Đoạn sông Dương Đông, đoạn chảy qua cầu Nguyễn Trung Trực ngay sát cửa biển đen ngòm và bốc mùi hôi - Ảnh: K.NAM
Sông Dương Đông dài 21,6km, chảy vắt ngang đảo Phú Quốc theo chiều đông - tây bắt nguồn từ suối Đá Bạc. Hợp lưu vào dòng chảy Dương Đông đổ ra biển tại Dinh Cậu còn có các nhánh phụ: rạch Ông Trì, rạch Cầu Lớn, Suối Đá, Suối Tiên..., các nhánh này có tổng chiều dài lên tới 63km.
Ai bức tử sông Dương Đông?
Giữa trưa nắng như đổ lửa cuối tháng 4, tại khu vực chợ Dương Đông ngay trước khi dòng sông này đổ ra biển, hàng trăm tàu cá ra vào bến, kèm theo đó là váng dầu nhớt lan khắp mặt nước. Rác thải, nước thải từ phía trên chợ không ngừng tuôn xuống sông. Đứng trên cầu Nguyễn Trung Trực, chúng tôi phải tạm nín thở vì mùi hôi từ nước sông bốc lên nồng nặc dù đã đeo khẩu trang y tế.
Đưa chúng tôi đi bằng canô ngược dòng Dương Đông từ cầu Hùng Vương, anh Phù Thọ Bình (45 tuổi, sinh ra và lớn lên trên đảo Phú Quốc) nhìn dòng sông đen kịt, hôi hám mà luôn miệng cảm thán: "Hồi đó nước trong lắm, cá nhiều lắm. Còn bây giờ người còn không chịu nổi mùi hôi, cá tôm nào sống nổi".
Theo Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Phú Quốc, dọc hai bờ sông Dương Đông và các nhánh phụ hiện có trên 10.000 hộ dân cùng 300 cơ sở sản xuất kinh doanh (phần lớn là nhà thùng làm nước mắm - PV).
Gần như toàn bộ nước thải sinh hoạt, sản xuất từ đây đều xả trực tiếp ra dòng sông này. Các năm trước, nhờ lượng mưa nhiều nên nước từ núi Đá Bạc và các nhánh suối, rạch hợp lưu tràn xuống đẩy chất thải ra biển, dòng sông Dương Đông tuy ô nhiễm nhưng chưa đến mức chuyển màu đen kịt và bốc mùi thối như năm nay.
Cảnh sát môi trường, Công an Kiên Giang lập biên bản tại nhà thùng Khải Hoàn sau khi bắt quả tang nơi này xả nước thải không qua xử lý - Ảnh: K.NAM
Chưa hết, theo người dân địa phương, bắt đầu từ ngày 4-4 đến nay, dòng nước rạch Suối Đá (xã Dương Tơ) và rạch Cầu Lớn (xã Cửa Dương) trở nên đen ngòm, bốc mùi kèm theo hiện tượng cá chết hàng loạt.
Nhận tin báo của người dân, Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Phú Quốc đã lấy mẫu nước phía sau hai cơ sở sản xuất nước mắm A.D và TH.KH đưa đi kiểm nghiệm. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kiên Giang đã cử trinh sát đeo bám mật phục hàng tuần liền. Kết quả đã phát hiện, lập biên bản quả tang ít nhất ba nhà thùng nước mắm trực tiếp xả nước thải ra rạch Suối Đá. Đó là các nhà thùng: Khải Hoàn, Hồng Việt 1, Thành Khoa.
Tại nhà thùng nước mắm Khải Hoàn - quy mô 700 thùng ủ nước mắm, khối lượng trung bình 13 tấn/thùng - lực lượng trinh sát phát hiện nhân viên của nhà thùng này đang rửa sàn lên cá xả nước trực tiếp ra rạch Suối Đá. Mẫu nước dưới bồn chứa tạm trước khi xả ra rạch tại đây được lấy lên có màu đen như cà phê và cực kỳ hôi, mùi hôi đặc trưng của xác mắm.
Theo nhân viên kỹ thuật của nhà thùng Khải Hoàn, doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải công suất 7m3/ngày đêm. Nước rửa cá được cho biết là có qua hệ thống này trước khi xả ra môi trường, chỉ có điều là quá tải khoảng 3m3/lần lên cá.
Tuy nhiên, khi kiểm tra đồng hồ tại trạm bơm nước của nhà thùng Khải Hoàn, cảnh sát môi trường xác định trước sự chứng kiến của đại diện doanh nghiệp là tổng lượng nước thải chỉ trong 7 giờ đã lên tới 70m3, tức 10m3/giờ. Điều này cho thấy hệ thống xử lý nước thải tại đây chỉ để đối phó với cơ quan chức năng là chính, chứ không có tác dụng xử lý nước thải trước khi xả thải ra sông Dương Đông!
Sông Cửa Cạn cũng kêu cứu
Tại Phú Quốc, sông Cửa Cạn (dài khoảng 15km) cũng đang kêu cứu vì ô nhiễm.
Sông Cửa Cạn tuy chưa ô nhiễm như sông Dương Đông nhưng dòng chảy bị thu hẹp nhiều nơi do các công trình xây dựng lấn chiếm. Tại chân cầu Cửa Cạn, nhiều công trình xây dựng không chỉ lấn chiếm bờ sông mà còn vi phạm cả an toàn hành lang cầu.
Tại thị trấn An Thới, khu vực rạch Cầu Sấu (dài khoảng 9km, chảy từ núi Cô Sáu ra khu vực Bãi Khem) ô nhiễm nặng do rác thải và lượng tàu cá, tàu vận tải neo đậu tại cảng Vịnh Đầm rất nhiều.
Chưa biết khi nào sông sẽ hồi sinh
Báo cáo mới nhất của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Phú Quốc nhận định tình trạng ô nhiễm tại sông Dương Đông do nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc cải tạo tăng dung tích hồ chứa Dương Đông làm giảm lượng nước đổ xuống từ thượng nguồn.
Tiếp theo là tình trạng biến đổi khí hậu khiến mùa nóng trở nên gay gắt, lượng mưa giảm mạnh so với các năm gần đây, nhưng nguyên nhân chính là do lượng bùn tích tụ dưới đáy sông quá nhiều năm. Đây đều là chất thải sinh hoạt, sản xuất của hàng ngàn hộ dân cùng hàng trăm doanh nghiệp dọc hai bờ sông thải ra hàng chục năm nay.
Phòng Tài nguyên và môi trường đưa ra hai nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó giải pháp trước mắt nêu ra cả việc đưa nước biển vào để giảm ô nhiễm cho nước sông, chấp nhận nhiễm mặn và tác động tiêu cực tới một số hệ sinh thái nhất định. Kế đến là nạo vét bùn thải dưới đáy sông.
Về giải pháp này, ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - nói thẳng là không được vì nếu nạo vét sẽ gây sạt lở, thậm chí đổ sụp hàng ngàn nhà dân tạm bợ ven sông. Còn chuyện dẫn nước biển vào để pha loãng nguồn nước sông bị ô nhiễm, ông Nghiệp cho rằng càng không khả thi vì phải ngăn đập.
Theo ông Nghiệp, giải pháp cứu sông Dương Đông và các sông, suối khác ở Phú Quốc về lâu dài là phải quy hoạch và di dời 300 nhà thùng nước mắm vào khu tập trung, có hệ thống thu gom xử lý nước thải.
Đồng thời tạo quỹ đất tái định cư và giải tỏa di dời trên 10.000 hộ dân sinh sống dọc sông Dương Đông và các nhánh hợp lưu. Trước mắt, nên khẩn cấp di dời ngay các hộ dân khu vực thị trấn Dương Đông.
"Hiện tại, UBND huyện đã trình UBND tỉnh và các sở, ngành đề án thu gom xử lý nước thải cục bộ cho khu vực thị trấn Dương Đông và các xã lân cận. Riêng khu vực chợ Dương Đông thì chính quyền sẽ cùng với chủ đầu tư yêu cầu bà con buôn bán tự phát bên ngoài di dời vào nhà lồng chợ có hệ thống xử lý nước thải đàng hoàng" - ông Nghiệp nói.
Vụ ô nhiễm trên sông Cái Lớn: Yêu cầu một công ty mía đường tạm ngừng hoạt động
Sáng 6-5, ông Lê Tiến Châu - chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - đã đi kiểm tra thực tế về đời sống dân sinh và tình hình ô nhiễm trên sông Cái Lớn (đoạn chảy qua huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, Tuổi Trẻ ngày 5-5 đã phản ánh).
Tại buổi kiểm tra, ông Châu cho biết trước mắt UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Cồn Long Mỹ Phát phải tạm ngưng hoạt động một thời gian, đồng thời không tiếp nhận thêm nguồn mía nguyên liệu. Nếu công ty không chấp hành mà vẫn hoạt động thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ông Châu cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh và công an kinh tế địa phương tiếp tục kiểm tra, thống kê nhanh thiệt hại kinh tế, đời sống của người dân và xem xét trường hợp nào có thể hỗ trợ đúng theo quy định.
Riêng nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm sông Cái Lớn, ông Châu cho biết dự kiến cuối tuần này có kết quả cụ thể. (CHÍ CÔNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận