Tập thể dục giúp giảm nguy cơ đái tháo đường |
Qua nhiều nghiên cứu dài hơi, đa quốc gia, các nhà dinh dưỡng đã thống nhất một chế độ ăn cho người lớn tuổi, người có nguy cơ đái tháo đường, theo bảy nguyên tắc sau:
(1) Thành phần thức ăn theo tỉ lệ 15% chất đạm, 35% chất béo, 50% chất đường bột,
(2) Không ăn uống thức ăn nhiều đường ngọt,
(3) Nên chia nhỏ vào ba bữa ăn, nếu thấy đói có thể dùng thêm bữa nhẹ,
(4) Giảm đến mức tối thiểu thức ăn chứa chất béo,
(5) Ăn cá 2-3 lần mỗi tuần,
(6) Hạn chế tối đa uống rượu, bia và
(7) Ăn thêm thức ăn có các chất xơ như rau, củ, trái cây không ngọt...
Đái tháo đường đồng nghĩa với dư thừa năng lượng, thừa cân. Cho nên cần tích cực hoạt động thể lực để giúp cơ thể:
(1) Tiêu hao năng lượng và giảm cân;
(2) Giúp cơ thể tiêu thụ đường dễ dàng hơn;
(3) Nâng cao sức khỏe, cải thiện tinh thần, hoạt bát, sảng khoái
(4) Tăng sức đề kháng, khả năng chống đỡ bệnh tật.
Cần hoạt động thể lực theo nguyên tắc: luyện tập phải dần dần và thích hợp; không ráng quá sức hoặc tập thể lực khi đang có bệnh cấp tính; lưu ý là mỗi bệnh nhân sẽ có một chế độ tập luyện khác nhau chứ không rập khuôn đồng nhất được.
Mô hình luyện tập thể lực lý tưởng: giảm xem tivi, giảm chơi trên máy vi tính, nghỉ trưa dưới 30 phút mỗi ngày.
Hằng ngày cần: đi bộ, đi dạo với thời gian và khoảng cách tăng dần, lên xuống cầu thang vài lần, trồng cây cảnh, làm vườn.
Hằng tuần cần vài lần: chạy tại chỗ, chạy nhẹ, đạp xe, nhảy, đánh bóng bàn, bóng rổ...
Các dân tộc sống quanh biển Địa Trung Hải ăn nhiều rau quả tươi, dầu ôliu với hải sản như cá tôm, rong biển và các loại hạt ngũ cốc, thức uống kèm trong bữa ăn là rượu chát đỏ.
Họ ăn theo thứ tự: ăn rau trái, rong biển trước, tiếp đến sẽ ăn các loại cá biển, hải sản, ăn rất ít các loại thịt động vật và sau cùng mới ăn các loại hạt, ngũ cốc nhưng cũng với số lượng vừa tầm.
Với chế độ dinh dưỡng “rượu chát - dầu ôliu - hải sản” này, cư dân vùng Địa Trung Hải có tỉ lệ mắc bệnh nội tiết chuyển hóa, đặc biệt bệnh tim mạch và đái tháo đường, thấp hơn nhiều so với nhóm dân châu Âu theo chế độ ăn thừa “bơ - thịt - bia”.
Ở nhiều nước châu Á, với chế độ ăn “trà - cơm” là chủ yếu, tỉ lệ bệnh tim mạch thường thấp nhưng đái tháo đường lại cao.
Theo nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Hải Thủy và cộng sự Việt Nam, những người ăn chay tuyệt đối, với thực phẩm hoàn toàn là chất đường bột, tỉ lệ bệnh đái tháo đường cao gấp hai lần người bình thường.
Từ những quan sát trên, ngành nội tiết - đái tháo đường đề nghị một khẩu phần “nội địa” để phòng tránh đái tháo đường: các loại ngũ cốc toàn phần có đủ vitamin, chất xơ và muối khoáng; chất béo là dầu thực vật (dầu phộng, dầu mè...); sử dụng chất đạm từ hải sản và thực phẩm giàu chất xơ, vitamin (rau xanh, đậu bắp, mướp đắng)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận