Thanh tra Sở Y tế TP kiểm tra một cơ sở khám chữa bệnh - Ảnh: Sở Y tế TP
Đó là một kiến nghị đáng chú ý của Sở Y tế TP.HCM trước bối cảnh các phòng khám hành nghề theo kiểu "vẽ bệnh" moi tiền người bệnh gây bức xúc dư luận. Trong đó phải đặc biệt kể đến các phòng khám có yếu tố nước ngoài, chủ yếu là phòng khám có bác sĩ Trung Quốc.
Sở Y tế TP.HCM thừa nhận công tác quản lý nhà nước của ngành y tế trong thực tế thường bị rơi vào thế bị động, các thông tin phản ánh trên báo đài thường là những vụ việc đã xảy ra ở những thời điểm trước đó, các cơ sở vi phạm khi biết có thông tin phản ánh sẽ lập tức thay đổi hiện trường, che giấu dữ liệu… nên công tác thanh, kiểm tra gặp không ít khó khăn.
"Hành vi vi phạm của các phòng khám đa khoa tư nhân trong nhiều năm qua thường rơi vào các người bệnh có bệnh lý 'khó nói', tâm lý ngại đến các cơ sở y tế uy tín nhưng đông người, thời gian chờ lâu, thủ tục hành chính phức tạp hơn.
Để xử lý các vi phạm này, cơ quan quản lý không được phép nản chí, phải chọn giải pháp 'chạy đua đường dài' với cơ sở khám chữa bệnh vi phạm. Tức là cứ tái phạm lại xử lý theo mức phạt cao nhất", Sở Y tế TP phân tích.
Thanh tra Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để đủ sức răn đe đối với các hành vi cố tình vi phạm pháp luật.
Đồng thời, kiến nghị sửa đổi luật khám chữa bệnh liên quan đến các quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ trong nước và cả người nước ngoài theo xu thế chung trên thế giới, cũng như các hình thức tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn và vĩnh viễn.
Về lâu dài, Sở Y tế TP kiến nghị cần có biện pháp xử lý mạnh hơn mang tính răn đe, giống như hình thức bấm lỗ bằng lái xe trong lĩnh vực giao thông trước đây, nếu cứ cố tình vi phạm khi hành nghề ở cùng một bác sĩ, cùng một cơ sở khám, chữa bệnh thì cơ quan quản lý nhà nước được phép "bấm lỗ" chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động cho đến lúc phải thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Quy trình lôi kéo người bệnh đến để lừa đảo của phòng khám có bác sĩ Trung Quốc từng được Tuổi Trẻ nhiều lần điều tra phản ánh - Ảnh: T.T.
Một trong những giải pháp được Sở Y tế TP đưa ra để ngăn chặn tình trạng "vẽ bệnh" đó là cho ra mắt ứng dụng "Y tế trực tuyến" (cài đặt trên điện thoại thông minh). Đây là một công cụ giúp người dân dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh.
Ngoài ra, người dân có thể phản ảnh qua tổng đài 1022 của thành phố, các thông tin phản ảnh về y tế sẽ được chuyển cho các cơ quan quản lý nhà nước về y tế và các cơ sở y tế có liên quan xử lý.
Thách thức truyền thống đạo đức của ngành y tế
Cho rằng thuật ngữ "vẽ bệnh" chưa có trong từ điển Việt Nam, nhưng Sở Y tế TP nhìn nhận khi nói ra ai cũng hiểu hàm ý, đó là hành vi của một số người lợi dụng sự phó thác của người bệnh trong lúc khám chữa bệnh để "vẽ" ra một số bệnh không có thật, hoặc nếu có bệnh thì "vẽ" ra các biến chứng nguy hiểm cần phải can thiệp điều trị ngay, thường áp đặt người bệnh vào những kỹ thuật điều trị có giá cả cao ngất, chưa nói đến chất lượng điều trị. Điều này gây nên sự phẫn nộ ngay trong đội ngũ nhân viên y tế vì nó đã thách thức truyền thống đạo đức của ngành y.
"Có thể khẳng định đây là một hiện tượng không phổ biến, chỉ xảy ra ở một số rất ít cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nhưng cứ tái diễn sau mỗi lần cơ quan quản lý đã xử phạt, ngay cả mức cao nhất. Dư luận càng bức xúc hơn khi hiện tượng này chỉ tập trung vào một số ít phòng khám có yếu tố nước ngoài, chủ yếu là các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc", Sở Y tế TP khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận