Dù bao nhiêu tuổi họ vẫn mãi không hoàn thành bổn phận làm con.
Chị Mai, một bà mẹ của hai con, năm nay xấp xỉ bốn mươi, tâm sự chị vừa giảng hòa với mẹ đẻ sau một thời gian giận dỗi. Tôi hỏi vì sao chị căng thẳng với cụ, chị nói: “Mỗi lần gặp ba mẹ, ông bà lại lôi con cái bạn bè ra so sánh. Ông bà không bao giờ hỏi mình sống có vui không, có hạnh phúc không, thay vào đó lúc nào cũng muốn biết thu nhập hai vợ chồng bao nhiêu, cơ hội thăng tiến thế nào. Rồi ông bà cứ nói chuyện con ông này bà nọ nhỏ tuổi hơn mình mà làm ra nhiều tiền, xây nhà xây cửa... trong khi hai vợ chồng mình vẫn đi thuê nhà!”.
Ba mẹ của chị không yêu cầu chị phải chu cấp tiền bạc hay thăm nom thường xuyên vì hai người có tài sản khá lớn, tuy vậy họ vẫn mong mỏi chị đạt được tiêu chuẩn giàu có. Ông bà cho rằng con cái thành đạt, giàu có hoặc có chức vị mới khiến ông bà nở mày nở mặt. Chưa bao giờ việc sống hạnh phúc là tiêu chí quan trọng đối với ông bà. Chị nói người ta thỉnh thoảng gặp cha mẹ đẻ thì vui, mình gặp cứ thắc thỏm với mấy câu chuyện của ông bà, nhiều lúc mặc cảm vô cùng. Vẫn biết cha mẹ nào chẳng yêu thương con nhưng nhiều khi bổn phận đã trở thành áp lực quá lớn. Rút kinh nghiệm đời mình, chị và ông xã cố gắng không tạo áp lực lên con cái. Áp lực bổn phận quá lớn có thể khiến con cái bị mất đi cá tính và tự do.
Vẫn có những ngoại lệ khi con cái chủ động chuyển bổn phận với cha mẹ thành niềm vui và động lực cho mọi hành động trong cuộc sống. Thảo Vy, một nữ sinh lớp 10 và em gái (học lớp 4), vui vẻ kể hai chị em cô bé thường tự lên thời gian biểu cho việc học hành, giải trí và giúp mẹ một cách tự giác. Mẹ của Thảo Vy tự hào: “Thỉnh thoảng các cháu cũng có lơ đễnh như mọi trẻ khác, nhưng chỉ cần nhắc nhở là chúng lại tìm thấy động lực để tiếp tục học hành hay các hoạt động khác. Làm cha mẹ chúng tôi còn mong mỏi gì hơn”.
Bác Ba Oánh, cán bộ hưu trí, nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, có năm người con cả thảy. Cả hai vợ chồng đều là giáo viên vậy mà không có người con nào nối nghiệp nhà giáo của cha mẹ. Hỏi bác có thất vọng khi không có người con nào theo nghề, hai bác nhẹ nhàng: “Năm đứa con của tôi không đứa nào có duyên với chữ nghĩa. Cũng chẳng đứa nào gọi là giàu có. Nhưng được cái tất cả đều có gia đình yên ấm, con cái ngoan ngoãn. Sau này chưa biết ra sao, hiện tại tôi thấy vui vì không có đứa nào than thở về áp lực hay buồn chán. Tôi mãn nguyện vì biết chúng thật sự hạnh phúc. Mỗi thế hệ có một cuộc đời riêng của mình. Càng về già tụi tôi càng hiểu con cái càng hạnh phúc thì chúng tôi càng vui, con cái sống hạnh phúc đã là hiếu nghĩa”.
Con người vốn sinh ra với ít nhiều ràng buộc và bổn phận, nhất là bổn phận với cha mẹ. Với người này bổn phận có thể là niềm vui, người khác lại thấy là áp lực nặng nề. Tuy vậy, không có áp lực từ phía cha mẹ, đôi lúc con cái sẽ không có ý chí và nỗ lực. Nhưng mang áp lực suốt cuộc đời thì chẳng có gì là hạnh phúc và nhiều khi chúng ta tự lo được cho bản thân tức là đã làm tròn bổn phận với cha mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận