Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 8-12, tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa X tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo các sở, ngành.
Được chất vấn đầu tiên, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cảnh báo dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới, ca chuyển nặng, ca tử vong có xu hướng tăng trở lại từ ngày 20-10.
Đã có kịch bản ứng phó biến chủng Omicron
Khi đại biểu chất vấn về phương án ứng phó với biến chủng mới, ông Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế liên tục theo dõi sát biến chủng Omicron. Tuy nhiên đến nay, gần như chưa thấy tín hiệu người mắc biến chủng này sẽ diễn tiến xấu hơn.
Hiện ngành y tế đang tiến hành giám sát chặt người nhập cảnh vào TP, làm xét nghiệm nếu có kết quả dương tính sẽ giải trình tự gene ngay. TP chưa phát hiện biến chủng mới.
Ông Thượng cho rằng đây là tín hiệu "tạm đỡ lo" nhưng vẫn không chủ quan. Lãnh đạo ngành y tế đánh giá việc chủng mới xâm nhập vào TP là vấn đề thời gian, nên phải có phương án ứng phó.
Hiện nay, ngành y tế đã dành riêng Bệnh viện dã chiến số 12 để thu dung, điều trị cho bệnh nhân nhiễm chủng mới.
Về vấn đề F0 không khai báo với chính quyền địa phương, ông Thượng cho rằng hiện TP không triển khai tầm soát như trước, mà tập trung xét nghiệm những người có nguy cơ. Người dân cũng có thể tự làm xét nghiệm tại nhà, nếu không ý thức tốt thì xảy ra tình trạng "người biết đã nhiễm bệnh vẫn đi lại, tiếp xúc với người xung quanh".
Ông Thượng cho rằng cần truyền thông mạnh mẽ đến nhân dân để tự giác khai báo y tế. Đồng thời, cần tăng cường thực hiện quy chế phối hợp quản lý F0, phân công cụ thể cho từng bộ phận.
"Sở Y tế cũng sẽ tham mưu để các quy định xử phạt người biết mình là F0 nhưng vẫn lưu thông, giao lưu tiếp xúc với người khác dựa trên Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và các quy định có liên quan" - ông Thượng cho hay.
Nếu người dân đồng hành cùng TP thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì hy vọng dịch bệnh sẽ giảm. Đến thời gian nào đó, TP sẽ giống như Singapore, không công bố số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày, không quan trọng vấn đề số ca mắc mới, mà xem đây như một căn bệnh thường khi người nhiễm không có diễn tiến nặng.
ÔNG TĂNG CHÍ THƯỢNG - GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ TP.HCM
Giải pháp nào để nhân viên y tế cơ sở không nghỉ việc?
Đại biểu Tăng Hữu Phong (quận Phú Nhuận) chất vấn về hệ thống y tế cơ sở - Ảnh: TỰ TRUNG
Chất vấn lại, các đại biểu rất quan tâm đến vấn đề củng cố nhân lực, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở. Đại biểu Phạm Văn Rậm (quận Tân Phú) hỏi về giải pháp nào đủ hiệu quả để giữ chân nhân viên y tế cơ sở trước bối cảnh họ xin nghỉ nhiều trong năm 2021.
Đại biểu Tăng Hữu Phong (quận Phú Nhuận) chất vấn về quan điểm và giải pháp nâng cao nguồn nhân lực y tế phường, xã? TP cần thêm bao nhiêu nhân lực y tế tuyến phường, xã? Lượng nhân viên y tế còn đủ tuyển dụng, hay phải tuyển dụng thêm ở các địa phương?
Đại biểu thượng tọa Thích Minh Thành chất vấn thẳng quyết sách nào để củng cố giúp y tế cơ sở cải thiện về vật tư, nhân sự, cũng như ứng phó tốt trong trường hợp khẩn cấp?
Trao đổi lại, ông Tăng Chí Thượng cho biết trong 10 bài học kinh nghiệm phòng chống dịch vừa qua được rút ra có bài học về củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Theo ông Thượng, hiện TP.HCM đạt tỉ lệ 20 bác sĩ/10.000 dân, cao gấp đôi mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, so với hầu hết các nước phát triển có chỉ số 36, 44 hoặc 62 bác sĩ/vạn dân thì tỉ lệ này còn rất thấp.
Ngành y tế đã xây dựng đề án và có tờ trình gửi Thường trực UBND TP để củng cố, nâng cao nhân lực y tế cơ sở. Cụ thể có chính sách giữ chân nhân viên y tế để họ yên tâm công tác, bớt nghỉ việc.
Trước mắt ngành y tế kiến nghị hỗ trợ thêm thu nhập cho bác sĩ mức 1,5 lần lương tối thiểu vùng, ước 6 triệu/tháng, còn điều dưỡng mức 1 lần lương tối thiểu vùng, khoảng 4 triệu/tháng.
"Trước đây TP.HCM có hỗ trợ nhưng với mức 450.000 - 900.000 đồng/tháng là thấp, rất khó để họ sống và chi tiêu trong gia đình" - ông Thượng chia sẻ.
Kiến nghị nhiều chính sách mới thu hút bác sĩ về trạm y tế
Ngành y tế TP.HCM đang kiến nghị nhiều chính sách để thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế - Ảnh: TỰ TRUNG
Về thu hút nhân sự cho các trạm y tế, ông Thượng cho biết ngành y tế đã làm việc với các trường đại học, nhất là Đại học Phạm Ngọc Thạch và kiến nghị cơ chế rất mới.
Cụ thể, theo quy định hiện nay, sinh viên ngành y tốt nghiệp phải thực tập 18 tháng tại các bệnh viện tuyến TP hoặc quận, huyện mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề.
Nay, kiến nghị cơ chế sinh viên tốt nghiệp về thực hành tại trạm y tế phường, xã trong 12 tháng, 6 tháng còn lại thực hành ở bệnh viện.
Giám đốc Sở Y tế TP phân tích, với cơ chế này sẽ có lợi cho cả đôi bên. Sinh viên ra trường được về cơ sở khám, chữa bệnh gần dân. Còn các cơ sở y tế có nguồn nhân lực đảm bảo việc khám, chữa bệnh.
Theo ông Thượng, nếu kiến nghị được thông qua, mỗi năm có khoảng 500 bác sĩ trẻ về làm việc tại các trạm y tế.
"Ngành y tế cũng đề xuất hỗ trợ bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, khoảng 6 triệu cho các bác sĩ về trạm y tế. Chúng tôi rất mong đề xuất sớm hiện thực để luôn có lực lượng bác sĩ trẻ ở y tế cơ sở" - ông Thượng chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Thượng, ngành y tế cũng đề xuất tăng định biên nhân sự cho trạm y tế phường, xã. Thay vì mỗi trạm y tế tối thiểu có 5 nhân viên, tối đa 10 nhân viên như hiện nay thì đề xuất tăng gấp đôi, lần lượt tối thiểu 10, tối đa 20 nhân viên.
Mặt khác, về lâu dài kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy định phân bổ trạm y tế không theo biên giới hành chính mà theo quy mô dân số. Lý tưởng nhất là 1 vạn dân có 1 trạm y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận