Bên trong một ngôi nhà dột của người dân thôn Tây Sơn Tây (xã Duy Hải), trong vùng giải tỏa dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An - Ảnh: B.D.
Nỗi lo lớn hơn khi chiều 7-9, trong trận mưa lớn đầu mùa mưa bão, mọi người nghe tin nhà của bà Nguyễn Thị Thu (thôn Tây Sơn Đông) đổ sập.
Vào mùa mất ăn mất ngủ
Trong ngôi nhà còn ngổn ngang gạch ngói, xà gồ... bà Nguyễn Thị Thu kể khoảng 16h, khi cả nhà đang ngồi ở gian nhà chính thì nghe tiếng động lớn bên hông nhà. Trong cơn mưa tầm tã, gian nhà phụ đã bị gió quật đổ, đè lên sách vở, quần áo, phòng ngủ của bà và hai cháu nội.
Ngôi nhà được dựng cách đây hơn 20 năm. Nếu không có dự án, bà đã cất một căn nhà mới kiên cố hơn để ở lâu dài. Nhưng mọi thứ bế tắc từ năm 2011, khi dự án xây khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được triển khai. Nhiều hộ dân đã dỡ nhà đi, nhưng cũng còn hàng trăm hộ chưa thể đi được.
Mùa mưa bão sắp đến, đa số các ngôi làng nằm sát mép biển, nhà xây đã quá lâu, bị mối mọt gặm mục ruỗng nhưng không được sửa chữa. Ông Nguyễn Văn Thống, chủ tịch UBND xã Duy Hải, nói rằng thêm một mùa mưa bão lại thêm một mùa mất ăn mất ngủ. "Mỗi lần nhận tin báo việc nhà bà con bị đổ sập là chúng tôi lại thêm bất an" - ông Thống nói.
Vụ sập nhà mới đây chỉ là một trong rất nhiều sự vụ sập nhà ở vùng giải tỏa xã Duy Hải. Chiều 11-9, ông Võ Đình Long và vợ lo nhặt nhạnh những gì còn sót lại ở gian nhà phụ vừa sập trong mưa.
"Nhà ở đây giờ không khác nào cái áo quá mục, mưa xuống lại rớt từng miếng tơi tả" - ông Long nói. Nhà ông Long có năm người tá túc trong căn nhà xây hơn 22 năm trước, giờ mối mọt gặm nát phần gỗ, mái lủng nhiều nơi. Đây cũng là tình cảnh chung của những ngôi nhà vùng này trong 10 năm nay.
Sửa tạm qua dông bão
Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được triển khai vào năm 2011 với tổng diện tích gần 1.000ha nằm dọc biển Thăng Bình, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Hàng ngàn hộ dân phải dời đi. Xã Duy Hải là tâm điểm của dự án với hơn 500ha đất, gần 1.000 hộ gia đình cần nơi ở mới.
Theo Chủ tịch xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống, từ 2011 tới nay vẫn chưa thể đưa được tất cả bà con về nơi ở mới. "Thời điểm ban đầu khi thông báo di dời, nhiều gia đình còn ngần ngừ. Từ 2016 trở đi, quá nhiều hộ đăng ký khiến việc bố trí quá tải. Quỹ đất tái định cư không đủ, tiến độ hoàn thành mặt bằng bị trễ, bà con phải nán lại ở nhà cũ" - ông Thống nói.
Theo ông Thống, rất nhiều cuộc họp bàn cách tháo gỡ do huyện, tỉnh đã được triển khai đốc thúc nhưng đến nay còn hàng trăm gia đình vẫn phải sống tạm bợ.
"Trước đây chúng tôi cho kiểm kê tài sản, đền bù thiệt hại và không cho bà con tu sửa nhà cửa. Tình hình này kéo dài quá lâu nên trước mắt xã khuyến khích bà con sửa chữa tạm, chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn qua mùa mưa bão. Xã sẽ đốc thúc cơ quan chức năng để đưa bà con sớm về nơi ở mới, ổn định cuộc sống" - ông Thống nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận