10/11/2022 08:56 GMT+7

Sớm khơi thông đường ven sông Sài Gòn

ĐỨC PHÚ - D.NGỌC HÀ
ĐỨC PHÚ - D.NGỌC HÀ

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài "Kết nối tuyến đường ven sông: Cơ hội hưởng thụ sông Sài Gòn", nhiều bạn đọc ủng hộ phương án dỡ bức tường chắn giữa hai khu dân cư để có thêm lựa chọn đi lại hiện tại và lợi ích lâu dài.

Sớm khơi thông đường ven sông Sài Gòn - Ảnh 1.

Đường ven sông Sài Gòn, khu vực ga metro Ba Son, quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Việc dỡ bức tường hai khu dân cư sẽ là tiền đề tiến tới khơi thông con đường đi từ cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) tới đường Tôn Đức Thắng (quận 1).

* Tiến sĩ Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM):

Cần sớm dỡ tường chắn, khơi thông đường

Cần sớm tháo dỡ tường chắn hai khu dân cư Vinhomes và Sài Gòn Pearl nêu trên để khơi thông con đường, đấu nối được hạ tầng khi lưu thông từ hướng quận 1 và Bình Thạnh. Việc này đã có đủ cơ sở bởi qua theo dõi, điều tiết giao thông, Công an TP mới kiến nghị UBND TP chỉ đạo để khai thông bức tường, nhằm giảm ùn tắc.

Khi tháo dỡ bức tường thì cơ quan chức năng cần đánh giá cụ thể và có phương án tổ chức giao thông để đảm bảo an toàn. Cần bố trí lực lượng điều tiết là giải quyết được vấn đề... Về lâu dài khi làm đường ven sông quanh khu vực này, TP có thể nghiên cứu cầu hầm chui kỹ thuật cho các xe du lịch vừa và nhỏ đi lại nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực mà không gây lãng phí hạ tầng như hiện nay.

Việc thực hiện con đường ven sông theo quy hoạch đã duyệt nhằm tạo cảnh quan đô thị, tăng vẻ đẹp kiến trúc là hạng mục quan trọng trong đấu nối hạ tầng kiến trúc khu vực trung tâm TP. Ngoài ra, đường ven sông còn kết nối với các khu vực trung tâm với ngoại thành, vừa giảm áp lực giao thông vừa tăng giá trị kinh tế đất toàn khu vực, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Con đường sẽ tạo tiềm lực cho phát triển du lịch và dịch vụ không khói của TP.HCM trong tương lai.

Trên thế giới việc phát triển hành lang và đường ven sông là ưu tiên hàng đầu, vì ngoài cảnh quan đô thị còn có mục tiêu kiểm soát được hệ sinh thái tự nhiên của dòng sông, chống ô nhiễm môi trường nước toàn khu vực. Do vậy, TP cần tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng triển khai đầu tư sớm ngày nào tốt ngày ấy.

* TS Võ Kim Cương (nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Tính toán hài hòa lợi ích các bên

Theo quy hoạch dọc bờ sông, TP đã chừa một hành lang 50m để đảm bảo an toàn đồng thời để làm đường ven sông. Đường ven sông không chỉ kết nối đường bộ mà còn có thể thiết lập cảnh quan, tạo điều kiện cho tất cả người dân có thể tiếp cận bờ sông.

Ở một số dự án dọc sông hiện nay không chỉ có đường nội bộ thuộc dự án mà còn có đường đô thị xuyên qua. Về nguyên tắc, sau khi chủ đầu tư hoàn thành dự án, hệ thống đường sá phải được giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. Nếu đã bàn giao, chuyện địa phương tổ chức giao thông để kết nối tuyến đường hiện hữu hoặc tuyến đường sắp mở là chuyện bình thường.

Tôi nghĩ TP cần rà soát, sớm thảo luận với nhà đầu tư để giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước cũng như quyền lợi của người dân ở dự án.

* Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội cầu đường cảng TP.HCM):

Kết nối giao thông công cộng

Mở con đường ven sông Sài Gòn càng sớm càng tốt không chỉ có ý nghĩa giảm áp lực hiện tại cho cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đang sửa chữa mà còn hướng tới bài toán kết nối giao thông lâu dài.

Con đường ven sông mở ra, TP có thể bố trí khu vực công viên, phố đi bộ và bố trí các làn dành cho xe đạp công cộng hoặc xe điện. Dưới sông có thể bố trí các bến thủy cho tàu du lịch hay phương tiện thủy để phát triển vận tải công cộng.

Tuyến đường này lại kết nối với nhà ga Ba Son thuận tiện cho việc thu hút người dân đi tuyến metro số 1. Cho nên, TP cần sớm quyết định để sớm đầu tư con đường này và tiếp tục rà soát các con đường ven sông khác để đầu tư và kết nối liền mạch thành trục giao thông dọc sông.

Đây là đường công cộng

Một cán bộ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM khẳng định theo quy hoạch của các dự án, con đường và dải công viên dọc sông Sài Gòn là công trình công cộng. Tuyến đường và dải công viên ven sông của hai dự án Vinhomes và Sài Gòn Pearl là hạ tầng công cộng cho cộng đồng sử dụng chung chứ không phải là của riêng chủ đầu tư hay cư dân hai dự án.

Được biết, sau khi UBND TP chỉ đạo về nghiên cứu phương án tổ chức giao thông hiệu quả khu vực nêu trên trong thời gian sửa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang rà soát pháp lý để làm việc với nhà đầu tư hai dự án, dự kiến trong thứ sáu tuần này.

Vì lợi ích chung mong đừng chậm trễ!

Bức tường tồn tại quá lâu đã "làm khó" giao thông, hạn chế mong muốn được qua lại vui chơi giải trí, tập thể dục thể thao của người dân tại đây.

Công viên lớn, gió mát rượi từ sông, cây xanh bao phủ công viên, khiến cho bất cứ ai cũng phải mê mẩn khi đến đây. Những thiết bị tập thể dục thể thao ngoài trời được bố trí khoa học và hợp lý. Những người thích đi bộ vô tư sải bước trên lối đi riêng lộng gió. Thế nhưng, "gần nhà xa ngõ", vướng bức tường ngăn cách nên cư dân hai bên phải đánh vòng bằng xe gắn máy khá xa để sang bên kia.

Nhiều bạn đọc đã hiến kế phát huy tối đa những lợi thế của sông Sài Gòn. Trong đó, chú trọng phát triển đồng bộ dưới nước lẫn trên bờ, khai thác cảnh quan ven sông. Tạo thuận lợi cho giao thông công cộng và tăng thêm tính "tương tác" giữa con người với thiên nhiên, cũng như trong cộng đồng cư dân với nhau. Và quan trọng hơn nữa là lợi ích lâu dài cho giao thông và cơ hội thưởng ngoạn sông Sài Gòn cho mọi người.

Bạn đọc HOÀI ÂN

Kết nối tuyến đường ven sông: Cơ hội hưởng thụ sông Sài Gòn Kết nối tuyến đường ven sông: Cơ hội hưởng thụ sông Sài Gòn

TTO - Chỉ cần bỏ bức tường chắn giữa hai khu dân cư, TP.HCM sẽ có thêm phương án giảm ùn tắc giao thông khi sửa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Và sẽ có con đường ven sông chạy từ cầu Sài Gòn đến chân cầu Thủ Thiêm 1.

ĐỨC PHÚ - D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp