Trực thăng đậu trên dòng sông băng chuyển màu nâu ở New Zealand. Ảnh: firenewsfeed.com
Trang The Guardian (Anh) đưa tin hôm 2/1, những bức ảnh được chụp từ dãy Nam Alps (New Zealand) cho thấy khói mù dày đặc mang theo các hạt bụi đã khiến những ngọn núi và dòng sông băng chuyển thành màu nâu caramen. Bên cạnh đó, cư dân vùng Auckland và một số khu vực tại Đảo Bắc nước này cũng đã chứng kiến cảnh tượng mặt trời xuất hiện với màu cam sáng bất thường.
Bài đăng trên tài khoản Twitter của Cơ quan khí tượng New Zealand cho biết khói đã vượt qua biển Tasman, tầm nhìn trong khói mù giảm mạnh ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này có thể khiến băng tan chảy nhanh chóng.
Trước đó, sáng ngày 1/1, nhiều khu vực tại Đảo Nam (New Zealand) cũng đã xuất hiện mây màu cam được cho là do khói từ các đám cháy tại tiểu bang Victoria và New South Wales (Australia) trôi về phía Đông New Zealand, làm không khí một phần hòn đảo trở nên mù mịt.
Giáo sư Andrew Mackintosh tại Đại học Monash, cựu Giám đốc trung tâm nghiên cứu Nam Cực, cho biết trong gần 2 thập kỷ nghiên cứu về sông băng ở New Zealand, ông chưa từng thấy một lượng bụi mù lớn như vậy di chuyển qua vùng biển Tasman. Điều này có khả năng làm tan chảy sông băng trong mùa này tới 20 – 30%.
"Bụi mù khá phổ biến ở các dòng sông băng tại New Zealand nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng lượng bụi mù lớn như vậy là một hiện tượng nguy hiểm", ông Mackintosh nói.
Ông giải thích thêm rằng độ trắng của băng tuyết phản ánh sức nóng của mặt trời và khiến những dòng sông băng thấp dễ tan chảy. Khi những dòng sông băng trở nên mờ đục nghĩa là chúng đang tan chảy với tốc độ nhanh hơn.
Tác động của bụi mù có thể sẽ kéo dài không quá 1 năm. Tuy nhiên, nếu Australia vẫn phải chịu tác động của cháy rừng và hạn hán khắc nghiệt, những dòng sông băng ở New Zealand cũng sẽ bị ảnh hưởng và biến mất.
Khói mù từ Australia bay qua New Zealand cũng khiến những người mắc bệnh hô hấp như hen suyễn không dám ra ngoài trong điều kiện không khí bất thường.
New Zealand có đến hơn 3.000 dòng sông băng. Tuy nhiên, kể từ năm 1970, các nhà khoa học nhận thấy chúng đang bị thu hẹp gần 1/3. Với đà này, dự đoán những dòng sông băng sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ.
"Những dòng sông băng của chúng ta không phải chờ đến bất kỳ trận chiến nào để đối phó với biến đổi khí hậu nữa bởi chúng đã thực sự nguy cấp", một nhà văn chuyên viết về du lịch nói.
Australia vẫn đang phải gồng mình chống chọi với cháy rừng khi tình trạng ngày càng diễn biến phức tạp. Thành phố Sydney bị khói bụi phủ kín trong khi các đợt gió nóng tiếp tục thổi bùng những đám cháy ở miền Đông Nam nước này. Người đứng đầu Cơ quan Cứu hỏa quốc gia tại bang Victoria Peter O'Keefe cho biết có những cột lửa cao tới 14km đã tạo ra các hệ thời tiết đặc thù, đồng thời gây nên sấm chớp và gió mạnh, với những cột khói như lốc xoáy cao vút./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận