01/07/2023 11:32 GMT+7

Sớm có giải pháp cấp sổ hồng cho dân

Hơn 80.000 căn hộ tại TP.HCM đã đưa dân vào ở nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng, khiến đời sống người dân gặp nhiều bất cập, khó khăn.

Chung cư cao tầng Lavita Garden, TP. Thủ Đức, TP.HCM đang vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận (ảnh chụp sáng 30-6) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chung cư cao tầng Lavita Garden, TP. Thủ Đức, TP.HCM đang vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận (ảnh chụp sáng 30-6) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vấn đề này không mới, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đến nay TP.HCM vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Người dân vẫn chờ nhưng không biết bao giờ mới nhận được sổ.

Cả thập niên chờ sổ hồng

Dọn nhà về chung cư Tân Kim Hải (quận 12) từ năm 2013 để an cư lạc nghiệp, không ngờ hơn 10 năm sau, ông Mai Đức Dũng vẫn chưa thể yên tâm vì đợi mãi mà vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Ông Dũng kể, khi nhận bàn giao nhà, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ sớm được nhận sổ hồng, song cứ năm này qua tháng nọ mà sổ vẫn chưa biết khi nào có để giao cho 170 chủ căn hộ tại chung cư này.

Theo ông Dũng, luật quy định 50 ngày từ khi giao chung cư, chủ đầu tư phải làm thủ tục xin cấp sổ hồng nhưng đến nay đã 10 năm mà chẳng thấy đâu, mặc dù bà con nhiều lần phản ứng. 

"Đến nay chung cư vẫn chưa được nghiệm thu nên chẳng biết đến bao giờ mới được cấp sổ hồng. Không có sổ, tôi không thể vay vốn vì không chứng minh được chủ quyền. Quan trọng hơn, việc xin nhập học cho các cháu vào các trường công lập cũng khó do chẳng nhập được hộ khẩu", ông Dũng cho hay.

Đồng cảnh ngộ, 170 hộ dân tại chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân) cũng không biết đến bao giờ mới cầm được sổ hồng bởi đằng đẵng 10 năm trời vào sinh sống nhưng đến nay chung cư vẫn chưa xong thủ tục hoàn công, dính nhiều vi phạm về PCCC. Điều này khiến cư dân như phải ở lụi trong nhà mình, mỗi khi cần làm các thủ tục phải ra phường xin xác nhận "cư trú hợp pháp" rất nhiêu khê.

Còn tại chung cư Thái An (quận 12), hiện có gần 800 hộ dân tại lô A, B và 22 căn nhà trong ranh dự án này cũng "trắng" sổ hồng cả chục năm. 

Bỏ ra hàng tỉ đồng mua nhà tại dự án này đã hơn 10 năm, bà Lê Thị Quỳnh cho biết bà rất khổ sở khi không có sổ hồng để xác nhận chủ quyền nhà mình. Do không có sổ hồng nên gia đình bà như đang ở trọ, mỗi lần xác nhận các giấy tờ phải lặn lội về tận Tiền Giang. 

"Chúng tôi rất mệt mỏi, giờ chỉ cần vào được hộ khẩu cho con cái đi học, chứ bây giờ quá khổ sở. Trong khi đó, chúng tôi đã đóng 95% giá trị căn nhà lên đến hàng tỉ đồng cả chục năm nay rồi, hiện chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục khiến chúng tôi bị vạ lây chứ 5% thì chúng tôi sẵn sàng đóng ngay thôi", bà Quỳnh nói.

Dự án chung cư tại số 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3 của Công ty cổ phần City Phương Nam đang vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận (ảnh chụp trưa 22-6) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án chung cư tại số 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3 của Công ty cổ phần City Phương Nam đang vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận (ảnh chụp trưa 22-6) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Tắc" vì nghĩa vụ tài chính phát sinh

Một trong những nguyên nhân khiến hàng vạn căn hộ tại TP "tắc" sổ hồng là do chủ đầu tư phải đóng nghĩa vụ tài chính bổ sung. Hiện ở TP có gần 20.000 căn bị vướng ở khâu này. 

Nhiều dự án đã nghiệm thu, bàn giao cho người dân nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa xong khâu thẩm định nghĩa vụ tài chính bổ sung khiến cả chủ đầu tư lẫn cư dân bức xúc. Thậm chí, các chủ đầu tư cũng đã tạm ứng tiền hoặc mong muốn sớm hoàn thiện nghĩa vụ tài chính phát sinh nhưng vẫn còn gặp vướng ở việc tính số tiền sử dụng đất phát sinh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Ngọc Bảo Ân - tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Nova Lexington - cho biết chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất 83 tỉ đồng, sẵn sàng nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính để cư dân sớm được cấp sổ hồng. "Chúng tôi cũng mong muốn cần sớm linh hoạt giải quyết, cấp sổ hồng cho người dân", ông Ân nói.

Trong khi đó, chủ đầu tư một dự án bất động sản tại TP Thủ Đức cho hay hiện việc xác định thời điểm định giá tiền sử dụng đất chưa được đồng thuận giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý, dẫn đến mức tiền sử dụng đất quá cao so với dự toán ngân sách ban đầu, trong khi nhà đã bán cho dân. Do đó, việc hoàn tất nghĩa vụ tài chính cũng bị kéo dài, việc cấp sổ hồng cho khách hàng cũng chậm theo.

Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản khác cho hay có hàng loạt chung cư gặp vướng ở khâu tính tiền bổ sung nhiều năm qua vì đợi các cơ quan chức năng rà soát pháp lý, nguồn gốc đất đai, thuê tư vấn thẩm định giá trị quyền sử dụng đất và phải thông qua hội đồng thẩm định giá đất... nên mất nhiều thời gian.

Không những vậy, nhiều dự án gần như "đứng hình" vì không tìm được đơn vị thẩm định giá để làm cơ sở tính tiền sử dụng đất nộp cho ngân sách. 

"Rủi ro phát sinh cao, công việc nhiều, khó và chỉnh sửa nhiều lần... nên các đơn vị thẩm định giá hiện rất e ngại, không còn nhiều đơn vị làm việc trong lĩnh vực này", vị này nói. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cho hay việc thu thập dữ liệu giá thị trường rất khó, có dự án cả năm làm không ra chứng thư thẩm định.

Thậm chí, chủ đầu tư một chung cư cao cấp tại TP Thủ Đức cho biết đã đóng xong tiền sử dụng đất, lẽ ra phải cấp sổ hồng cho cư dân nhưng đến nay cũng tắc vì cơ quan nhà nước cho rằng có nghĩa vụ tài chính bổ sung. 

Ngặt một nỗi là chủ đầu tư cũng muốn tính tiền sử dụng đất phát sinh để nộp nhưng hiện cũng "đứng hình" ở khâu cơ quan nhà nước chưa tính được phát sinh bao nhiêu.

Tại hội nghị nhà chung cư Millennium (quận 4, TP.HCM), đại diện chủ đầu tư đã hứa xúc tiến làm sổ hồng cho cư dân mặc dù họ vào đây ở đã 5 năm - Ảnh: T.T.D.

Tại hội nghị nhà chung cư Millennium (quận 4, TP.HCM), đại diện chủ đầu tư đã hứa xúc tiến làm sổ hồng cho cư dân mặc dù họ vào đây ở đã 5 năm - Ảnh: T.T.D.

Ưu tiên cấp sổ hồng cho người mua nhà

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong số hơn 80.000 căn hộ chưa cấp sổ hồng, có hơn 30.000 căn hộ vướng vì chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận. Với những trường hợp này, sở sẽ làm việc trực tiếp với các dự án về việc chậm nộp hồ sơ, đồng thời sẽ xử phạt những doanh nghiệp chây ì, không nộp hồ sơ mà không có lý do chính đáng.

Chưa kể, hiện không ít dự án đã bị chủ đầu tư mang sổ của dự án đi cầm cố, kéo theo khâu cấp sổ hồng chưa thể hoàn tất.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải chấp, rút sổ ra để làm thủ tục cấp sổ cho người dân. Còn với trường hợp sau khi chủ đầu tư đã bán nhà mà vẫn mang sổ đi thế chấp thì không chỉ chủ đầu tư mà cả ngân hàng cũng có lỗi, điều này là giao dịch một sản phẩm hai lần, hoàn toàn vi phạm pháp luật. 

"Quyền lợi của người dân cần được tôn trọng bởi họ là bên ngay tình, do đó nếu chủ đầu tư đem tài sản đó đi thế chấp thì phải có biện pháp buộc ngân hàng trả sổ về chủ đầu tư để làm sổ hồng cho người dân", ông Châu nói.

Sớm có giải pháp cấp sổ hồng cho dân - Ảnh 4.

Luật sư Hoàng Văn Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng với những dự án cơ bản đảm bảo về mặt pháp lý, cần sớm cấp sổ hồng cho người dân. 

Với dự án còn gặp vướng về tính tiền sử dụng đất bổ sung, khi Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra giải pháp tách phần còn vướng này ra thì việc cấp sổ hồng sẽ đảm bảo được quyền lợi cho cả người dân lẫn Nhà nước. 

Ông Hùng cho hay với các dự án có sai phạm, cần xử lý theo một "phác đồ điều trị ung thư", không nên điều trị bằng phác đồ chung sẽ khiến dự án mãi tắc. Ông Hùng nói rằng hệ lụy là người dân vẫn bị giam sổ hồng, trở thành "con tin" trong khi quyền lợi không được đảm bảo dù đây là vấn đề giữa chủ đầu tư và Nhà nước.

Chung cư TDH Phước Long, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM vẫn chưa có sổ hồng sau nhiều năm bàn giao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chung cư TDH Phước Long, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM vẫn chưa có sổ hồng sau nhiều năm bàn giao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần đảm bảo quyền lợi người dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Khánh Quang - giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa - cho rằng khi người dân đã đóng 95% giá trị căn hộ, dự án cũng đã đảm bảo về pháp lý thì cần thúc đẩy nhanh việc cấp sổ hồng. Cần tách bạch vướng mắc giữa doanh nghiệp với chính quyền để linh hoạt tối đa cấp sổ hồng cho người dân, điều này giúp cả người dân lẫn thị trường trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, lãnh đạo một tập đoàn bất động sản ở TP.HCM cho biết các chủ đầu tư hiện đang rất tích cực làm việc với tổ công tác của Chính phủ cũng như các địa phương để giải quyết các vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân.

"Tôi rất kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, với việc bỏ khung giá đất và xây dựng giá đất sát giá thị trường thì những bất cập trong việc thẩm định giá đất sẽ được gỡ bỏ, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho người dân", vị này nói.

Đồng thời, doanh nghiệp này đề nghị các cơ quan chức năng cần có cơ chế để ưu tiên cấp trước giấy chứng nhận cho phần căn hộ của cư dân, còn các phần diện tích khác như diện tích thương mại... có thể xem xét sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, như vậy có thể đảm bảo quyền lợi của người dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Phấn - cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết trình tự quy định tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định cụ thể trong nghị định 10 năm 2023 của Chính phủ (NĐ10).

Cán bộ văn phòng đăng ký đất đai nếu không thực hiện đúng quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức.

Theo NĐ10, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm gửi sở tài nguyên và môi trường các hồ sơ giấy tờ theo quy định.

Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, sở tài nguyên và môi trường có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở và công trình đã xây dựng không phải là nhà ở và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, công trình xây dựng của chủ đầu tư dự án.

Sau khi hoàn thành việc kiểm tra, sở có trách nhiệm gửi thông báo cho chủ đầu tư dự án về kết quả kiểm tra; gửi thông báo kèm theo sơ đồ nhà, đất và công trình xây dựng không phải là nhà ở đã kiểm tra cho văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục đăng ký nhà, đất và công trình xây dựng không phải là nhà ở cho bên mua đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sinh, thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc cấp sổ hồng cho nhà ở căn cứ theo quy định của nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ ban hành.

Điều kiện, tiêu chí cấp sổ hồng cho người mua nhà cũng do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ thông qua trong nghị định. Trong cấp sổ hồng cho cư dân thì có dự án thiếu tiêu chí này, dự án thiếu tiêu chí khác nên dẫn tới vướng mắc. Địa phương cần trao đổi với cơ quan quản lý việc cấp sổ hồng là Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn gỡ vướng trong từng trường hợp cụ thể.

Kiện đòi... cấp sổ hồngKiện đòi... cấp sổ hồng

Sáng 22-6, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện của bà Nguyễn Vinh Trang (cư dân chung cư Lexington Residence, TP Thủ Đức) với Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (VPĐKĐĐ) vì không chịu cấp sổ hồng cho bà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp