Ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ chiều 26-4 - Ảnh: GIA TIẾN |
Việc gửi những văn bản đề nghị xem xét lại là cần thiết
* Thưa ông, sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) xác nhận việc cấm 5 ca khúc là dựa trên đề nghị xem xét 10 ca khúc của Sở VH-TT TP.HCM do ông ký ngày 8-12-2016 thì dư luận rất quan tâm lý do vì sao sở lại đưa ra danh sách này, khi đó đều là những bài hát đã được cấp phép từ rất lâu trước đây. Đề xuất đó xuất phát từ cơ sở nào?
- Đề xuất này là công việc thông thường của đơn vị quản lý nhà nước. Kể từ khi nghị định 79 được ban hành, việc cấm, cấp phép hay thu hồi các lệnh cấm - cho phổ biến ca khúc trước 1975 đều do Cục NTBD quyết định. Sở VH-TT TP.HCM cũng như các sở của các địa phương khác luôn tuân thủ đúng các quyết định này.
Tại TP.HCM, mỗi ngày chúng tôi nhận được rất nhiều hồ sơ xin phép tổ chức biểu diễn, phát hành băng đĩa. Và chúng tôi đã cấp phép cho không biết bao nhiêu chương trình dựa trên danh sách các ca khúc đã được phép phổ biến của Cục NTBD.
Tuy nhiên, với những chương trình có các ca khúc trước năm 1975, chúng tôi thường xuyên nhận được những lời phê bình, góp ý và cả chỉ đạo từ rất nhiều cấp, từ các chú ở hội cựu chiến binh, các nhạc sĩ lớn tuổi...
Với những ca khúc nhận quá nhiều ý kiến như thế, trách nhiệm của chúng tôi là phải phản ánh lại với Cục NTBD. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ làm văn bản đề nghị xem xét chứ không đề xuất cấm hay tạm thời dừng lưu hành.
Chúng tôi cũng đã có những buổi họp để rút kinh nghiệm, xét lại trách nhiệm của sở về việc này. Sở có làm “căng” quá không, có phiến diện quá không, có cứng nhắc quá không?...
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra để chúng tôi nhìn lại mình, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn xác định việc gửi những văn bản đề nghị xem xét lại là cần thiết như một hoạt động nghiệp vụ của mình.
* Sau khi Cục NTBD xem xét và ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc, sở đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp hoạt động giải trí để phổ biến quyết định này. Tuy nhiên, khi Cục NTBD có quyết định thu hồi lại không thấy sở có động thái gì. Phải chăng sở không đồng tình với quyết định của cục?
- Tôi xin khẳng định một điều, quản lý nhà nước là một thể thống nhất. Cục cấm hay cho phép gì thì sở cũng chấp hành.
Riêng việc gửi văn bản đến các doanh nghiệp hoạt động giải trí tại TP.HCM thì phải theo đúng quy trình hành chính. Khi cục ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc và có văn bản gửi sở, sở nhận được rồi mới phổ biến quyết định này đến doanh nghiệp.
Cho đến nay, sở dĩ chúng tôi vẫn chưa gửi văn bản phổ biến việc cục thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc là vì cục vẫn chưa gửi quyết định thu hồi đến chúng tôi.
Không phải lo chuyện “án treo”
* Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí than rằng Sở VH-TT TP.HCM thường không cấp phép cho những ca khúc vốn đã có trong danh sách được phổ biến. Sau vụ này, liệu 10 ca khúc do sở đề nghị xem xét lại (trong đó có 5 ca khúc bị cấm rồi thu hồi lệnh cấm) sẽ không còn bị sở “lưu ý” nữa hay doanh nghiệp vẫn phải lo chuyện “án treo” còn đó?
- Như đã trao đổi, sở luôn tuân thủ quyết định của cục nên không phải lo chuyện “án treo” với 10 ca khúc đó, trừ khi có những quyết định mới.
Khi các đơn vị nộp hồ sơ xin cấp phép, chúng tôi không bao giờ từ chối cấp phép khi ca khúc đó có trong danh sách phổ biến của cục. Có chăng là chúng tôi chỉ lưu ý rằng ca khúc đó đang nằm trong danh sách mà chúng tôi dự kiến hoặc đã gửi cục xem xét lại.
Khi một ca khúc nằm trong diện cần xem xét lại thì nó có thể bị tạm dừng lưu hành hoặc cấm vào một thời điểm không biết trước. Vậy nên, việc chúng tôi lưu ý các đơn vị đó, đề nghị họ thay thế bằng một ca khúc khác là một cách bảo vệ cho lợi ích của cá nhân hay doanh nghiệp xin phép.
Trên thực tế, nhiều cá nhân, đơn vị cũng rất quyết liệt khi nói rằng cục cho phép thì sở cứ cấp phép, có việc gì họ sẽ tự chịu trách nhiệm và chịu thiệt hại thì chúng tôi vẫn cấp phép.
* Việc quản lý và cấp phép cho các ca khúc xưa vẫn còn rất nhiều bất cập. Sở VH-TT TP.HCM là đơn vị quản lý thị trường sôi động nhất của cả nước trong việc phát hành các sản phẩm văn hóa hay tổ chức các hoạt động biểu diễn. Trước vấn đề này, sở sẽ ứng xử thế nào hay có đề xuất cụ thể gì với ca khúc xưa? Và liệu có cần bỏ đi khái niệm ca khúc trước năm 1975?
- Hiện thời, nghị định 79 quy định rất rõ về việc xin phép phổ biến lại các ca khúc trước năm 1975 nên không phải bàn về việc bỏ hay không bỏ khái niệm này.
Về việc quản lý và cấp phép các ca khúc xưa thì các lãnh đạo những thời kỳ trước của sở cũng đã kiến nghị việc hãy công bố danh sách ca khúc cấm thay vì danh sách ca khúc được cấp phép. Và sở chúng tôi vẫn đồng tình với hướng giải quyết đó.
Tuy nhiên, để thay đổi hay lập ngay một danh sách ca khúc cấm là chưa thể. Sở hoàn toàn đồng tình với quan điểm trong bài viết Làm sao xóa được khái niệm “ca khúc trước 1975”? của bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, đăng trên Tuổi Trẻ.
Và sở cũng đề xuất nên phân cấp mạnh mẽ cho các sở địa phương cấp phép trong lúc chưa thể công bố danh sách ca khúc cấm. Khi được phân cấp, Sở VH-TT TP.HCM sẽ thành lập hội đồng để thẩm định, cấp phép và chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận