GS Nguyễn Ngọc Trân tại buổi tham vấn ở Cần Thơ - Ảnh: TIẾN TRÌNH |
Tôi đề nghị có dự báo dài hơi, nắm rõ thông tin để chốt lại là các nước xây dựng bao nhiêu hệ thống đập để chúng ta xây dựng kịch bản tương đối thích ứng với dự báo đó. Như thế ĐBSCL mới mong tồn tại chứ không sẽ bị tan rã, bị phá hủy |
Ông NGUYỄN THANH HÙNG |
Ngày 12-5 tại Cần Thơ, Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) tổ chức tham vấn quốc gia về thủy điện Pak Beng, được Lào dự kiến xây dựng ở vị trí phía tây bắc Lào.
“Lơ” đánh giá tác động xuyên biên giới
Chính phủ Lào đã nộp cho Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) báo cáo gồm 22 tài liệu về nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường và xã hội của thủy điện Pak Beng.
Các nước thành viên MRC đã thống nhất quá trình tham vấn cho dự án thủy điện Pak Beng từ ngày 20-12-2016. Thời hạn tham vấn đầu tiên là 6 tháng.
Tuy nhiên, tài liệu phía Lào cung cấp bị các chuyên gia quốc tế đánh giá là đã lạc hậu, thiếu nhiều số liệu quan trọng, thiếu các giải pháp cần thiết để giảm thiểu những tác động tiêu cực do công trình này có thể gây ra...
Và đặc biệt “lơ” luôn việc đánh giá tác động xuyên biên giới, nơi việc xây dựng các công trình thủy điện có thể ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng chục triệu dân.
Tại buổi tham vấn hôm qua, các chuyên gia cho rằng ba công trình thủy điện của Lào gồm Pak Beng, Xayaburi, Don Sahong tác động lớn lên dòng chảy của sông Mekong vào mùa khô. Điều này làm gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn trên hai sông chính là sông Tiền và sông Hậu.
Vấn đề càng nghiêm trọng nếu xét tác động tổng thể cả chuỗi 11 đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong mà hai nước Lào và Campuchia dự kiến xây dựng (Lào dự kiến xây 9 đập, Campuchia 2 đập). Khi ấy, lượng nước thiếu hụt xuống hạ nguồn đến 28%, nước mặn sẽ xâm nhập rất sâu vào đất liền.
Hồ chứa Pak Beng sẽ lưu giữ đến 90% bùn cát đáy và một phần bùn cát lơ lửng từ thượng nguồn trong lòng hồ. Công trình này còn có thể ảnh hưởng đến môi trường sống, di cư của các loài cá vốn tối quan trọng cho nguồn dinh dưỡng của dân cư ven lưu vực Mekong.
Mặc dù thiết kế công trình có tính đến một lối đi cho cá, tuy nhiên các chuyên gia nhận định nó không phù hợp, không có tác dụng để đàn cá di cư, từ đó sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng này.
Phối cảnh thủy điện Pak Beng trên sông Mekong tại Lào - Nguồn: Pak Beng Hydropower project |
Nguy cơ sạt lở khắp ĐBSCL
GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng vấn đề lo ngại là các đập thủy điện làm tích nước, giảm lượng trầm tích. Những tích tụ này theo thời gian sẽ rất nguy hiểm cho đồng bằng phía hạ nguồn.
Theo ông, vùng ĐBSCL đang bị sạt lở nghiêm trọng; không những vậy, bờ biển nhiều tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau... cũng liên tục bị sạt lở trong thời gian gần đây là do hiện tượng thiếu hụt trầm tích.
Nếu tình trạng kéo dài 20 - 30 năm nữa, ĐBSCL bị xâm thực, bị lún là chuyện có thể thấy được. Một đập thủy điện tồn tại hàng trăm năm, như vậy vấn đề tích lũy phù sa bị nó giữ lại sẽ tác động lên đồng bằng phía hạ lưu là một vấn đề “vô cùng tai hại” - ông Trân nói.
Theo TS Vũ Ngọc Long (Viện Sinh thái học miền Nam), cần có đánh giá tác động xuyên biên giới đối với vùng bờ biển Việt Nam vì vùng ĐBSCL được hình thành từ phù sa của sông Mekong.
“ĐBSCL sẽ sụt lún khi không còn đủ phù sa bồi lắng nữa. Những tác động tiêu cực lên ĐBSCL khi thiếu phù sa trầm tích sẽ diễn ra nhanh hơn những tính toán trước đây khi có sự xuất hiện của những con đập thủy điện trên sông. Đó là điều chắc chắn. Vấn đề sinh kế của 20 triệu người Việt Nam, cũng như 30 triệu dân ở khu vực hạ lưu Mekong cần được nghiên cứu kỹ hơn” - ông Long nói.
Lấy dẫn chứng vụ sạt lở làm hàng loạt nhà dân bị sụp xuống sông Hậu, thuộc tỉnh An Giang vừa qua, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu sinh thái ĐBSCL - cho rằng đó không phải là hiện tượng đơn lẻ.
Nó nằm trong khuynh hướng chung là sạt lở khắp nơi ở ĐBSCL mà nguyên nhân chính là thiếu hụt bùn và cát.
Theo ông Thiện, việc đánh giá tác động của đập thủy điện Pak Beng phải được đặt trong bối cảnh của 11 đập thủy điện (của Lào và Campuchia - PV) đã và dự kiến xây dựng trên dòng Mekong.
“Nó như một bó đũa, nếu lấy ra từng chiếc thì không thể thấy được chân dung sự tác động của 11 đập thủy điện đến chúng ta”.
Không thể để mình Việt Nam chịu
Ông Lâm Quang Thi, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng các đập thủy điện ở thượng nguồn đều gây lo lắng, không chỉ đối với An Giang, đối với các tỉnh ĐBSCL mà còn ở cấp độ quốc gia.
Tuy nhiên, nếu đánh giá tác động ở mặt kinh tế, xã hội, môi trường là chưa đủ. Ông Thi đặt một viễn cảnh: nếu như Lào cho xây toàn bộ 11 đập và các công ty của Trung Quốc đầu tư tất cả thì tình hình sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đề nghị nên có kịch bản đồng bộ vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc ảnh hưởng bởi việc xây dựng đập thủy điện.
Theo ông Hùng, Đồng Tháp có 123km sông Tiền. Khảo sát của Viện Kỹ thuật biển cho thấy từ 60 - 100km có sạt lở.
“Chúng ta phải có cơ chế đối với vấn đề chính trị, vấn đề khoa học, cả tranh thủ dư luận quốc tế để có thể chủ động hơn. Phải có cơ chế vận hành “liên hồ”, minh bạch thông tin để đảm bảo an toàn”.
Theo TS Lê Anh Tuấn (Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL - Đại học Cần Thơ), việc chia sẻ nguồn lợi của dòng Mekong chưa phù hợp.
Vùng ĐBSCL của Việt Nam có 20 triệu dân, Campuchia có 16 triệu dân, Lào có 6,8 triệu dân và Thái Lan có gần 20 triệu dân sống dọc Mekong. Nếu chia lợi ích trên tỉ lệ người dân thì Việt Nam và vùng hạ lưu Campuchia được hưởng rất ít.
Trong khi đó, GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng mọi dự án khai khác nguồn nước sông Mekong hoặc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong cần được thuyết minh, đánh giá tác động môi trường trên toàn lưu vực, trước mắt, trung hạn và dài hạn.
Cần thiết có công ước quốc tế để điều hành chung lợi ích của các quốc gia, kể cả chuyện tranh thủ dư luận quốc tế.
“Việt Nam góp phần giữ an ninh lương thực cho thế giới là nhờ ĐBSCL. Nhưng ĐBSCL nguy cơ suy sụp thế này không thể nào để mình Việt Nam chịu” - GS Trân nói.
Pak Beng là công trình thủy điện đầu tiên nằm trên dòng chính Mekong chảy vào đất Lào (thuộc huyện Pak Beng, tỉnh Oudomxay, phía tây bắc Lào). Đây là công trình thủy điện thứ ba của Lào xây trên dòng chính Mekong (sau Xayaburi và Don Sahong). Thủy điện Pak Beng có công suất thiết kế 912 MW, điện lượng 4,765 GWh. Khi hoàn thành sẽ có đến 90% lượng điện sản xuất ra được bán sang Thái Lan. GS Nguyễn Ngọc Trân cho biết thủy điện Pak Beng nằm trong vùng động đất hoạt động rất mạnh. Ở chu kỳ 10 năm, 20 năm, động đất có thể xảy ra từ 5 - 6 độ Richter, chu kỳ 50 năm động đất có thể lên đến 7 độ Richter… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận