Một cơ sở bán hóa chất nằm liền kề cửa hàng gas tại khu dân cư trên đường Gò Dầu, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: H.Dung |
Ðó là tâm lý của rất nhiều người dân hiện đang sinh sống cạnh những cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng hóa chất trên địa bàn TP.HCM.
Chiều 23-10, tại một cơ sở hóa chất trên đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân), khi nghe chúng tôi hỏi về phòng chống cháy nổ thì nhân viên giữ kho từ chối thẳng thừng:
“Tụi tui không biết gì cả! Muốn biết chuyện thì lên văn phòng gặp người quản lý hoặc hỏi mấy ông phòng cháy chữa cháy”.
Một nhân viên nữ cho biết: “Người ta thuê tui coi kho thì tui làm. Mấy hôm nay xem tivi thấy vụ nổ ở quận 12 thì đêm nằm ngủ cũng ớn lạnh thiệt. Sống chết có số chứ biết làm sao! Nó thích thì nó nổ chứ tụi tui làm sao chống lại được”.
Chấp nhận “hên xui”
Khó quản Theo một lãnh đạo của UBND Q.5, việc quản lý các cơ sở kinh doanh hóa chất rất khó khăn, phần lớn những cơ sở được hình thành từ rất lâu và tồn tại theo kiểu dạng vừa nhà ở vừa là nơi sản xuất, buôn bán. Số lượng hóa chất được sử dụng tại các cơ sở này thường không nhiều, chính vì không nhiều nên dẫn đến tình trạng chủ quan và nguy cơ cháy nổ càng cao. |
Kho chứa hóa chất của cơ sở này cách đây không lâu từng bị đội kiểm tra Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.Bình Tân xử phạt do không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu về phòng chống cháy nổ.
Cơ sở có hàng trăm loại hóa chất và nằm sát khu dân cư sầm uất, là nơi hằng ngày có hàng trăm xe tải lớn nhỏ ra vào.
Bà Nguyễn Thị T., người dân có nhà nằm phía sau lưng kho chứa hóa chất, cho biết:
“Tui biết có kho hóa chất nằm sau lưng nhà mình. Từ đầu năm đến nay, lâu lâu lại nghe có vụ nổ hóa chất làm chết người, nói thiệt tình là tui không ngủ được. Ðêm nằm ngủ mà nghe có mùi lạ là vùng dậy chạy ra khỏi nhà xem xét thử có gì bất thường không. Tâm trạng của người dân sống xung quanh cứ thấp thỏm không yên”.
Dọc đường Phan Anh (P.Bình Trị Ðông, Q.Bình Tân), sát các khu nhà dân là hàng loạt cơ sở lớn nhỏ chuyên sản xuất các sản phẩm xi mạ nhôm và thu mua tái chế bình ăcquy cũ...
Ông Trần Ðại Hòa - một người dân - nói: “Tụi tui không biết họ dùng hóa chất gì nhưng cứ đến sống ở đây thì biết".
Theo ông Hòa, cứ khoảng 9g là mùi hóa chất bốc lên nồng nặc. Mùa mưa còn đỡ, mùa nắng mà đi ngang qua mấy cơ sở này là tưởng tượng như muốn bị đốt cháy bởi hơi nóng và hóa chất khét nghẹt.
"Mấy cái xưởng nhỏ nhỏ ở đây thường để hầm bà lằng đủ thứ từ máy móc, hóa chất đến nguyên vật liệu sản xuất, dây nhợ lòng thòng. Nói dại miệng chứ lỡ nó bắn cái tàn hương ra thì cháy là cái chắc!”, ông Hòa nói.
Ðiều người dân lo lắng nhất chính là hiện nay ở TP.HCM còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất giữa các khu dân cư. Tại các nơi này hoạt động buôn bán, pha trộn, sang chiết hóa chất diễn ra công khai.
Chị Lê Thị Lan H. - người dân trên đường Gò Dầu (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) - bức xúc nói: “Gần nhà tui có một cơ sở buôn bán hóa chất sát bên cửa hàng gas.
Ðồng ý chuyện buôn bán là chuyện của người ta, nhưng tui thấy phần lớn chủ nhà ít ở đó, mọi cái đều giao cho nhân viên trông coi. Mà nhân viên thường hay lơ là, kiến thức phòng chống cháy nổ của những người này chẳng có gì”.
Những thùng hóa chất bày tràn ra lòng đường ở chợ Kim Biên, Q.5, TP.HCM - Ảnh: T.Long |
Quản lý chồng chéo, lỏng lẻo
Trong cuộc họp khẩn về tình hình cháy nổ trên địa bàn TP sau khi xảy ra vụ nổ hóa chất tại Công ty TNHH SXTM Ðặng Huỳnh (P.Thới An, Q.12), Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phát biểu thẳng thắn:
“Ðiều cần phải nhìn thấy được là từ trước đến nay vấn đề quản lý hóa chất nói chung quá chồng chéo và lỏng lẻo. Chính sự phối hợp không đồng bộ, kiểm soát không chặt chẽ các cơ sở được cấp phép kinh doanh, buôn bán sử dụng hóa chất đã gián tiếp đưa đến vụ nổ này”.
Ông Quân chỉ đạo phải lên kế hoạch di dời, giải tỏa các cơ sở kinh doanh, sản xuất, sử dụng hóa chất ra khỏi các khu dân cư. Có như vậy người dân mới an tâm sinh sống được.
Theo số liệu mới nhất của Sở Kế hoạch - đầu tư TP, hiện trên địa bàn TP có hơn 16.500 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề “bán buôn, bán lẻ, mua bán hóa chất”, trong đó có 356 doanh nghiệp đăng ký nghề “sản xuất hóa chất”.
Sở Kế hoạch - đầu tư chỉ là nơi cấp phép, còn Sở Công thương là nơi trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý và thanh tra, kiểm tra, UBND cấp quận huyện có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên địa bàn. Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm chính khi xảy ra sự cố?
Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Ðoàn luật sư TP.HCM - cho biết: "Về vụ nổ tại quận 12, đầu tiên phải xác định trách nhiệm của Công ty Ðặng Huỳnh và đại diện theo pháp luật của công ty này.
Công ty được cấp phép kinh doanh ngành nghề mua bán hóa chất thì trước hết phải tự đảm bảo các điều kiện cần thiết về chế độ an toàn. Hai cơ quan có trách nhiệm quản lý liên quan là Sở Công thương và UBND các cấp tại địa phương.
Thực tế, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề, các đơn vị liên quan sẽ cử đoàn công tác đến thanh tra, kiểm tra về phòng cháy chữa cháy, các điều kiện an toàn.
Tuy nhiên, việc kiểm tra này không được thực hiện thường xuyên do không có quy định cụ thể về cơ chế, cách thức và quy chuẩn nghiệp vụ. Cơ chế quy trách nhiệm cho đơn vị kinh doanh đã có, nhưng cần phân tích và điều tra trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan”.
Ông Nguyễn Văn Thanh - cục trưởng Cục Hóa chất Bộ Công thương - cho biết: Khi xảy ra sự cố thì thường người ta hay quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý trực tiếp là sở công thương và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, trước sự hỗn loạn cũng như chồng chéo về quy trình cấp phép, quản lý thì nên có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành có liên quan.
Một trong những điều quan trọng nhất bị bỏ qua chính là ý thức trách nhiệm của những người kinh doanh, buôn bán, sử dụng hóa chất.
Từ khâu cấp phép đến khâu quản lý, kiểm soát, kiểm tra sẽ chẳng là gì nếu chính chủ và nhân viên của cơ sở không có ý thức tự bảo vệ mạng sống của mình.
8 người chết, 7 người bị thương do cháy nổ hóa chất Đại tá Trần Thanh Châu - phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM - cho biết từ năm 2010 đến nay, tại TP xảy ra bảy vụ cháy nổ do hóa chất làm chết tám người, bị thương bảy người, thiệt hại về tài sản gần 41 tỉ đồng. Trong đó có hai vụ người dân tự mua các loại hóa chất về pha trộn để chế tạo thuốc nổ. Riêng năm 2014 xảy ra bốn vụ cháy nổ liên quan đến hóa chất, làm chết bảy người, bị thương sáu người, thiệt hại khoảng 34,5 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm các quy định về an toàn trong quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến, pha chế các loại hóa chất, làm rò rỉ hóa chất ra bên ngoài dẫn đến việc tiếp xúc hay phản ứng với các chất khác và gây cháy, nổ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận