Một buổi họp mặt gia đình nhiều thế hệ vào mùng 1 Tết Bính Thân 2016 ở Sài Gòn - Ảnh: M.C. |
Bạn đọc Trần Xuân Tiến cho rằng thật khó có một câu trả lời chung để làm hài lòng tất cả mọi người, bởi hai bên đều có những lý do rất thuyết phục về ý kiến của mình. Dưới đây là chia sẻ của tác giả:
"Lựa chọn kế hoạch hay với bạn bè đến các vùng đất mới lạ đang là câu chuyện thu hút sự tranh luận của đông đảo độc giả Tuổi Trẻ trong mấy ngày qua. Có người mạnh mẽ tuyên bố: đừng lấy quá khứ trói buộc tương lai. Có người lại “quan ngại sâu sắc”: xin đừng làm gì để hối tiếc về sau…
Quan điểm của tôi là thật khó có một câu trả lời chung để làm hài lòng tất cả mọi người, bởi hai bên đều có những lý do rất thuyết phục về ý kiến của mình. Nhưng nhìn rộng ra, có thể thấy, việc lựa chọn xu hướng đón Tết chỉ là một phần nhỏ trong một vấn đề lớn hơn mang tính triết học phổ quát.
Đó là câu hỏi sẽ đi suốt theo cuộc đời của chúng ta, rằng sự có mặt của chúng ta trong cuộc sống này, rốt cuộc, không chỉ “để làm gì?”, mà còn là “để cho ai vui?”.
Ông bà, cha mẹ luôn mong muốn các thành viên trong đại gia đình được tụ họp đông đủ trong những ngày Tết thiêng liêng và ý nghĩa. Quang cảnh về sự đầm ấm ấy là một trong những hình ảnh sống động cho tư duy trọng tình của người Á Đông. Nhiều bạn trẻ vì muốn thấy được nụ cười hài lòng mãn nguyện của gia đình nên đã về quê đón Tết trong sự ấm áp vòng tay yêu thương.
Nhưng cũng có những bạn trẻ cảm thấy đã đến lúc phải cho chính bản thân mình được thụ hưởng niềm vui mà mình yêu thích. Vậy là xách ba lô lên và đi, rong ruổi trên hành trình của những chân trời mới lạ mà chỉ những ngày xuân mới có thể thưởng ngoạn.
Có thể dẫn ra hàng loạt những nan đề tương tự.
Bạn đã quyết định ra sao khi ngành học, nghề nghiệp mà bạn quan tâm lại không phải là ngành học, không phải là nghề nghiệp mà phụ huynh của bạn mong muốn bạn hướng đến? Bạn đã quyết định như thế nào khi bạn trai hoặc bạn gái, hay chồng hoặc vợ của bạn yêu cầu bạn thực hiện một hành động gì đó có ích lợi cho cả hai nhưng lại trái với nguyện vọng, nhu cầu và trái với cảm xúc của bạn?
Hẳn là trong cuộc sống, không ai là chưa từng gặp hoàn cảnh phải thực hiện một điều gì đó mà lý trí và cảm xúc của mình cảm thấy không vui, không thích thú nhưng lại là yêu cầu, là mong muốn của những người thân. Bạn đã lựa chọn cách giải quyết ra sao cho những vấn đề phải lựa chọn như thế?
Một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống mà ở đó, niềm vui là yếu tố thường xuyên xuất hiện đến thân thuộc. Nhưng các nguyên cớ để tạo ra niềm vui, trớ trêu thay, lại khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau ở từng trường hợp mỗi người. Khi không có cùng một lối nghĩ sẽ nảy sinh những đối lập, rất cần phải được đối thoại.
Trở lại câu chuyện giới trẻ ngày nay nên đón Tết cùng gia đình hay du xuân, có thật là những bạn trẻ chỉ có thể lựa chọn một trong hai phương án hay không?
Tôi tin rằng sẽ có nhiều cách để chúng ta dung hòa hai đáp án tưởng chừng như hai đường thẳng song song này.
Hãy tạo dựng một cơ hội để có thể chia sẻ những suy nghĩ của bạn nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng của bạn. Và ngược lại, hãy như một tâm thế bình tâm nhất của bạn để lắng nghe những tình cảm, suy tư của ông bà, bố mẹ.
Niềm vui của mỗi người chỉ thật sự tròn vẹn khi niềm vui ấy không tước đi sự tồn tại của những niềm vui khác của những người khác.
Thế nên “chúng ta sống để ai vui?” sẽ là câu hỏi mà chúng ta luôn phải tự tra vấn bản thân hằng ngày để kịp thời đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng suốt".
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Đón Tết Nguyên đán như thế nào là tiết kiệm đồng thời không mất đi lễ nghĩa, truyền thống của dân tộc, chuyên mục chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người. Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn! |
Với mình, bạn chọn xu hướng nào? Mời bạn điền vào ô thăm dò dưới đây:
[poll width="450px" height="250px"]256[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận