Theo một cuộc khảo sát năm 2011 do Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) thực hiện, hầu hết thanh niên cho rằng tính liêm chính, trung thực và tuân thủ pháp luật quan trọng hơn tài sản và thành công có được theo những cách thiếu đạo đức.
Tuy nhiên, con số của các năm tiếp theo cho thấy từ nghĩ đến việc thực hành lối sống liêm chính là khoảng cách còn xa.
Cụ thể, theo báo cáo tham nhũng toàn cầu năm 2012 cũng của TT, hơn 60% phụ huynh VN thừa nhận sử dụng tiền hoặc mối quan hệ để “chạy” trường tốt cho con. Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013 cũng chỉ ra 30% người VN đưa hối lộ trong các lĩnh vực công cơ bản.
Ai cũng biết những con số trên ngoài thực tế là cao hơn. Nhận thức mọi quy trình, từ hành chính, y tế, giáo dục... như một cỗ máy và chiếc phong bì, giải pháp hành lang, cửa sau chính là dầu bôi trơn đã trở thành nếp nghĩ quen thuộc của người Việt.
Rồi những việc tưởng là tủn mủn như xếp hàng, nhặt được của rơi, dừng khi đèn đỏ, vứt rác, nhiều người có thói quen chỉ làm đúng khi có sự kiểm soát, quan sát. Cầu thủ bán độ, tiến sĩ đạo văn, ngân hàng lừa đảo, rồi báo chí những năm gần đây bội thực thông tin các vụ gian trá, trong đó rất nhiều “chủ nhân” của các vụ việc này là giới trẻ.
Bối cảnh lộn xộn đó khiến nhiều người chung băn khoăn: làm cách nào đánh động ý thức và hồi sinh lối sống trung thực, liêm chính? Tại sao lại là người trẻ, thay vì những người có chức quyền, vị trí, có tiếng nói?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình VN, chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển VN tại TP.HCM, thành viên ban giám khảo cuộc thi truyền thông “Sống liêm chính” dành cho giới trẻ - cho biết người trẻ chính là gốc, là thượng nguồn chứ không phải là ngọn hay hạ nguồn như xã hội vẫn nghĩ.
Mọi đổi thay xuất phát từ người trẻ sẽ dẫn đến sự đổi thay bộ mặt toàn cộng đồng, tựa như một cơ thể khỏe mạnh từ trong ra, bởi họ là hiện thân của tương lai. Và ở một đất nước dân số trẻ như VN, điều đó lại càng cần thiết.
Bà tỏ ra tin tưởng người trẻ khi bộc bạch: “Thế giới và bản thân chúng ta đánh giá giới trẻ VN thông minh, sáng tạo... thì chính họ sẽ có cách để sống liêm chính. Người trẻ sẽ nghĩ ra cách để vận hành mọi việc trôi chảy mà không phải dùng đến phong bì”.
Bà cho rằng người thông minh sẽ nhìn thấy cái hại lớn lâu dài đằng sau cái lợi nhỏ trước mắt và người sáng tạo sẽ nghĩ ra những cách thú vị, truyền cảm hứng dù đang giải quyết việc khó.
Sống liêm chính khi nhiều người quanh mình dường như đang cổ xúy sự ranh mãnh, gian dối từ những việc nhỏ nhặt đời thường là việc khó.
Việc khó hơn nữa là vận động mọi người cùng thực hành, làm sao để bản thân mình và cả cộng đồng cùng ngay thẳng trong tâm thế tự giác, tự động, từ việc nhỏ như dừng khi đèn đỏ đến việc lớn như khi đứng trước cơ hội bước vào cổng một ngôi trường tên tuổi.
Tại buổi họp báo công bố phát động cuộc thi “Sống liêm chính”, ai cũng thừa nhận đây là cuộc thi khó: cổ động lối sống ngay thẳng, liêm chính trong thời buổi lối sống cơ hội, khôn lỏi lên ngôi, cho đến khó về cách thức thực hiện.
Nhưng cùng chờ đợi xem sự kết hợp giữa tuổi trẻ - những tâm hồn khoáng đạt tự do và truyền thông - loại phương tiện quyền lực hai lưỡi - có thể tạo nên những đổi thay gì, với trọng tâm và hi vọng về vai trò của người trẻ trong việc xây dựng và cổ động một cuộc sống, gọi là “sống liêm chính”?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận