Ngày 29-12, bác sĩ Nguyễn Đức Thành, trưởng khoa hồi sức Bệnh viện quân y 175 TP.HCM, cho biết hiện chị Phạm Thị Thơm - 35 tuổi, nhân viên thuộc Vùng 5 hải quân (đóng quân ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) - đã tỉnh táo và sức khỏe tạm ổn.
Các bác sĩ đã kiểm soát tốt tình trạng sốc phản vệ của bệnh nhân do bị ong đốt và tiếp tục đánh giá tình trạng viêm phổi của bệnh nhân để có hướng điều trị thích hợp.
Trước đó ngày 28-12, chị Thơm đang chạy xe ngoài đảo thì bị ong đốt vào mu bàn tay trái.
Sau đó, chị Thơm bị choáng váng, khó thở và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Khu vực Phú Quốc trong tình trạng huyết áp tụt.
Các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ do côn trùng đốt và xử trí sốc phản vệ theo đúng phác đồ. Huyết áp bệnh nhân ổn định sau xử trí, tuy nhiên vẫn còn mệt, khó thở.
Sau khi họp hội chẩn từ xa với Bệnh viện quân y 175, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ do côn trùng đốt kết hợp với viêm phổi (ba ngày trước khi bị côn trùng đốt, bệnh nhân đã sốt và ho).
Do diễn biến bệnh có thể phức tạp, tổn thương đa cơ quan, điều kiện theo dõi và chăm sóc ngoài đảo thiếu thốn nên bệnh nhân được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện 175 bằng trực thăng (Tuổi Trẻ ngày 29-12 đã đưa tin).
* Sáng 29-12 qua điện thoại, thiếu úy Nguyễn Văn Kha - chồng chị Thơm, đang công tác ở đảo Trường Sa - không giấu được sự vui mừng khi biết vợ đã qua cơn nguy kịch. Anh Kha cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Vùng 5 hải quân, Bệnh viện quân y 175, đặc biệt là Bộ Quốc phòng đã điều động trực thăng từ đất liền ra Phú Quốc đưa vợ anh đi cấp cứu kịp thời.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đoàn Văn Chiều - chính ủy Vùng 5 hải quân - cho biết hồi tháng 2-2014 Vùng 5 cũng từng xin điều động trực thăng ra đảo Phú Quốc chở trung úy Nguyễn Mạnh Trường (thuộc hải đội 511, lữ đoàn 127) bị đột quỵ vào đất liền cấp cứu.
“Do đơn vị đóng quân ở đảo xa nên tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ là điều hết sức quan trọng. Bằng mọi giá phải tìm cách đưa cán bộ, chiến sĩ bị bệnh nặng vào đất liền chữa trị kịp thời” - đại tá Chiều nói.
Liên quan đến việc vận chuyển những ca cấp cứu bằng máy bay vào đất liền chữa trị, ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho biết đây là việc hết sức khó khăn vì muốn vận chuyển bệnh nhân cấp cứu bằng máy bay dân dụng thì không được mang bình oxy lên máy bay.
Ngoài ra, những ca cấp cứu như thế phải đăng ký với công ty hàng không để họ có thời gian tháo ghế hành khách, thay vào đó bằng giường chuyên dụng.
“Thủ tục này rất mất thời gian, lại tốn kém nên những ca bệnh nặng ở đảo Phú Quốc thường sử dụng tàu cao tốc để chuyển bệnh nhân vào đất liền” - ông Nghiệp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận