Phóng to |
Rạch Bà Chèo đen ngòm, hôi nồng nặc - h: Uyên Thư |
“Sở dĩ nói nghiêm trọng là vì lãnh đạo công ty và những công nhân vận hành nhà máy biết rõ nước thải sau xử lý không đạt yêu cầu mà vẫn xả ra môi trường với khối lượng lớn và suốt một thời gian dài” - ông Vinh nói.
Có dấu hiệu xả trộm vào ban đêm
Từng bị phạt nhiều lần Ông Lê Viết Hưng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, cho hay từng nhiều lần phát hiện vi phạm của nhà máy xử lý nước thải tập trung thuộc Công ty Sonadezi. Cụ thể năm 2009, thanh tra sở xử phạt vi phạm hành chính hai lần (mỗi lần 17 triệu đồng) về hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép 2-5 lần. Đến năm 2010, công ty này tiếp tục bị xử phạt 31 triệu đồng về các hành vi: thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; quản lý vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định; xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép 2-5 lần. Tháng 2-2011, thanh tra Tổng cục Môi trường tiếp tục phát hiện nhà máy xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép và ra quyết định xử phạt 75 triệu đồng. |
Theo đại tá Phan Hữu Vinh, qua công tác điều tra, cơ bản C49 đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường của nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Long Thành. Sau hơn một tháng bám địa bàn, trinh sát ghi nhận cứ vào lúc trời mưa to hoặc ban đêm hay lúc thủy triều bắt đầu rút là nhân viên điều khiển mở cống xả của hồ sinh thái cho nước đổ ra rạch Bà Chèo dẫn ra sông Đồng Nai.
Khi thủy triều lên, cống xả lại được mở ra để lấy nước từ ngoài vào. Nước từ hồ sinh thái xả ra rạch Bà Chèo luôn bốc mùi và có màu đen. Hồ sinh thái này có dung tích chứa khoảng 35.000m3, nằm cách hồ chứa nước sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải tập trung hơn 500m.
Đêm 3-8, lực lượng của C49 phía Nam tại TP.HCM với hai cán bộ từ Hà Nội tăng cường vào đã phối hợp với Công an xã Tam An, đồn công an Khu công nghiệp Long Thành mai phục, bắt quả tang các công nhân của nhà máy đang vận hành xả thải vào lúc 23g.
Lúc lực lượng kiểm tra ập vào, nhà máy xử lý nước thải vẫn hoạt động, nhưng hệ thống xử lý vi sinh bị hỏng, hệ thống khử trùng nước không hoạt động. Nước thải nóng còn đang bốc hơi và nồng nặc mùi hôi được dẫn ra hồ chứa nước sau xử lý, rồi theo đường ống ngầm đổ ra hồ sinh thái và từ đây đổ ra rạch Bà Chèo qua ba cửa xả, trong đó có một cửa xả nằm sát đáy hồ.
Theo biên bản làm việc của C49, nguồn nước thải đầu vào của nhà máy có nhiệt độ rất cao. Theo đúng quy trình, công ty phải có biện pháp để giảm nhiệt độ nước thải đầu vào và tạo điều kiện cho vi sinh tồn tại và phát triển, nhưng công ty chưa có biện pháp giải nhiệt hiệu quả dẫn đến nhiệt độ cao trong nước thải, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bình thường của vi sinh, khiến chất lượng nước thải sau xử lý bị ảnh hưởng.
Dù công ty đang sửa chữa nhà máy nhưng không có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn, bỏ qua công đoạn xử lý hóa lý (sau xử lý vi sinh), nên việc vận hành hệ thống xử lý nước thải diễn ra không đúng quy trình. Việc quản lý bùn thải phát sinh từ nhà máy xử lý nước thải chưa tốt, bùn để ngoài trời, không che chắn. Công ty cũng chưa lắp đặt hệ thống đo lưu lượng và quan trắc tự động các thông số gây ô nhiễm đặc trưng trong nước thải sau xử lý như yêu cầu của thanh tra Tổng cục Môi trường.
Đại tá Phan Hữu Vinh cho biết ông Trần Quang Thỏa - tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi - và các nhân viên vận hành đã thừa nhận hành vi vi phạm. Trong những ngày tới, C49 tiếp tục làm việc với ban lãnh đạo công ty để làm rõ quá trình hoạt động, vận hành nhà máy cũng như toàn bộ việc chấp hành pháp luật về môi trường, đồng thời kiểm nghiệm mẫu nước thải nhằm xác định mức độ vi phạm để xử lý.
Theo ông Vinh, do nhà máy này phải tiếp nhận và xử lý nước thải cho 42 doanh nghiệp nên trước mắt C49 chưa buộc tạm ngưng hoạt động. Ông Vinh cũng khẳng định quan điểm của C49 là xử lý thích đáng vụ việc và không loại trừ khả năng truy thu phí bảo vệ môi trường đối với toàn bộ nước thải của nhà máy từ năm 2006 đến nay.
Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Long Thành được xây dựng, vận hành từ năm 2005 và nâng cấp vào năm 2009 với công suất thiết kế 10.000m3/ngày đêm. Hiện mỗi ngày nhà máy này tiếp nhận và xử lý khoảng 9.300m3 nước thải của 42 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trong đó chủ yếu là ngành dệt nhuộm, với chi phí 0,32 USD/m3.
Phóng to |
Cống xả thải của nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai) - Ảnh: Uyên Thư |
Rạch Bà Chèo bị “đầu độc”
Ngày 5-8, chúng tôi trở lại rạch Bà Chèo, nơi phát hiện cống xả nước thải trực tiếp ra môi trường của nhà máy xử lý nước thải tập trung thuộc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi.
Rạch Bà Chèo là nguồn nước chính phục vụ khoảng 500ha đất nông nghiệp của xã Tam An, huyện Long Thành. Đi ngược dòng Bà Chèo, bắt đầu từ miệng cống xả thải (cách nhà máy chừng 1km), lên khu dân cư ấp 2, xã Tam An, chỗ nào cũng thấy con rạch đen ngòm, nhớt bám dày quạch bên trên lớp bùn, dưới những gốc dừa nước hóa chất vẫn còn lưu lại. Anh Nguyễn Thanh Phương (ngụ ấp 2) cho biết: “Trước đây dòng rạch này trong lắm, hai bên là nơi sinh hoạt của bà con, nhiều người nuôi vịt, thả tôm cá... Nhưng năm năm trở lại đây, rạch trở nên ô nhiễm, người dân không dám lội xuống nữa vì nước rất ngứa”.
Bà Huỳnh Thị A (78 tuổi) cho biết đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền đề nghị giải quyết về tình trạng ô nhiễm ở đây nhưng không có kết quả. Bà A bức xúc: “Cứ mỗi lần thủy triều lên, nước tràn vào vườn, mùi hôi rất khó chịu. Vườn chôm chôm và sầu riêng của tôi chết hết”. Anh Trần Văn Nhân, đang thả lưới bắt cá trên rạch Bà Chèo, cũng nói: “Cá tôm hết rồi, đi cả buổi mà không kiếm được con nào, bùn hóa chất cứ bám vào dày cộm trên lưới thế này, tôm cá nào sống nổi”.
Ông Võ Văn Luật - chủ tịch UBND, bí thư Đảng ủy xã Tam An - cho biết ông không hề bất ngờ trước thông tin nhà máy xử lý nước thải tập trung Sonadezi bị bắt quả tang vì xả nước thải chưa đạt yêu cầu ra sông. Theo ông Luật, tình trạng ô nhiễm tại rạch Bà Chèo kéo dài nhiều năm nay, nước đen ngòm, mùi hôi nồng nặc rất khó chịu. Mỗi khi thủy triều lên, nước tràn vào vườn, cây trái chết rất nhiều. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên cũng như phía nhà máy xử lý nước thải nhưng vẫn không thấy cải thiện. “Nếu có kết quả chính thức từ phía cơ quan công an về mức độ ô nhiễm của nguồn nước xả ra môi trường, Hội nông dân xã sẽ thay mặt người dân đòi bồi thường cho bà con vùng bị ảnh hưởng” - ông Luật nói.
“Chúng tôi không xả trộm ra sông” Ngày 5-8, trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Chu Thanh Sơn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp - Sonadezi (đơn vị quản lý Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi), nói: - Thời điểm Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) vào kiểm tra các hệ thống xử lý nước thải thì quy trình vận hành xử lý nước thải của nhà máy vẫn hoạt động bình thường theo các quy định cho phép của Bộ Tài nguyên - môi trường. * Nhưng thưa ông, C49 đã bắt quả tang nhà máy có những vi phạm khi xả nước thải ra sông Đồng Nai và đại diện nhà máy cũng đã ký vào biên bản? - Tôi khẳng định là chúng tôi không xả trộm ra sông. Tại các điểm dẫn nước thải vào hồ hoàn thiện và hồ sinh thái để xử lý đều làm theo giấy phép xả thải cũng như các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường. Nhà máy xử lý nước thải cho khoảng 80% doanh nghiệp dệt nhuộm ở Khu công nghiệp Long Thành nên có vài chỉ tiêu như màu, nhiệt độ chưa đạt, nên C49 lập biên bản. Tuy màu sắc chưa đạt chuẩn theo quy định nhưng chúng tôi được phép xả thải ra rạch Bà Chèo và sông Đồng Nai theo quyết định của Bộ Tài nguyên - môi trường. * Màu sắc chưa đạt chuẩn đồng nghĩa với nước thải chưa đạt chuẩn, nhưng Bộ Tài nguyên - môi trường vẫn cho Sonadezi xả hàng triệu mét khối ra sông Đồng Nai? - Dù đưa vào hồ sinh thái xử lý nhưng màu trong ngành dệt nhuộm xử lý rất khó khăn. Phải nói thẳng tiêu chuẩn về màu sắc hiện nay quy định quá cao, chúng tôi cố gắng xử lý nhiều vẫn chưa đạt chuẩn. Khi thấy việc xử lý màu sắc chưa ổn định, Bộ Tài nguyên - môi trường yêu cầu chúng tôi phải hoàn thiện việc xử lý cho chuẩn độ màu trước khi xả thải và cho lộ trình đến hết tháng 6-2012 phải xử lý xong. * Ông nghĩ sao khi Sonadezi là một doanh nghiệp nhà nước, từng đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều giải thưởng khác lại xả nước thải không đạt chuẩn ra sông? - Đây là một sự cố đáng tiếc mà chúng tôi không mong muốn. Tôi dám chắc không có đơn vị xử lý nước thải nào khẳng định mình xử lý nước thải an toàn trăm phần trăm, không xảy ra sự cố. Tôi khẳng định chúng tôi không cố ý xả trộm như Vedan mà phải hiểu đây là một sự cố. * Ông nói rằng Sonadezi không cố ý xả trộm, nhưng C49 phát hiện trong hệ thống xả có van khóa đóng mở bằng tay quay và nghi ngờ các van này để vận hành ống xả thải nước thải trộm? - À, cái này thì tôi chưa nghe dưới nhà máy báo cáo lại cụ thể như thế nào. “Sonadezi không có cái gì là gian dối” Đó là ý kiến của nữ đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng (chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi, Đồng Nai) bên hành lang Quốc hội chiều 5-8, khi bà Hằng nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc nhà máy xử lý nước thải xả thải ra sông. Từ chối trả lời các câu hỏi do các phóng viên đưa ra, bà Hằng cho biết: “Giờ này tôi chưa có thông tin gì, chưa nắm thông tin cụ thể nên chưa thể trả lời”. Trước khi bước vào hội trường để tiếp tục dự phiên làm việc của Quốc hội, bà Hằng còn nói thêm: “Sonadezi luôn luôn làm đúng theo quy định của pháp luật”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận