiểu “ngày mai tới đâu thì tới”.
Sống mòn đôi khi cũng xuất hiện ở những cá nhân trẻ có năng lực. Tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM, Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, Q.PN) sau đó trở thành chuyên viên cho một số hãng dược. Nghĩ mình có tài nên Tuấn luôn nôn nóng muốn leo lên vị trí cao trong công ty, nhưng rồi thực tế làm Tuấn nản lòng khi mọi thứ không đi đúng theo dự kiến. “Tôi bắt đầu chìm trong cảm giác thất vọng, thấy cuộc sống sao mà vô nghĩa, tẻ nhạt và gặp ai tôi cũng than. Tôi mất niềm tin và chỉ chờ đêm xuống để tụ tập hội hè, sống qua ngày đoạn tháng”, Anh Tuấn nhớ lại.
Lỗi do ai?
Một ngày khi nhìn vào gương, Anh Tuấn giật mình bởi không còn thấy gương mặt trẻ đầy lý tưởng sống ngày nào. “Tôi nhận ra là mình “xuống cấp” trầm trọng để rồi bạn bè người thì xa lánh, người thì thương hại. Tôi dành thời gian bình tâm ngồi lập lại mục tiêu cuộc sống một cách thực tế hơn và giờ mọi thứ dần ổn”, Anh Tuấn chia sẻ.
Ngẫm lại, Anh Tuấn cho rằng: “Có lẽ chúng tôi được gia đình bao bọc quá kỹ dẫn đến việc ngại thay đổi, dễ yếu đuối và đầu hàng khi bước vào đời thực”.
Anh Hùng Thiện cho rằng mấu chốt nằm ở chỗ các bạn trẻ thường không nhận ra vấn đề bắt nguồn từ chính mình hoặc không gắng sức thay đổi bản thân. Đây cũng là điều mà chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (trưởng phòng phát triển bền vững Holcim Vietnam) trăn trở thời gian qua. “Nhiều bạn trẻ thường than về cuộc sống sao quá tẻ nhạt, luôn thấy mất phương hướng... và nhờ tư vấn. Tôi thường chia sẻ cũng như gợi ý đọc một số tựa sách để các bạn tự nhận thức vấn đề. Nhiều năm trôi qua, ngày gặp lại họ vẫn loay hoay giậm chân tại chỗ, sách vẫn chưa đọc, những điều cần làm không làm và... tiếp tục than vãn. Họ không tự thân vận động thì ai có thể giúp họ?”, chị Thanh Hằng nêu vấn đề.
Xã hội hiện đại cũng ít nhiều khiến người trẻ mất động cơ học hỏi nâng cao kiến thức, ngại lao động và dần trở nên chán công việc, “ì” hơn, đó là nhận định của anh Lê Thành Quang Khôi (phó phòng hành chính nhân sự Ngân hàng Vietcombank Tân Định).
Tương lai được đoán trước
Anh Hùng Thiện cho rằng những cá nhân trên sẽ rất khó có cơ hội thăng tiến, thậm chí dễ bị cho nghỉ việc bởi lãnh đạo các công ty thường rất coi trọng thái độ làm việc, ý chí vươn lên và khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh. “Những nhân viên này thường sẽ được giao những việc vụn vặt không mang tính chiến lược nhằm hạn chế rủi ro cho tổ chức. Điều này khiến họ vốn đang ngán sẽ càng chán công việc, cuộc sống của mình hơn”, anh cho biết.
Đồng quan điểm, anh Quang Khôi cho rằng trong thời buổi kinh tế khó khăn và đầy cạnh tranh như ngày nay, việc người trẻ không nỗ lực thoát khỏi lối sống làng nhàng chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả đáng tiếc. “Bởi các tổ chức hiện đều thắt chặt chi phí nhân sự nên họ chỉ có thể giữ lại những ai làm tốt nhất việc được giao”, anh khẳng định.
Người rơi vào trạng thái sống mòn nên làm gì? Đặt lại câu hỏi mình sinh ra trên đời để làm gì? Đâu là đam mê, điểm mạnh và yếu của bản thân? Rà lại kế hoạch và những điều bản thân mong muốn đạt được về mặt lâu dài để “xốc” lại chính mình. Nên nhớ sống mòn không phải là bế tắc hoàn toàn mà chỉ tồn tại trong một giai đoạn do chính chúng ta quyết định. Tích cực bổ sung những kiến thức, kỹ năng để làm giàu vốn sống, tăng cơ hội cho bản thân. Đôi khi chúng ta cần những khoảng nghỉ ngơi cần thiết để nhìn lại con đường đã qua, để đánh giá vấn đề rõ hơn và tiếp thêm năng lượng, lên dây cót tinh thần. Khi đã tìm ra được mấu chốt vấn đề thì phải nỗ lực hiện thực hóa việc “lột xác”. Đừng ngần ngại sẻ chia tình trạng của bản thân với gia đình, bạn bè trong những lúc khó khăn. Bạn cũng có thể tìm đến nhà tâm lý để có những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên yếu tố tự thân vận động vẫn luôn là quan trọng nhất bởi không ai hiểu rõ chúng ta bằng chính bản thân mình. Theo nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học Bùi Hồng Quân (Viện KHXH Việt Nam) |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận