Mức tăng 1-3% chính là yếu tố quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm qua. Do vậy, khi tỉ giá hướng tới mức 25.500 đồng/USD được xem là bất thường. Và những phản ứng trên thị trường trong những ngày qua có thể tạo ra những yếu tố bất lợi cho nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát, nếu không đưa tỉ giá trở lại khuôn khổ đã định.
Cú đâm sau lưng tỉ giá của vàng
Yếu tố nào đã làm tỉ giá tăng bất thường? Những người trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ đều có chung nhận định: bắt nguồn từ giá vàng, "giá vàng đẩy giá đô".
Quy luật này đã có từ hàng chục năm trước nhưng những năm qua không có cơ hội lặp lại do vàng không còn vị thế trong thị trường cho đến gần đây, khi giá vàng tăng phi mã.
Quy luật "giá vàng đẩy giá đô" từng ngủ yên trong những năm qua, khi tái diễn trong những tháng đầu năm 2024 được xem là là cú đâm sau lưng tỉ giá.
Và khi giá vàng tăng và chênh lớn so với giá thế giới, nhu cầu ngoại tệ để gom vàng đã đẩy giá USD tại thị trường tự do lên cao cả ngàn đồng so với giá của ngân hàng.
Mức trên 25.500 đồng/USD được xem là tỉ giá mục tiêu, áp lực tâm lý mà mọi người giữ USD, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, cùng có suy nghĩ "phải làm cái gì đó". "Phải làm", đó là giữ lại USD, không bán đi, chờ giá lên.
Trong khi đó, nhu cầu USD của nền kinh tế vẫn không đổi, giá USD của ngân hàng phải tăng kịch trần mới có người bán ra. Theo quy định, ngoại tệ phải được tập trung vào ngân hàng nhưng bán lúc nào là quyền của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cùng giữ lại USD, với đích nhắm không phải là giá mua/bán của ngân hàng mà là giá đã vượt 25.500 đồng đang nhảy múa tại thị trường tự do. Và những ngày qua, tỉ giá của ngân hàng đã bị tỉ giá USD tại thị trường tự do dẫn dắt, nếu cứ kéo dài sẽ đem lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Tỉ giá tăng nóng do tâm lý "phải làm gì đó"
Khi tỉ giá ngân hàng đã gần đạt 25.500 đồng/USD và luôn ở mức kịch khung cho phép đã làm người làm ăn chùn tay, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, trước mắt là trên thị trường chứng khoán (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài). Và về lâu dài là tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhiều người trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ thừa nhận tình trạng nhà đầu tư nước ngoài kéo dài chuỗi các ngày bán ròng chứng khoán bắt đầu từ năm 2023, có nhiều nguyên nhân trong và ngoài nước, trong đó có tỉ giá. Với trong nước, nhà đầu tư nước ngoài lo ngại tỉ giá tăng sẽ bào mòn, thậm chí ăn vào vốn của họ. Để an toàn, họ bán chứng khoán và rút vốn trước khi tỉ giá có thể tăng thêm.
Bởi vì họ đem vốn vào bằng ngoại tệ, bán lấy VND để mua chứng khoán và sau chu kỳ làm ăn phải mua USD để chuyển vốn về nước. Nếu tỉ giá ổn định, mức tăng cả năm thường được định sẵn là 1-3%, chỉ cần làm ăn sau một năm lãi 5% là họ có lãi ít nhất 2%. Còn tỉ giá tăng quá nhanh, nếu kinh doanh lợi nhuận không cao, khi mua lại USD với giá lại cao hơn dự định, họ đối mặt âm vốn, lỗ.
Tương tự, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng rất sợ tỉ giá tăng cao. Vì thế, một trong những điều kiện để họ rót vốn, mở nhà máy chính là tỉ giá ổn định. Có "ổn định kinh tế vĩ mô" mới có thêm vốn nước ngoài, thêm nhà máy, việc làm và hàng hóa cho xuất khẩu.
Với hàng triệu người đang gửi tiết kiệm, lãi suất VND quá thấp trong khi tỉ giá VND/USD trong xu hướng tăng. Nếu đà tăng của tỉ giá cao hơn lãi suất tiết kiệm, họ cũng phải nghĩ đến "làm cái gì đó".
Tất nhiên, không phải ai cũng chuyển VND sang USD nhưng tốt nhất đừng để tâm lý, suy nghĩ "phải làm cái gì đó" xảy ra trên thị trường, vì điều đó sẽ quay lại hàng chục năm trước khi xu hướng giữ vàng, USD ngự trị, vốn chảy vào đầu cơ thay vì chuyển sang sản xuất kinh doanh.
Tỉ giá uy hiếp lạm phát, khó cho mọi người
Từ năm 2011, Chính phủ đã đặt mục tiêu "ổn định kinh tế vĩ mô", trong đó kiềm chế lạm phát, điều tiết tỉ giá luôn là ưu tiên hàng đầu. Vì duy trì được mục tiêu này chính là nền tảng để thu hút đầu tư, tạo môi trường ổn định cho sản xuất kinh doanh, mở ra thêm công ăn việc làm.
Tỉ giá biến động, lãi suất cao, giá cả sẽ nhảy múa, lạm phát nhấp nhỏm tăng không có lợi cho mọi người dân. Tỉ giá tăng nhanh và kéo dài, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu. Quý đầu năm 2024, chúng ta đã chi ra 85 tỉ USD để nhập khẩu. Như vậy, nếu mua USD để nhập hàng và nguyên vật liệu trong tháng 4-2024, giá vốn hàng nhập đã tăng hơn 3-4% so với đầu năm.
Mức tăng này sẽ được phản ánh vào giá bán trong những tháng tới đây. Đó là điều bất lợi cho người tiêu dùng. Tất nhiên khi tỉ giá tăng, nhà xuất khẩu sẽ được lợi. Trong quý 1-2024, Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỉ USD, nhưng mục tiêu cuối cùng không chỉ là nhà xuất khẩu được lợi mà là ổn định kinh tế vĩ mô để người tiêu dùng, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, nhà đầu tư... đều cảm thấy ổn, chấp nhận được.
Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng nền kinh tế đang vận hành tốt, các yếu tố trên thế giới tác động vào USD (như Mỹ chậm giảm lãi suất...) có ảnh hưởng nhưng không đến mức tỉ giá VND/USD phải nóng như thế. Và điều quan trọng là lúc này Ngân hàng Nhà nước, với công cụ điều hành và quỹ dự trữ ngoại hối - đủ sức để hóa giải cơn nóng bất thường này. Để việc can thiệp hiệu quả hơn, Ngân hàng Nhà nước phải bắt đúng bệnh, can thiệp kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận