09/01/2011 07:09 GMT+7

Sôi nổi cùng con chọn nghề

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TT - Hơn 400 phụ huynh, giáo viên đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2011 “Cùng con chọn nghề” chiều 8-1 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ mang theo rất nhiều tâm tư, kỳ vọng khác nhau.

I8DaP2Y2.jpgPhóng to
TS Nguyễn Đức Nghĩa (bìa phải), phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, trả lời thắc mắc của phụ huynh sau khi buổi tư vấn chính thức đã kết thúc - Ảnh: M.ĐỨC
Video clip: Tư vấn cho phụ huynh - Nét mới của năm 2011 - Nguồn: TVO

Có người vẫn chưa biết ngành nào phù hợp với con mình; có người lo lắng về cơ hội việc làm, sợ công việc nặng nhọc, trong khi nhiều phụ huynh lại tâm tư bởi không thuyết phục được con theo ngành mình chọn... Phần lớn câu hỏi của phụ huynh đã được giải đáp. Tuy nhiên, qua đó mới thấy được nhu cầu giải quyết “xung đột” chọn ngành giữa cha mẹ và con cái là rất lớn.

Nhu cầu rất lớn

Ghi âm toàn bộ buổi tư vấn

Đến với buổi tư vấn, anh Huỳnh Tấn Dũng (Q.6, TP.HCM) đưa cả con gái đang học lớp 12 theo cùng. Anh Dũng còn mang theo cả máy ghi âm để ghi lại toàn bộ chương trình. “Tôi rất quan tâm đến những thông tin này nên muốn ghi âm lại để khi nào cần thiết bật lên nghe lại” - anh Dũng cho biết.

Ngồi ở góc cuối hội trường, ông Nguyễn Văn Nghĩa (Q.Tân Phú, TP.HCM) hí hoáy ghi chép không ngưng tay. Ông Nghĩa mang theo khá nhiều tài liệu liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH và cả những tài liệu tuyển sinh do chính tay ông “biên soạn” với rất nhiều thông tin về điểm chuẩn, tỉ lệ chọi...

Ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi thích tìm hiểu những thông tin về tuyển sinh nên thường ghi chép lại. Nhờ vậy tôi có thể tư vấn định hướng cho con thi cử tốt. Hôm nay đến đây được các thầy cô cung cấp nhiều thông tin về hướng nghiệp rất quý giá. Đây là nguồn tư liệu cho tôi làm dày thêm cẩm nang tuyển sinh tôi dành cho con”.

Do số chỗ ngồi có hạn, ban tổ chức chỉ phát khoảng 400 thư mời đến phụ huynh, giáo viên các trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Và hội trường tư vấn đã không còn một chỗ trống. Nhiều phụ huynh đến tham gia chương trình từ rất sớm.

Ông Trần Quang Minh, phụ huynh em Trần Hoàng Anh Khoa (học sinh Trường THPT Trường Chinh, Q.12, TP.HCM), nói: “Đến nay thông tin chúng tôi nắm vẫn còn lờ mờ. Con tôi học giỏi môn vật lý nhưng chưa biết nên theo ngành nào. Hai cha con có trao đổi nhiều nhưng vẫn chưa thống nhất. Hi vọng được thầy cô tư vấn nhiều hơn để có thể chia sẻ kinh nghiệm cùng con chứ không áp đặt”.

Ngay từ đầu buổi, chị Phạm Thị Ngọc Lan đến từ Q.Gò Vấp (TP.HCM) chăm chú lắng nghe và ghi chép rất cẩn thận. “Hôm nay đến đây được nghe các chuyên gia tư vấn nhiều nội dung lý thú, bổ ích... Tôi ghi lại để thông tin cho những phụ huynh lớp con tôi không có điều kiện tham dự buổi hôm nay” - chị Lan chia sẻ.

Cũng như rất nhiều phụ huynh có mặt tại buổi tư vấn, chị Ngọc Lan cho biết đang gặp phải vấn đề mâu thuẫn trong việc chọn ngành giữa cha mẹ và con cái. Cả hai vợ chồng chị Ngọc Lan đều là giáo viên, chị muốn con mình nối nghiệp bố mẹ nhưng đứa con gái duy nhất đang theo học lớp 12 lại thích theo ngành thời trang.

Giải quyết “xung đột”

Đặt câu hỏi trực tiếp cho ban tư vấn, phụ huynh Nguyễn Thế Linh băn khoăn: “Con tôi học lực trung bình, đạo đức tốt, cháu nên chọn ngành nào?”.

Trong khi đó phụ huynh Nguyễn Thị Lan hỏi: “Con trai tôi năm nay thi đại học. Cháu học chuyên lý, mức độ trung bình khá, tính tình hiền, rụt rè, cẩn thận. Xin tư vấn giúp cháu nên thi ngành gì là phù hợp. Cháu và gia đình đang phân vân nên thi kinh tế hay bách khoa”.

ThS Lâm Tường Thoại - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) - chia sẻ: “Việc chọn ngành học phụ thuộc vào sở thích, khả năng, sở trường của học sinh. Học lực chỉ là yếu tố giúp mình chọn trường phù hợp. Vì vậy tôi gợi ý phụ huynh chú ý các trường cao đẳng hoặc những trường đại học có yêu cầu không cao về điểm số để cháu thi. Riêng thi ngành gì, gia đình nên xem cháu có sở thích gì để quyết định chọn”.

Trong khi đó một phụ huynh đặt câu hỏi: khi chọn ngành, giữa sở thích và năng lực, nên ưu tiên yếu tố nào? Đây cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh và học sinh trước khi quyết định chọn ngành.

TS tâm lý Đinh Phương Duy nhấn mạnh: “Muốn thực hiện sở thích có nhiều con đường, dài ngắn khác nhau. Con đường ngắn: phù hợp với khả năng và có thể thực hiện ngay. Đường dài: năng lực chưa cho phép và phải đi theo đường vòng. Thí sinh thích ngành này nhưng không đủ khả năng vào ĐH, bạn có thể học CĐ để sau đó học liên thông lên ĐH. Tôi khuyên các bạn nên chọn ngành theo sở thích nhưng (có thể đi đường vòng) không nên học ngành mình không thích bởi như thế sẽ không có động lực học tập, ảnh hưởng đến tương lai sau này”.

JuWTBywT.jpgPhóng to
Hầu hết phụ huynh ghi chép rất cẩn thận khi nghe ban tư vấn tuyển sinh trả lời câu hỏi - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cần hiểu con hơn

“Cùng con chọn nghề” đúng chất là một buổi tư vấn tâm lý khi nhiều phụ huynh bày tỏ sự rối bời trước “xung đột” với con cái trong việc chọn ngành cho con. Một phụ huynh “cầu cứu”: “Tôi đã tìm hiểu kỹ một ngành học và muốn cho con theo nhưng con tôi lại không thích. Tôi phải làm sao?”.

TS Đinh Phương Duy chia sẻ: có một thực tế là một số phụ huynh thích ngành này vì nghĩ mới danh giá trong quan hệ bạn bè, sở thích của chính mình và muốn con mình học ngành đó. Bên cạnh đó, một số phụ huynh chọn các ngành đó vì chưa có nhiều thông tin, chỉ là chủ quan mình muốn nên hướng cho con. Lý do nữa là phụ huynh chưa hiểu rõ con mình về tính cách, sở thích. Những vấn đề đó gây nên “xung đột” giữa bố mẹ và con.

Mặt khác, học sinh nhiều khi cũng ngang bướng, muốn chứng tỏ mình đã lớn nên chọn ngành ngược hoàn toàn với ý cha mẹ. Điều quan trọng là phụ huynh tránh gây căng thẳng, ảnh hưởng đến kết quả học tập của con em. Để giải quyết vấn đề này, bố mẹ nhẹ nhàng chia sẻ niềm tin, mong muốn của mình với con cái, cho phép con tranh luận về việc chọn ngành nghề và đặt ra nhiều phương án chọn lựa. Vào ngành cha mẹ thích sẽ như thế nào và theo ngành con thích sẽ như thế nào để đi đến kết luận tốt nhất.

Một phụ huynh khác có nỗi niềm tương tự: “Con tôi muốn thi vào ngành y. Gia đình chúng tôi ủng hộ, tuy nhiên vẫn mong cháu thi vào khoa răng hàm mặt vì anh cháu học cử nhân phục hình răng (sau này nếu làm nha sĩ, hi vọng anh em có thể hỗ trợ lẫn nhau). Mặt khác chúng tôi nghĩ học nha sẽ thuận lợi cho phái nữ (tiện chăm sóc gia đình sau này) vì có nhiều người quen bảo làm bác sĩ rất cực, nhất là đối với nữ. Nhưng cháu cho biết chỉ thích học bác sĩ và sẽ vào khoa hiếm muộn để tạo ra những sinh linh bé bỏng. Chúng tôi có nên thuyết phục cháu học nha không?”.

ThS.BS Trương Tấn Trung - Trường ĐH Y dược TP.HCM - chia sẻ: gia đình nên trao đổi với cháu thêm, tuy nhiên nếu được như mong đợi của gia đình thì rất tốt. Nếu được theo sự đam mê như mong muốn, khả năng học tập và kết quả sẽ tốt hơn. Phải trao đổi tâm tư nguyện vọng, dần dần thuyết phục. Cái chính là tạo điều kiện, tạo tiền đề cho con học tốt.

Nhiều phụ huynh tuy đã thống nhất với con về ngành nghề nhưng vẫn rất lo lắng. Một phụ huynh tham vấn: “Con tôi đang học lớp 12, rất thích ngành quản trị nhà hàng nhưng gia đình tôi hướng con sang học ĐH Kinh tế giống chị. Tuy cháu đồng ý nhưng xem ra vẫn còn tiếc nuối ngành quản trị nhà hàng lắm”. ThS Lâm Tường Thoại tư vấn: “Ngành quản trị nhà hàng là ngành tương đối mới ở nước ta, nhân lực còn thiếu. Có suy nghĩ chọn ngành đó chứng tỏ cháu có suy nghĩ định hướng tốt ở tương lai. Theo tôi, chị nên đồng ý cho cháu học ngành đó”.

Một phụ huynh khác lo lắng: “Con trai tôi thích biển, làm việc trên biển. Nhưng nghe nói công việc này vất vả, xa nhà, tôi không đành”. “Xin chia sẻ với anh những thiệt thòi của những người làm việc trên tàu là phải xa nhà và khá vất vả. Tuy nhiên, ngành này có cơ hội việc làm tốt và thu nhập cao. Sau một thời gian đi biển có thể dễ dàng tìm được việc làm trên bờ tại các cảng biển, công ty bảo hiểm, công ty giám định hàng hải và các doanh nghiệp dịch vụ liên quan khác” - TS Nguyễn Văn Thư, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ.

nXIMthVW.jpgPhóng to
NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp