Mới đây Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản thẩm định, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM hoàn thiện dự thảo Quyết định quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó Sở Tư pháp đã tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo tách thửa, hợp thửa với các sở ngành, quận huyện.
Cần quy định điều kiện quy hoạch, lối đi để tách thửa
Theo cơ quan chủ trì thẩm định dự thảo, Luật Đất đai năm 2024 giao UBND cấp tỉnh căn cứ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều 220 và quy định khác của pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất. Tuy nhiên dự thảo của Sở Tài nguyên và Môi trường lại chỉ quy định theo hướng áp dụng quy định tại khoản 1, 2, 3 điều 220 Luật Đất đai.
Dự thảo lần này chỉ quy định tách thửa với 2 loại đất là đất nông nghiệp và đất ở. Điều kiện cần để tách thửa là phải đảm bảo diện tích tối thiểu.
Đồng thời việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý... (giống khoản 1, điều 220 Luật Đất đai).
Trong khi dự thảo trước đó để tách thửa đất quy hoạch đất nông nghiệp, đất dân cư hiện hữu, đất dân cư hiện hữu chỉnh trang thì phải bảo đảm điều kiện phù hợp quy hoạch tỉ lệ 1/2000. Còn đất ở quy hoạch dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp thì phải đáp ứng quy hoạch chi tiết 1/500.
Theo Sở Tư pháp, dự thảo tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường chưa làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc không quy định cụ thể điều kiện để tách thửa đất, hợp thửa đất. Trong khi điều kiện cụ thể (về quy hoạch, về lối đi) để tách thửa là 2 nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của các sở ngành, quận huyện.
Nên áp dụng quy hoạch tỉ lệ 1/2000
Điều kiện về quy hoạch nhất là với đất ở tại dự thảo quy định trước đó đối với quy hoạch đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp đáp ứng quy hoạch tỉ lệ 1/500, đã nhận được tuyệt đối các ý kiến phản đối của các đại biểu, chuyên gia tại hội nghị do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức vào sáng 7-5-2024.
Theo các chuyên gia, việc cơ quan soạn thảo quy định "ràng" điều kiện quy hoạch vào chẳng khác nào cấm tách thửa và không đúng theo quy định Luật Đất đai.
Góp ý về dự thảo lần này của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều đơn vị góp ý dự thảo nên quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa căn cứ vào quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Điển hình như quận 12, huyện Củ Chi, TP Thủ Đức.
Sở Tư pháp đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý về điều kiện quy hoạch.
"Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ pháp luật có liên quan; phong tục, tập quán (tình hình thực tiễn) tại thành phố; ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP trong quá trình xây dựng dự thảo trước đây và quá trình triển khai các quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn thành phố từ trước đến nay để tổng hợp, bổ sung đầy đủ nội dung giải trình, tiếp thu để có cơ sở tham mưu UBND TP xem xét, quyết định...", Sở Tư pháp đề nghị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hải Long, cố vấn pháp lý Công ty Luật TNHH AGL cho biết ông rất đồng tình với ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp. Theo ông Long, quyết định tách thửa, hợp thửa là văn bản pháp lý áp dụng ngay khi ban hành để giải quyết nhu cầu tách thửa của người dân thành phố, nhất là trong hoàn cảnh quyền tách thửa của người dân bị ngừng từ tháng 4-2021 khi thành phố sửa đổi quyết định 60 về tách thửa.
"Vì vậy quyết định này cần quy định cụ thể về điều kiện quy hoạch, lối đi để bảo đảm tính khả thi, việc áp dụng được chính xác, thông suốt...", ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận