30/04/2020 13:49 GMT+7

Sớm tạo năng lực cho 'thời đại' mới

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Công cuộc đổi mới, vượt qua thách thức của đất nước trong hành trình 45 năm sau chiến thắng 30-4-1975 là bài học quan trọng cho giai đoạn vượt qua COVID-19 hiện nay.

Sớm tạo năng lực cho thời đại mới - Ảnh 1.

Sản xuất tại một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Ảnh: THANH HƯƠNG

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nói:

- Dù tầm vóc hai sự kiện này không tương đương nhau, nhưng chúng có những điểm chung, mà nổi bật nhất là trước khó khăn đến mức nào chúng ta vẫn sẽ chiến thắng nếu đoàn kết, đồng lòng vượt qua. Sau chiến thắng 1975, chúng ta gặp nhiều khó khăn. Bây giờ, sau khi "tạm thắng" COVID-19, ta cũng phải nỗ lực rất nhiều để phục hồi kinh tế.

* Vậy câu chuyện khôi phục kinh tế thời hậu chiến 1975 gợi chúng ta bài học gì trong bối cảnh hậu COVID-19 hiện nay, thưa ông?

- Sau chiến thắng 1975, ta mất 10 năm vật lộn với khó khăn kinh tế, rồi bị rơi vào khủng hoảng. Nói vậy để thấy rằng hôm nay việc chống dịch covid tuy bước đầu thành công, nhưng việc khôi phục nền kinh tế, vực dậy các doanh nghiệp là hết sức khó khăn, không thể chủ quan. Phần khó khăn nhất của cuộc đấu vẫn còn ở phía trước.

* Bài học cho hiện nay vẫn là cải cách, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khu vực tư nhân?

- Trong nhiều năm, dường như công cuộc đổi mới chưa bao giờ sử dụng hết và thật tốt năng lượng, năng lực tự có. Mở kinh tế thị trường nhưng lại chậm và ngại phát triển thị trường tự do. Khi đổi mới, kinh tế tư nhân đã giúp kinh tế phục hồi. Nhưng sau đó ta "bỏ rơi" vị "cứu tinh" này, vẫn thừa nhận kinh tế nhà nước là chủ đạo. Kinh tế tư nhân được thừa nhận, nhưng trong thế bị phân biệt đối xử.

Sớm tạo năng lực cho thời đại mới - Ảnh 2.

TS Trần Đình Thiên

* Thế giới thay đổi rất nhanh đòi hỏi sự chuyển đổi rất mạnh mẽ?

- Hôm qua, trên Facebook, tôi được đọc một cái tít gây sửng sốt: "Một thế hệ chỉ biết cúi đầu". Nhưng cách giải thích thật bất ngờ: thế hệ chỉ biết cắm mặt vào smartphone. Tuy nhiên cũng may có smartphone mà việc "cách ly xã hội" cả tháng qua dễ chịu hơn nhiều. Ví dụ đơn giản đó phản ánh một xu hướng rất lớn: thời đại đã sang một logic phát triển khác hẳn.

Vậy Việt Nam sẽ chuyển đổi ra sao? Trước tiên phải bình tĩnh giải quyết thể chế thị trường thật chuẩn, xây dựng các thị trường đồng bộ. Đồng thời cũng phải tạo nhanh, tạo sớm năng lực cho "thời đại" mới. Chính là tạo ra "thế hệ chỉ biết cúi đầu", nhưng là "cúi đầu sáng tạo".

* Chặng đường tới, theo ông, Việt Nam cần làm gì để đi nhanh?

- Hàn Quốc mất 30 năm để đưa GDP bình quân đầu người lên 10.000 USD. Ta sau 35 năm mới đạt hơn 2.600 USD. Tại sao vậy? Do cơ chế thôi. Hàn Quốc có các tập đoàn là biểu tượng. Ta cũng có các tập đoàn nhà nước được Nhà nước ưu đãi nhưng bết bát.

Ta cũng có những tập đoàn tư nhân lớn, nhưng dường như ta ít có thiện cảm với người giàu. Chưa cần bao dung, chỉ cần sự công bằng. Cơ chế nào thì sinh ra doanh nghiệp đó.

Không có gì là không làm được, có trói lại hay không thôi. Nếu tôn trọng tư nhân thì họ sẽ trỗi dậy. Bằng chứng là trước đây, cứ nói sân bay không thể để cho tư nhân làm, vì an ninh, trình độ... Song khi giao cho tư nhân làm thì họ làm được ngay. Vấn đề là lòng tin, là thái độ phân biệt đối xử.

* Việt Nam hướng tới 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông có gợi mở cho chính sách gì lúc này?

- Ta thực sự cần có thái độ thân thiện, công bằng với thị trường, với kinh tế thị trường. Hiện nay ta vẫn bị ràng buộc và thiên kiến. Tại sao ta bỏ cơ chế phân bổ nguồn lực kiểu xin cho lâu thế, mãi chưa xong? Vấn đề là cần phải có quyết tâm cho thị trường, sự công bằng cho tư nhân.

Gắn liền đó là vấn đề phải công khai minh bạch. Tổng bí thư nói: "Cái gì dân cũng biết". Nhưng trước hết phải làm sao để dân biết một cách kịp thời, rồi có quyền sử dụng cái biết đó. Và họ phải được bảo vệ. Đó mới thực sự là vấn đề.

Đừng vội quy chụp

* Ở Việt Nam, để hỗ trợ kinh tế tư nhân không đơn giản, thưa ông?

- Khu vực tư nhân là lực lượng chính của tăng trưởng. Vậy tập đoàn tư nhân, hay các doanh nghiệp nhỏ sẽ lớn thế nào? Cần và có thể hỗ trợ, nhưng theo mục tiêu chức năng, không tư duy theo thành phần.

Như việc tư nhân làm ôtô, đoạn đầu khó thì phải có hỗ trợ chứ. Nhiều khi ta chưa hỗ trợ gì, hoặc chưa rõ hỗ trợ ấy là gì đã xúm lại phê phán là không công bằng, là thiên lệch "sân sau".

Cần phê phán nếu đúng như vậy, nhưng đừng vội quy chụp theo cách cũ, sẽ không có doanh nghiệp Việt Nam nào lớn được.

Kịch bản nào lạc quan nhất cho kinh tế Việt Nam năm 2020? Kịch bản nào lạc quan nhất cho kinh tế Việt Nam năm 2020?

TTO - Nhiều tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 do tác động từ dịch COVID-19.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp