06/06/2013 08:52 GMT+7

Sớm thành lập chính quyền đô thị

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 5-6, thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nhiều đại biểu tiếp tục khẳng định việc sớm nghiên cứu, sửa đổi các luật tổ chức để đưa ra các mô hình chính quyền địa phương phù hợp đang là vấn đề cấp bách, cần làm ngay.

PQBnwQOb.jpgPhóng to
Đại biểu Vũ Chí Thực: “Cần thiết đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2013 và 2014” - Ảnh: Việt Dũng

Có ba đại biểu TP.HCM là bà Trương Thị Ánh (phó chủ tịch HĐND), ông Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội) và luật sư Trương Trọng Nghĩa tha thiết đề nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

4 hiệu quả

“Hiện nay có một số ý kiến hiểu không đúng, cho rằng TP.HCM bỏ HĐND để làm chính quyền đô thị. Không phải như vậy, bỏ HĐND không ra chính quyền đô thị được” - TS Trần Du Lịch bắt đầu bài phát biểu. Ông cho biết: TP.HCM có diện tích 2.000km2 thì hiện nay phần lõi đô thị là 140km2 với 3,5 triệu người. Trong quá trình đô thị hóa, bên cạnh 13 quận nội thành cũ có sáu quận đô thị hóa và có năm huyện. Nói là thành phố nhưng 80% diện tích ở đó không có thành cũng chẳng có phố mà là ruộng, là nông thôn.

“TP.HCM sẽ xây dựng một số đô thị trực thuộc chính quyền hiện nay và trong đề án xây dựng bốn đô thị: đông, tây, nam, bắc. Tôi ví dụ phía đông hiện nay ba quận 2, 9, Thủ Đức, với diện tích 230km2 và trong quy hoạch phát triển thành một đô thị hoàn chỉnh. Nếu cho phép tổ chức thành một đô thị thì nó sẽ là một cấp chính quyền đầy đủ, có HĐND với cơ chế phân cấp mạnh, tự chủ. Tức là chính quyền đô thị mà HĐND có đủ quyền hạn để thực hiện vấn đề ngân sách, vấn đề quy hoạch, vấn đề bố trí dân cư, vấn đề trật tự đô thị một cách tự chủ, thí điểm là như vậy” - ông Lịch giải thích.

Ông Lịch nói thêm: Nếu cho phép mô hình này thì TP.HCM hình thành ngay bốn đô thị: phía đông gồm ba quận; phía nam gồm có quận 7, huyện Nhà Bè, một phần quận 8; phía tây và phía bắc. Bốn đô thị trực thuộc này cùng với đô thị cũ 140km2 hình thành chuỗi đô thị trực thuộc chính quyền TP.HCM hiện nay. Nó sẽ phù hợp với mô hình phát triển và phù hợp với quy hoạch, nâng tự chủ của đô thị lên và vai trò của cơ quan dân cử một cách thật sự.

“Tôi đề nghị Quốc hội phải có nghị quyết về việc cho phép TP.HCM xây dựng đề án này trong năm 2014” - luật sư Trương Trọng Nghĩa lên tiếng. Ông cho rằng nó thực chất là việc tái cấu trúc chính quyền và phải đảm bảo bốn hiệu quả: Một, phải tăng được hiệu quả quản lý nhà nước. Hai, bảo đảm phát huy hơn nữa quyền của nhân dân trong việc giám sát, khiếu nại, tố cáo, không làm giảm sút các quyền của dân và của cử tri. Ba, thủ tục hành chính phải có nhiều biện pháp để bảo đảm tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn, đơn giản hơn cho nhân dân, Nhà nước thì nhận khó khăn về mình. Bốn là tiết kiệm, tinh giản bộ máy. “Đề án của TP.HCM chúng tôi cho rằng cũng nhằm đạt được bốn tiêu chí này” - ông Nghĩa khẳng định.

Đặc khu

“Cần thiết đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2013 và 2014 để thông qua luật về đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt” - thiếu tướng Vũ Chí Thực (đại biểu Quảng Ninh) đề nghị. Ông Thực cho biết: Khu hành chính kinh tế đặc biệt là một mô hình chính quyền mới đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và thành công. Hiện nay mô hình này đã có ở 135 quốc gia với hơn 3.500 khu, tạo ra hơn 68 triệu việc làm và tạo giá trị gia tăng trên 500 tỉ USD từ hoạt động thương mại và dịch vụ. Đây là một chính quyền đặc thù nên tổ chức bộ máy, mối quan hệ giữa trung ương, địa phương, tính độc lập tương đối, các cơ chế chính sách cũng phải đặc thù và vượt trội so với quy định của các đạo luật hiện hành.

“Chúng ta đề cập đến vấn đề này hơi chậm, trong khi chúng ta có những khu vực, vùng có lợi thế cạnh tranh toàn cầu như Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong. Nếu có cơ chế chính sách tốt, có tính cạnh tranh toàn cầu thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo thêm nếu Quốc hội đã có quyết tâm cao trong việc thành lập các khu hành chính kinh tế đặc biệt thì sớm ban hành luật và cho làm chính thức, không làm thí điểm. Bởi việc thành lập các đơn vị này nhằm tạo sức hút đầu tư lớn từ trong và ngoài nước, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, nếu thí điểm rất khó thuyết phục các nhà đầu tư chiến lược” - ông Thực phân tích.

“Cấp bách”

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út (đại biểu Kiên Giang) cho rằng sau khi Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dự kiến cuối năm nay), việc cần ưu tiên nhất là tập trung sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy: Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức HĐND và UBND... “Dự kiến năm 2015 mới trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật tổ chức HĐND và UBND là quá chậm. Năm 2016 đã bầu cử rồi, các địa phương sẽ không có thời gian để chuẩn bị. Tổ chức chính quyền địa phương là việc rất lớn, quan trọng, cần phải sửa đổi sớm để có công tác chuẩn bị tốt trước bầu cử. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề đại biểu Quốc hội đang rất quan tâm, thảo luận” - ông Út nói.

“Hoàn toàn đồng ý” với ông Danh Út, thiếu tướng Vũ Chí Thực coi đây “là yêu cầu cấp bách”. Tướng Thực nói: “Nhiều đại biểu yêu cầu hiến định chính quyền địa phương theo hướng thống nhất về mặt hành chính nhưng không thống nhất về mặt tổ chức. Mô hình chính quyền địa phương của chúng ta hiện nay tổ chức thống nhất toàn quốc tồn tại từ rất lâu, kể cả từ thời kỳ bao cấp, trong khi đó có rất nhiều vấn đề đã thay đổi về cơ chế quản lý, về sự phát triển, về tốc độ của từng địa phương. Như vậy đã có sự đòi hỏi chính đáng để nghiên cứu thành lập chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, càng để chậm vấn đề này càng không có lợi, thậm chí kìm hãm sự phát triển”.

Quảng Ninh đã sẵn sàng thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn

Thiếu tướng Vũ Chí Thực - giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - trả lời phỏng vấn phóng viên Tuổi Trẻ bên hành lang kỳ họp Quốc hội.

* Thưa ông, có cần một đạo luật riêng cho đặc khu hành chính - kinh tế?

- Qua rà soát bước đầu, để thành lập được một đặc khu, chúng tôi thấy những nội dung về tổ chức bộ máy, mối quan hệ trung ương - địa phương, các cơ chế chính sách liên quan đến rất nhiều luật và pháp lệnh. Tôi đơn cử như Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật ngân sách, Luật nhà ở, Luật thương mại, Luật quy hoạch đô thị, pháp lệnh phí và lệ phí... Không thể cùng một thời gian Quốc hội xem xét sửa đổi một loạt luật như trên, mà rất cần thiết phải có luật riêng cho khu hành chính - kinh tế đặc biệt vận hành. Hiến pháp cũng đã quy định Quốc hội có quyền quyết định thành lập, giải thể chính quyền khu hành chính - kinh tế đặc biệt và chính quyền đảo.

Tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng khi họ thành lập đặc khu Thâm Quyến thì Quốc vụ viện có một nghị quyết riêng, các nhà lãnh đạo đặt quyết tâm rất cao với quan điểm ai đồng ý thì đi theo, ai không đồng ý thì đứng ra một bên.

* Nếu thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn thì quan hệ giữa chính quyền đặc khu này và chính quyền Quảng Ninh sẽ như thế nào, thưa ông?

- Trong đề án chúng tôi đã đề cập rõ: chính quyền đặc khu vẫn sẽ do chính quyền tỉnh Quảng Ninh quản lý chung, nhưng chính quyền đặc khu có tính độc lập tương đối, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định hoặc nghị quyết của Quốc hội. Do đó, cho phép chính quyền đặc khu vượt qua những rào cản của pháp luật hiện hành áp dụng chung cho toàn lãnh thổ để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt theo quy định.

* Những điều kiện nào đảm bảo việc thành lập đặc khu hành chính - kinh tế?

- Khảo sát kinh nghiệm quốc tế thì chúng tôi thấy có ba điều kiện: một là cơ quan lập pháp phải đồng ý và có hành lang pháp lý, hai là phải có địa phương dám chịu trách nhiệm, ba là điều kiện địa lý của nơi được chọn làm đặc khu hội tụ các điều kiện có tính cạnh tranh cao. Quảng Ninh đã hội tụ được hai điều kiện: một là quyết tâm của chính quyền địa phương, hai là khu vực Vân Đồn có tính cạnh tranh toàn cầu. Như vậy Quảng Ninh đã sẵn sàng, chỉ chờ việc ban hành cơ chế pháp luật có tính cạnh tranh toàn cầu. Tôi hi vọng năm 2014 Quốc hội sẽ ban hành được một đạo luật như vậy.

LÊ KIÊN thực hiện

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp