Trong báo cáo đưa ra hôm 17-11-2014, Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) đã lên án việc“kiểm tra trinh tiết” là thủ tục mang tính “kỳ thị và xúc phạm nhân phẩm” nặng nề.
Theo USA Today, trên trang web chính thức của lực lượng cảnh sát Indonesia có ghi: “Cùng với các thủ tục kiểm tra bệnh tật và thể chất, những phụ nữ muốn trở thành nữ cảnh sát phải trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết. Vì thế mọi phụ nữ muốn làm cảnh sát nên giữ gìn trinh tiết của mình”.
Các nữ cảnh sát Indonesia - Ảnh: AFP |
Theo Global Post, với một quốc gia phần đông dân chúng theo đạo Hồi, các cô gái còn trinh được xem là “biểu tượng của sự thuần khiết” và ngay từ năm 1965, thủ tục “kiểm tra trinh tiết” đã được áp dụng trong việc tuyển dụng nhân sự ngành cảnh sát.
Tuy nhiên, thủ tục này đang gây bức xúc sau khi khoảng 7.000 nhân sự nữ được tuyển vào lực lượng cảnh sát Indonesia hồi tháng 4 năm nay.
Sốc và sợ hãi
Theo HRW, rất nhiều ứng viên khi trả lời phỏng vấn của tổ chức này cho biết họ chỉ được thông báo về chuyện kiểm tra trinh tiết ngay trước khi thi một lát.
Một trong những ứng viên từng đăng tuyển vào lực lượng cảnh sát hồi năm 2013 cho biết cô đã “rất sốc” khi được biết phần kiểm tra sức khỏe có cả “tiết mục” kiểm tra trinh tiết.
Cô nói: “Tôi cảm thấy bối rối, hoảng sợ, nhưng không thể từ chối. Nếu tôi từ chối, tôi đã không thể trở thành cảnh sát”.
Một ứng viên 19 tuổi từng trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết tại thành phố Pekanbaru trên đảo Sumatra ở miền tây Indonesia nói: “Tôi không muốn nhớ về những trải nghiệm đó nữa. Thật xấu hổ. Tại sao chúng tôi phải cởi đồ trước những người xa lạ chứ? Nó thật không cần thiết và tôi nghĩ nên dừng lại việc này”.
Một ứng viên khác cho biết việc kiểm tra trinh tiết được tiến hành rất khác so với những gì cô hình dung.
Cô phải cởi bỏ hết quần áo trước mặt khoảng 20 ứng viên khác, sau đó việc kiểm tra diễn ra trong một phòng riêng không có cửa, cùng lúc với một ứng viên khác.
Cô này nói: “Phải bước vào phòng kiểm tra trinh tiết thật đáng sợ. Tôi cảm thấy như sau khi bị kiểm tra, tôi không còn trinh tiết nữa. Bạn tôi thậm chí đã ngất lịm vì… quá đau”.
Mặc dù hiểu rõ mục đích của việc kiểm tra này nhưng theo cô, nó “không cần thiết” và “chả liên quan gì”. “Thật đau đớn và đáng xấu hổ”, ứng viên này nói.
Không chỉ kiểm tra trinh tiết
Tại trụ sở lực lượng cảnh sát Indonesia ở Jakarta, giám đốc trung tâm y tế Rusdianto nói: “Đó không chỉ là kiểm tra trinh tiết mà còn là kiểm tra bộ phận sinh dục và đường tiết niệu để xem có bị bệnh hay lây nhiễm nào không”.
Ông này cũng nhấn mạnh rằng việc các cô gái còn trinh hay không cũng không ảnh hưởng tới kết quả tuyển dụng của họ.
Tuy nhiên khi được hỏi vì sao cần tiến hành các kiểm tra trinh tiết đó, ông Rusdianto lại trả lời khá mập mờ: “Tất cả các kiểm tra được thực hiện đều nhằm mục đích tuyển dụng những ứng viên tốt nhất”.
Tổ chức giám sát nhân quyền HRW đã yêu cầu lực lượng cảnh sát Jakarta loại bỏ thủ tục kiểm tra gây xúc phạm nhân phẩm nặng nề với các cô gái muốn trở thành cảnh sát của Indonesia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận