Các tòa nhà, chung cư, hộ gia đình… có lắp đặt pin lưu trữ của Solano Energy vừa là người dùng vừa là trạm lưu trữ điện. Nếu các điểm này có hệ thống điện mặt trời, điện tạo ra được lưu trữ vào pin, hòa vào lưới điện thì cũng như nơi sản xuất điện.
Mô hình năng lượng thông minh
"Với một start-up mới, mục tiêu dài hạn của chúng tôi nghe giống như xây nhà từ nóc. Đó là hỗ trợ ngành điện Việt Nam chuyển đổi mô hình sản xuất tập trung, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch sang mô hình sản xuất năng lượng phân tán sử dụng nhiều năng lượng tái tạo", CEO Solano Energy Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Start-up này thành lập năm 2022 với thành viên là các kỹ sư Việt Nam từ Đại học Oxford và Cambridge. Anh Trần Tuấn Anh - một trong hai đồng sáng lập là kỹ sư Đại học Oxford, tiến sĩ công nghệ điều khiển.
Anh từng phát triển nhà máy điện, động cơ máy bay và đầu tư vào hơn 20 công ty công nghệ đột phá. Thời điểm 2018 - 2020, Việt Nam bùng nổ điện mặt trời với cơ chế mua điện FiT khuyến khích điện mặt trời của chính phủ.
Tuy nhiên sau đó cơ chế FiT không còn, thị trường chững lại, chưa thực sự phát triển hết tiềm năng. Từ góc độ công nghệ, Tuấn Anh nói tổng thể điện mặt trời của Việt Nam đang thiếu vắng công nghệ lưu trữ điện và cả công nghệ kết nối mạng lưới điện mặt trời.
CEO Solano Energy cho biết hiện Solano đã ra mắt pin lưu trữ lắp đặt cho một số khách hàng đầu tiên là loại pin LFP - thế hệ pin lithium mới nhất đang được các xe điện mới của Tesla sử dụng.
Pin có độ bền cao và rất an toàn khi có thể chống cháy nổ, chống đâm thủng. Đối tượng nhắm đến là các tòa nhà quy mô nhỏ, cả các hộ gia đình.
Cấu phần thứ hai là phần mềm kết nối, quản lý hệ thống pin lưu trữ hoạt động như một nhà máy điện ảo, pin lưu trữ ảo có thể tương tác như một hệ thống lớn với lưới điện chung.
"Đây là câu chuyện mang tính chính sách chứ không đơn thuần là kỹ thuật nữa nên chúng tôi vẫn đang nghiên cứu để cùng với cơ quan quản lý giới thiệu hệ thống này", anh nói.
Phân tích cụ thể, tiến sĩ Trần Tuấn Anh cho biết hiện hệ thống điện Việt Nam có quy mô hơn 80.500 MW, trong đó 20% là năng lượng mặt trời. Nhưng do tính biến thiên, bất ổn của điện mặt trời nên thực tế chỉ đóng góp 10% tổng năng lượng điện sử dụng.
Để từ 10% thành 20% như công suất lắp đặt điện mặt trời, phải có hệ thống lưu trữ hiệu quả. "Nếu mỗi hộ dân, tòa nhà có hệ thống pin lưu trữ thì vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện đồng thời lại là một điểm lưu trữ mà hệ thống lưới điện có thể điều phối đưa điện vào hoặc lấy điện ra. Mô hình này đã được ứng dụng tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc...", anh Tuấn Anh mô tả.
Điện là bánh mì của công nghiệp
Lớn lên trong gia đình có bố mẹ đều là kỹ sư, tiến sĩ Trần Tuấn Anh luôn nhớ câu nói của bố mẹ: "Điện là bánh mì của công nghiệp". Không có điện gần như không thể phát triển ngành công nghiệp.
Đa phần công nghệ sản xuất mới trong 20 năm trở lại đây là công nghệ sử dụng điện chứ không còn là chất đốt. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tăng tỉ lệ đóng góp vào GDP đồng nghĩa phải tăng sản xuất điện.
"Thống kê sơ bộ muốn tăng 1 điểm phần trăm GDP, chúng ta phải tăng 2 điểm phần trăm nguồn cấp điện. Chẳng hạn năm vừa qua, GDP tăng 7,5% tương ứng với ngành điện phải tăng trưởng 15%.
Nếu muốn duy trì tốc độ tăng 15% như vậy sẽ rất khó nếu phát triển theo quy mô truyền thống là xây dựng nhà máy điện công suất lớn rồi lại phải xây đường truyền tải điện lớn", anh lý giải.
Theo anh, bài toán ấy không thể giải được nếu chỉ làm theo mô hình tập trung. Do đó những công ty như Solano ra đời để cùng hỗ trợ chung tay giải bài toán năng lượng đó bằng giải pháp phân tán.
Tạm hình dung, thay vì xây dựng nhà máy điện 100MW thì tách 100MW thành 1.000 đơn vị điện mặt trời mái nhà trong thành phố. Số lượng 1.000 không quá nhiều, nhưng lượng điện sản xuất ra tương đương 100MW.
Sử dụng pin lưu trữ giúp hấp thụ toàn bộ lượng điện do hệ thống điện mặt trời mái nhà tạo ra. Do các hệ thống phân tán nằm ngay trong thành phố đều là nơi tiêu thụ điện lớn, khi phát hoặc lưu trữ điện đều có thể làm quy mô cục bộ một thành phố, một khu vực không cần quy mô quốc gia.
"Đứng ở góc độ ngành điện, giải pháp này giúp tăng nguồn cung, giảm chi phí đầu tư, có thêm một dịch vụ mà họ có thể sử dụng mà không cần phải đầu tư quá nhiều nguồn tài nguyên của họ", CEO Trần Tuấn Anh giải thích.
Các đô thị lớn như TP.HCM sẽ lý tưởng cho mô hình của Solano Energy
Theo tiến sĩ Trần Tuấn Anh, mô hình sản xuất năng lượng phân tán hiệu quả nhất khi mật độ hệ thống pin lưu trữ được lắp đặt cao.
"Nếu có 10 hệ thống lưu trữ mà 5 cái ở Hà Nội, 3 cái ở TP.HCM, 2 cái ở Đà Nẵng nếu để hệ thống san sẻ với nhau vẫn phải chạy trên đường dây điện quốc gia, hệ thống sẽ mất đi ý nghĩa.
Nếu tất cả các hệ thống cũng tập trung ở một nơi, hệ thống này sẽ đạt hiệu quả tốt nhất. Chúng tôi muốn chọn TP.HCM là nơi đầu tiên thực hiện mô hình", anh Tuấn Anh cho biết.
Mục tiêu của Solano Energy là đưa càng nhiều hệ thống pin lưu trữ vào lắp đặt trong các tòa nhà quy mô nhỏ trong thành phố bằng cách kết hợp với các chủ đầu tư các khu đô thị quy mô 50 - 200 căn, nhóm các nhà thầu xây dựng, kiến trúc sư, thiết kế nội thất...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận