Stivi Cooke nói chuyện với các sinh viên người Việt Nam - Ảnh nhân vật cung cấp |
Tôi đã từng xem nhiều chuyện là kinh khủng, như việc người ta đi tiểu ngay ngoài đường, nhưng giờ thì tôi đã quen với việc đó rồi. Chuyện đó cũng chẳng khiến tôi lo lắng nữa. Tôi nghĩ chuyện bỏ đá vào nước cũng không quan trọng và chuyện xả rác thì không phải nơi nào cũng có. Sau nhiều năm sống ở Việt Nam, tôi thấy những điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Sốc văn hóa là một điều kì lạ. Nó cũng giống như nỗi đau khi ai đó mất đi vậy. Mỗi người có một kiểu phản ứng riêng. Đó là phản ứng khi bạn ở trên một đất nước xa lạ và mọi thứ thật khác biệt, và bạn phải đấu tranh để lý giải những chuyện xảy ra xung quanh mình. Nếu bạn là một người khách du lịch, bạn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi vì bạn có thể trở về nhà sau khi tham quan một đất nước nào đó.
Đối với những người như tôi, việc sống một thời gian dài ở nước ngoài có thể là khá căng thẳng cho đến khi bạn làm quen được với thức ăn, văn hóa, cách sống và khoảng cách to lớn giữa suy nghĩ của bạn và tư duy của người bản địa. Bạn có thể sẽ khá ngạc nhiên khi có người bỏ cuộc và trở về đất nước họ, trong khi nhiều người khác lại có thể hòa nhập vào một nền văn hóa khác mà không gặp bất cứ vấn đề lớn nào.
Stivi Cooke - Ảnh nhân vật cung cấp |
Tôi còn nhớ chuyến đi đến Việt Nam vào giữa một đêm mùa hè năm 2006 cùng một người bạn người Úc. Chúng tôi đến Hà Nội trước khi đến Hội An. Quãng đường đi tìm khách sạn đêm đó đột nhiên trở nên bão táp khi nhiều người lái xe ầm ầm vụt qua sát chỗ tôi đứng, đến nỗi tôi có cảm giác sẽ bắt được tay họ, cộng với mùi thức ăn từ những chiếc xe đẩy và hàng loạt tiếng ồn bao vây chúng tôi.
Anh bạn tôi sợ chết khiếp và chửi thề suốt đường đi. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một khách sạn mở cửa trễ ở ngay góc đường, nơi chúng tôi có thể vừa nhấm nháp chút bia lạnh và bò bít tết, vừa ngắm nhìn sự “điên loạn” của giao thông Hà Nội. Anh bạn tôi thề sẽ ở lì trong phòng khách sạn đến ngày chúng tôi về Hội An và sẽ không bao giờ bước ra đường một khi còn ở Hà Nội.
Nhưng tôi thì lại thấy khá thích thú, và ngày hôm sau tôi quyết định dạo quanh thành phố bằng xích lô. Sau này khi về sống ở Hội An rồi, tôi nhận ra mình đã yêu Việt Nam tự khi nào, vì những lí do mà dù đã sống ở đây 7 năm trời, tôi vẫn chưa thể hiểu hết được.
Dù vậy, cuộc sống ở đây chưa bao giờ là quá dễ dàng. Những nỗi thất vọng về mặt giao tiếp cũng như những nhu cầu về cuộc sống không được đáp ứng dần ăn mòn sự kiên nhẫn và thông cảm của bạn dành cho các thói quen bản địa. Mọi thứ bắt đầu có sự phân biệt rõ ràng - cái này là tốt, cái kia là kinh khủng, tôi ghét khi người Việt Nam làm thế này, làm thế kia, tại sao họ không thể suy nghĩ giống tôi, tại sao nó đơn giản với tôi vậy mà họ lại chẳng thể nghĩ vậy…, hàng tá những thứ có thể gây khó chịu.
Một chuyện làm tôi khó chịu là người Việt Nam để tay họ ướt đầm mô hồi lúc bắt tay với tôi. Trời ơi, tôi nghĩ: Sao vậy? Sao họ không lau tay? Họ không biết về các nguy cơ lây bệnh ư? Một điều khác nữa là một số người tôi biết, họ thường hay không biết nhận sai. Tôi không mất nhiều thời gian để hiểu hành động lắc lắc hai tay trên không có nghĩa là “Tôi không biết và tôi không nói gì đâu nha.”
Tuy nhiên, tôi học cách sống với những khác biệt đó bằng cách cố gắng hiểu - đặt câu hỏi - tại sao bạn lại làm như vậy? Thêm nữa, tôi cũng dành thời gian để nhìn cuộc sống theo quan điểm của người Việt Nam - đôi khi họ tập trung vào chuyện họ làm sao cho có hiệu quả mà quên mất rằng việc mình làm có thể ảnh hưởng đến người khác. Mọi thứ bắt đầu dễ hiểu từ đây.
Không "vuốt đuôi" những lời miệt thị Tôi thấy việc người nước ngoài có cái nhìn không thiện cảm với một số hành vi của người Việt Nam là điều không có gì khó hiểu. Mỗi nền văn hóa có những đặc trưng riêng của nó và chấp nhận sự khác biệt là một trong những nguyên tắc sống của những công dân toàn cầu. Chúng ta chấp nhận và tôn trọng những lời góp ý chân tình chứ không bao giờ nên "vuốt đuôi" cho những lời miệt thị, xúc phạm. Không bàn về những vấn đề tồn tại của một bộ phận người Việt như xả rác bừa bãi, hay khạc nhổ, hút thuốc nơi công cộng, bấm còi xe ồn ào... bởi nếu đã gọi là "vấn đề tồn tại" thì mỗi người có ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng sẽ tìm phương thức giải quyết nó, dù rằng chỉ trên một phạm vi nhỏ trong gia đình, làng xóm. Với những người không có ý thức, những hình thức chế tài sẽ có chỗ dành cho họ. Tôi đọc được chuyện một ông thầy nói rằng thói quen cho đá vào mọi thứ để uống của người Việt Nam là “horrible” (tởm lợm). Tôi cho rằng đây là cách nói xúc phạm người khác. Nếu không hiểu căn nguyên cách ăn, cách uống của một quốc gia thì việc đưa ra những bình phẩm thiếu khách quan, mang tính miệt thị sẽ thể hiện sự thiếu tôn trọng và thiếu hiểu biết của chính bạn. Tôi tán đồng với quan điểm cần có văn hóa thẳng trong tiếp nhận phê bình, góp ý. Nhưng cái thẳng này phải đi kèm với cái đúng và sự tôn trọng mà đối phương dành cho mình. Không thể nào tôn trọng một lời góp ý được nói ra với mục đích xúc phạm. Lời góp ý đó, dù thẳng đến mấy cũng là vô giá trị bởi người góp ý mặc nhiên không hề muốn xây dựng mà chỉ muốn đưa ra cái nhìn "khinh bỉ" của mình mà thôi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận