Các nhà khoa học khoan xuống thềm băng ở độ cao 8.000m, phía sau là đỉnh Everest - Ảnh: NatGeo
Theo trang Live Science, lần đầu tiên trong lịch sử, một nhóm các nhà khoa học đã vác hàng tá thiết bị leo lên núi Everest để nghiên cứu sông băng South Col - được xem là sông băng cao nhất thế giới ở độ cao 8.000m trên mực nước biển.
Sau khi lắp đặt hai trạm thời tiết cao nhất Trái đất và thu thập lõi băng ở độ cao kỷ lục, nhóm nghiên cứu bất ngờ nhận ra sông băng South Col đang tan chảy nhanh hơn 80 lần so với tốc độ băng hình thành.
Phát hiện lập tức được công bố trên tạp chí Khoa học khí hậu và khí quyển.
Các chuyên gia ước tính từ thập niên 1990 đến nay, sông băng South Col đã mất đi lượng băng tích tụ trong 2.000 năm, và hiện tại cứ mỗi năm trôi qua nó lại mất đi lượng băng tương đương vài thập kỷ tích tụ.
"Nghiên cứu này theo đuổi một trong nhiều câu hỏi lớn - liệu các sông băng cao nhất hành tinh có bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu do con người không? Câu trả lời là có, ảnh hưởng thậm chí rất nghiêm trọng từ cuối thập niên 1990", ông Paul Mayewski, nhà nghiên cứu băng hà thuộc Đại học Maine (Mỹ), kết luận.
Nhóm chuyên gia còn phát hiện sông băng South Col thực tế đã bắt đầu tan chảy do biến đổi khí hậu từ tận thập niên 1950, nhưng đến thập niên 1990 thì tốc độ mới tăng lên đáng kể khi lớp tuyết bên ngoài tan hết, phơi bày mảng băng thô bên dưới.
Do không còn lớp băng trắng để phản chiếu ánh sáng mặt trời, số phận của South Col là không còn cơ hội phục hồi.
Đáng quan ngại, South Col chỉ là một trong nhiều sông băng trên dãy Himalaya, nếu những nơi khác cũng theo xu hướng tương tự, nguồn nước ngọt cung cấp cho hơn 1 tỉ người sẽ nhanh chóng suy kiệt - nghiên cứu kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận