Các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong như: áp xe gan-đường mật, viêm đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đường mật, chảy máu đường mật…
Sỏi mật là một trong những bệnh lý túi mật thường gặp nhất và đang có xu hướng gia tăng. Đây là tình trạng xuất hiện viên sỏi trong lòng đường mật, gây ứ trệ và tắc nghẽn sự lưu thông mật. Sỏi mật có thể ở đường dẫn mật trong gan nơi giao nhau giữa ống dẫn mật và túi mật, hoặc ở ống mật chủ, hoặc trong túi mật. Theo thành phần có thể chia sỏi mật ra thành sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật.
Sỏi cholesterol tạo thành khi có rối loạn về cholesterol, axit mật, lecithin (như gia tăng dị hoá cholesterol gan, ăn nhiều thức ăn giàu cholesterol, giảm biến đổi cholesterol thành axit mật).
Sỏi sắc tố mật tạo thành khi nồng độ bilirubin không liên hợp trong mật gia tăng, hoặc hình thành do hậu quả của giun chui ống mật hay nhiễm khuẩn đường ruột. Sỏi sắc tố mật thường xảy ra đối với những người béo phì, sử dụng kéo dài thuốc hạ mỡ máu, thuốc tránh thai, chế độ ăn giàu lipid, nhiễm trùng đường mật, nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa...
Sỏi mật dễ gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong như: áp xe gan - đường mật, viêm đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đường mật, chảy máu đường mật…; nếu ứ mật kéo dài sẽ dẫn tới xơ gan. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí, tính chất, kích thước to nhỏ và biến chứng của bệnh nên có những biểu hiện, đặc điểm khác nhau.
Khi mắc sỏi mật, trường hợp nhẹ, có thể không đau hoặc chỉ đau âm ỉ, tức nặng ở hạ sườn phải. Trường hợp nặng, cảm giác đau rõ rệt xuất hiện đột ngột ở vùng hạ sườn phải, lan lên vai hoặc sau lưng. Cơn đau có thể kéo dài từ 15 phút đến vài giờ kèm theo đổ mồ hôi hoặc ói mửa. Các biểu hiện khác như sốt nhẹ hoặc sốt kéo dài khi bị nhiễm trùng đường mật. Vàng da, tiểu vàng khi xuất hiện sỏi ở ống mật chủ, ống gan hoặc trong gan.
Nếu nghi ngờ bị sỏi mật cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được xác định, tư vấn, điều trị một cách hiệu quả nhất, tránh để xảy ra biến chứng.
Để phòng bệnh, cần có chế độ ăn uống hợp lý. Cụ thể, nên hạn chế ăn mỡ, thịt đỏ (thịt bò, trâu, chó), lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật và các loại thức ăn gây táo bón (thức ăn, nước uống có nhiều chất tanin), các chất kích thích như chè, cà phê, cacao, chocolate... Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây tươi, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt; tăng cường ăn đạm thực vật và thức ăn giàu đường bột.
Người có bệnh sỏi mật, mỗi ngày chỉ nên ăn một lần thịt, dùng loại thịt trắng và
nạc, không có mỡ. Tránh những thực phẩm chiên, các sản phẩm từ sữa nhằm ngăn cản bệnh sỏi mật phát triển nặng hơn. Đồng thời, cần tẩy giun theo định kỳ mà bác sỹ khám bệnh tư vấn, kê đơn (không tự động mua thuốc tẩy giun). Kiểm soát cân nặng hợp lý bởi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật cao do có thói quen tiêu thụ thức ăn chứa nhiều chất béo động vật và cholesterol. Thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động cơ thể. Tham gia các môn thể thao như đi bộ, chạy chậm, tập dưỡng sinh là những môn thể thao tốt với mọi lứa tuổi. Ngoài ra, phải đảm bảo ăn 3 bữa mỗi ngày, không nên nhịn ăn sáng để mật được tiết ra liên tục và không thể lắng đọng tạo sỏi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận