08/09/2016 08:32 GMT+7

Sớm đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

QUỲNH TRUNG (từ Vientiane)
QUỲNH TRUNG (từ Vientiane)

TTO - Ngày thứ hai của Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào (7-9) diễn ra với điểm nhấn là Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chụp hình lưu niệm tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần 19 tại thủ đô Vientiane ngày 7-9 - Ảnh: Phoonsab Thevongsa
Lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chụp hình lưu niệm tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần 19 tại thủ đô Vientiane ngày 7-9 - Ảnh: Phoonsab Thevongsa

Do Hội nghị cấp cao Trung Quốc - ASEAN là cuộc họp kín giữa các bên liên quan nên kênh thông tin chính thống mà giới truyền thông tiếp cận được là từ người phát ngôn của mỗi đoàn đại biểu.

Trả lời báo giới về nội dung cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc, ông Werachon Sukondhapatipak, phó phát ngôn Chính phủ Thái Lan, cho biết cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc diễn ra trong bầu không khí hữu nghị và hiệu quả, trong đó ưu tiên tăng cường hợp tác kinh tế.

Ngay cả khi mối quan hệ ở thời điểm tốt nhất, thỉnh thoảng vẫn có vấn đề phát sinh

Thủ tướng Singapore LÝ HIỂN LONG

Thống nhất tuân thủ pháp quyền

Theo ông Sukondhapatipak, tại cuộc họp, các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Hội nghị cũng nhấn mạnh sự đoàn kết của ASEAN nhằm tăng cường khả năng đối phó với những vấn đề xảy ra trong và ngoài khu vực.

“Mỗi quốc gia đều cần tuân thủ pháp quyền, Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) để tìm ra những chuẩn mực tốt nhất trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực” - người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan nói.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thì cho rằng mối quan hệ căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc do vấn đề tranh chấp Biển Đông nên được chuyển thành lợi thế để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

“Một trong những vấn đề phát sinh chính là Biển Đông. Tuy nhiên, mỗi cuộc khủng hoảng nên được xem là một cơ hội. Vấn đề Biển Đông có thể trở thành một lợi thế trong việc theo đuổi mục tiêu chung là duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực - những điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế tiếp tục” - Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong thời gian tới, hai bên cần coi trọng tăng cường nền tảng của quan hệ ASEAN - Trung Quốc, nhất là sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, đẩy mạnh hợp tác toàn diện và thực chất, giải quyết mọi khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Trong phần thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định khu vực Đông Á cũng đang đứng trước nhiều thách thức, cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là nguy cơ khủng bố đã hiện hữu và tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong rằng ASEAN và Trung Quốc cùng hướng tới một giai đoạn mới vì hòa bình, hợp tác và phát triển, xử lý thỏa đáng các vấn đề đặt ra.

Theo đó, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy đàm phán sớm đi đến kết quả thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, nghiêm chỉnh thực hiện DOC và sớm đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Về COC, Thủ tướng Lý Hiển Long hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về việc thành lập một khung pháp lý cho Bộ quy tắc ứng xử, trong đó đề ra các quy tắc ràng buộc ở Biển Đông trong nửa đầu năm 2017.

Phấn đấu kim ngạch 1.000 tỉ USD

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết thương mại hai chiều ASEAN - Trung Quốc đã tăng nhanh chóng từ 8 tỉ USD cách đây 25 năm, đến nay đã tăng lên 370 tỉ USD.

Ông cho rằng nỗ lực của các bên trong lĩnh vực hợp tác kinh tế có thể tiến gần mục tiêu đạt 1.000 tỉ USD thương mại hai chiều và 150 tỉ USD đầu tư vào năm 2020, và lúc đó ASEAN có thể vượt qua Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 346,4 tỉ USD và là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào ASEAN với mức đầu tư đạt 8,2 tỉ USD trong năm 2015. Trung Quốc cũng là nước có lượng du khách đông nhất đến ASEAN.

Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy các cơ chế hợp tác hiện có giữa ASEAN và Trung Quốc, tăng cường hợp tác về quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, quản lý nguồn nước, ứng phó với các thách thức như khủng bố, tội phạm mạng, buôn bán người, ma túy.

Thông tin từ phái đoàn Việt Nam cho biết các nước ASEAN khẳng định coi trọng quan hệ với Trung Quốc với vai trò là một trong những đối tác quan trọng nhất của ASEAN cũng như vị trí, vai trò chiến lược của Trung Quốc; ghi nhận quan hệ hợp tác sâu rộng với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực; mong muốn thúc đẩy giải quyết một số vấn đề chung như khủng bố, môi trường, biến đổi khí hậu, ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc thúc đẩy “Một vành đai, một con đường”, thành lập Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Trả lời báo giới về quan hệ ASEAN - Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết thời kỳ “chiến tranh lạnh” đã kết thúc, mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng mà không có sự can thiệp của những thế lực bên ngoài.

Tại cuộc họp, Trung Quốc và ASEAN cũng đã đạt thỏa thuận về áp dụng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông, lập đường dây nóng giữa các bộ ngoại giao về các tình huống khẩn cấp trên biển, đồng thời đề nghị hai bên phấn đấu hoàn tất COC ngay trong năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ký DOC (2002) và 50 năm thành lập ASEAN.

QUỲNH TRUNG (từ Vientiane)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp