18/11/2020 10:19 GMT+7

Sống giữa lòng dân

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - Họ là người được dân thương, dân tin, dân nghe theo. Việc của họ bao năm lặng thầm ở từng khu phố, xóm, ấp. Và nói về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước tiên phải nhắc đến đóng góp của những người làm dân vận.

Sống giữa lòng dân - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết tìm nguồn hỗ trợ tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó - Ảnh: P.PHÚC

Tuổi 72, dù có nhiều thành tích, những tháng ngày làm dân vận của bà chưa bao giờ ngừng nghỉ. Đó là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - chủ tịch Hội Khuyến học, bí thư chi bộ KP3 (P.8), chủ nhiệm CLB Nữ cựu chiến binh Q.Tân Bình (TP.HCM), một trong những tấm gương lặng thầm làm dân vận ở TP.HCM.

Gian hàng 10.000 đồng

"Tôi không có gì ngoài cái miệng và lời ăn tiếng nói" - bà nói vui về mình và luôn tay sắp xếp những chiếc túi vải tự may để phục vụ gian hàng 10.000 đồng cho người nghèo địa phương. 

Bà kể có lần một cụ bà đã nói với bà rằng: "Cô Tuyết ơi, trước đây tôi nhận đồ miễn phí nhiều quá, nay tôi có 10.000 đồng, tôi có thể tự mua hàng rồi". Câu nói của bà cụ khiến bà Tuyết nhiều đêm trăn trở. Thế là nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam lần này, bà Tuyết đã bàn với các cấp tổ chức gian hàng 10.000 đồng hỗ trợ người nghèo.

"Của cho không bằng cách cho, 10.000 đồng người nghèo mua được 5 gói mì, 5kg gạo, chai dầu ăn... Chúng ta vừa bán vừa hỗ trợ. Người nghèo mua bằng tiền của mình, họ phấn khởi lắm, họ không còn tủi thân", bà Tuyết nói.

Không ai muốn nghèo, bị coi là người nghèo nên cách hỗ trợ cũng phải khéo léo, đừng để họ cảm thấy tự ti. Nghĩ vậy rồi bà nghĩ đến những sản phẩm, nhu yếu phẩm quyên góp cho người nghèo, dù ít dù nhiều, món nào cũng phải chất lượng tốt và đẹp mắt.

Ban ngày đi vận động nguồn hỗ trợ, tối đến nữ cựu chiến binh này tự may túi xách, mền vải, khẩu trang… để tặng bà con. Mắt không còn "trẻ" nhưng các sản phẩm của bà đều tỉ mỉ, tinh xảo, đẹp đẽ trước khi trao đến tay người nghèo.

Ngoài các nguồn kinh phí vận động được để giúp người nghèo, hằng tháng bà trích lương hưu để hỗ trợ hai cụ già neo đơn. Bà giảm bớt các khoản chi tiêu để đều đặn gửi tặng hai cụ già 500.000 đồng/người/tháng. "Ví dụ như bữa ăn 50.000 đồng mình chi 25.000 đồng thôi. Tiết kiệm lại để cho người ta. Nhìn người ta già yếu, không có người nương tựa, thương lắm!", bà Tuyết chia sẻ.

Trăm nghe không bằng một thấy

Để các nhà hảo tâm đồng hành cùng chính quyền giúp đỡ nhân dân, cần cho họ thấy được các hoạt động thực tế. "Tôi thường tổ chức cho các nhà hảo tâm đi thực tế, thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Họ thấy sự hỗ trợ của mình là thiết thực, đúng nơi, hợp lý, họ sẵn lòng giúp đỡ", bà Tuyết nói. Khi có sự thấu cảm với người khó khăn, các nhà hảo tâm sẽ đồng hành lâu dài.

Và thay vì quyên góp tiền, bà Tuyết ưu tiên các nhu yếu phẩm, những thứ mà người nghèo thực sự cần. Nhờ cách làm đó, từ năm 2017-2020 bà Tuyết đã vận động xây dựng 13 căn nhà trị giá 500 triệu đồng; 200 suất học bổng trị giá 200 triệu đồng; 100 suất quà trị giá 500.000 đồng/suất cho người nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... Hằng năm, bà Tuyết vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 200 - 300 triệu đồng, hàng tấn nhu yếu phẩm, sách vở, xe đạp, xe lăn cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn…

Sống giữa lòng dân - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (giữa) tổ chức gian hàng 10.000 đồng cho người nghèo - Ảnh: PHAN PHÚC

Mưa dầm thấm lâu

Gần gũi tìm mọi cách hỗ trợ người nghèo, bà Tuyết còn tham mưu tích cực cho công tác quản lý của chính quyền. Năm 2019, TP.HCM có chủ trương di dời 102 hộ dân sinh sống tại chung cư 170-171 Tân Châu và 40/1 Tân Phước. Vì nhiều lý do, các hộ dân tại khu vực này kiên quyết bám trụ chốn cũ.

Với vai trò là bí thư chi bộ KP3 (P.8), bà quyết "ăn dầm nằm dề" tại hai chung cư này để thuyết phục người dân bằng được. Ban đầu nhiều người dân chưa hiểu chủ trương, đòi quyền lợi, quyết từ chối. Bà chân thành giải thích, phân tích những đúng sai, mọi hơn thiệt. Bà con đã hiểu ra và đồng thuận. "Còn một cô gái không đi, đó là người cuối cùng, tôi vẫn ở lại đó thuyết phục. Tôi lại nói cho cô gái biết sự nguy hiểm của chung cư khi hạ tầng đã xuống cấp và thật lòng chính tôi cũng không yên tâm khi cô ấy có một mình mà ở trong một chung cư lớn như vậy", bà Tuyết nói.

Với cách nói, cách làm như mưa dầm thấm lâu, sau 13 ngày, 102 hộ dân tại hai chung cư đã đồng ý di dời. Sau này, tình cảm của bà Tuyết và các hộ dân càng trở nên khăng khít, họ thường xuyên nhắc nhớ về một bí thư chi bộ cứng rắn, sâu sát và thấu tình đạt lý. Nhiều hộ dân đã trở lại thường xuyên đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện của bà Tuyết sau này.

* Bà VÕ THỊ PHƯỜNG (bí thư Đảng ủy P.8, Q.Tân Bình):

Nhân dân tin yêu bà Tuyết

Bà Tuyết là cán bộ được lãnh đạo phường tin tưởng và nhân dân tin yêu bởi cách nghĩ, cách làm luôn đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên và là mục tiêu phụng sự. Ở vai trò cán bộ, bà sâu sát đời sống nhân dân, nhiều lần có những tham mưu, sáng kiến giúp cơ quan chức năng giải quyết tốt các vấn đề trong cộng đồng dân cư, giúp phường có những công trình thi đua đi đầu tại quận.

* Ông HUỲNH VĂN BÉ (phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.Tân Bình):

Chúng tôi trân trọng những đóng góp

MTTQ quận luôn trân trọng những đóng góp của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Nhất là trong những giai đoạn khó khăn, giữa dịch bệnh COVID-19, thiên tai bão lũ miền Trung. Xã hội cần những cá nhân, đoàn thể phát huy sự nhiệt huyết, sức sáng tạo để có nhiều mô hình hỗ trợ người dân cùng vượt khó, vươn lên.

Trao giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc

Ủy ban MTTQ VN TP.HCM vừa tổ chức trao tặng giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TP.HCM cho 6 tập thể và 4 cá nhân tại họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ VN.

Cụ thể 6 tập thể gồm: chương trình Lắng nghe và trao đổi của HĐND TP và Đài Truyền hình TP.HCM, mô hình tổ chức chương trình Tết tình nghĩa của Hội Nông dân TP, Ngày thứ sáu nghe dân nói của Ủy ban MTTQ VN Q.12, Vận động giảm giá, không tăng giá cho thuê phòng trọ của Ủy ban MTTQ VN Q.Thủ Đức, Mỗi tuần 15 phút vì TP văn minh và sạch đẹp của cán bộ và nhân dân P.Bến Thành, Q.1, công trình bộ sách Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc - Kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1954 - 1975 của Ban Liên lạc trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Bốn giải thưởng cá nhân gồm: công trình quyển sách Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1930 - 1954 của ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên tổng thư ký công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến; sáng kiến Tổ chức họp mặt chức sắc các tôn giáo nhân Đại lễ Phật đản của hòa thượng Thích Thanh Sơn, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Q.1; các hoạt động vì người nghèo và mô hình Ngày hội vì dòng kênh xanh của thượng tọa Thích Huệ Công - trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Q.8; mô hình Vận động giới nữ trong đồng bào Công giáo tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nữ tu Trần Thị Lý - trưởng phòng chẩn trị y học cổ truyền Từ Thiện Hi Vọng.

Bí quyết nói dân tin của ông Bình Bí quyết nói dân tin của ông Bình 'dân vận'

TTO - 10 năm làm cán bộ khu phố, ông Nguyễn Công Bình, trưởng Ban điều hành khu phố 1, phường 12, quận 10, đã góp phần cho ra đời và duy trì một chương trình học bổng đặc biệt cấp khu phố, dành cho cho học sinh nghèo từ cấp I cho tới đại học.

THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp