Địa điểm gặp nạn là khu vực vùng núi xa xôi thuộc tỉnh Papua, phía đông Indonesia.
Người thân của hành khách trên chuyến bay chờ thông tin ở phi trường Sentani gần Jayapura, tỉnh Papua ngày 17-8 - Ảnh: Reuters |
Theo CNN, hôm qua quan chức Raymond Konstantin thuộc Cơ quan Tìm kiếm cứu hộ Indonesia (Basarnas) cho biết một máy bay tìm kiếm đã phát hiện các mảnh vỡ này, tuy nhiên đội tìm kiếm trên bộ chưa thể tiếp cận hiện trường.
Trước đó, những người dân ở khu vực gần nơi xảy ra tai nạn đã báo với chính quyền có nhìn thấy một chiếc máy bay chở khách lao xuống núi. Từ đó việc tìm kiếm đã nhanh chóng hơn.
Chiếc máy bay gặp nạn là loại ATR 42-300 chở khách chặng ngắn có hai động cơ cánh quạt do Hãng ATR (Pháp) chế tạo. Trong hành trình từ Jayapura đến Oksibil ngày chủ nhật (16-8), trên máy bay có 54 hành khách. Trong đó có 44 người lớn, 2 em bé, 3 trẻ sơ sinh cùng 5 thành viên phi hành đoàn. Tất cả đều là người Indonesia.
Theo Reuters, không chỉ thiệt hại về người, chiếc máy bay bị rơi còn chở theo một số tiền khá lớn: 470.000 USD. Có bốn người mang theo số tiền này và đây là một phần trong chương trình cứu trợ người nghèo.
Công tác tìm kiếm đang phải tiến hành trên địa hình rừng rậm hiểm trở, thời tiết lại xấu. Theo viên chức Sito của Basarnas, năm ngoái cũng tại đây, một chiếc trực thăng Super Puma đã bị rơi. Người này nói: “Đó là vì thời tiết ở đó. Nó liên tục thất thường. Buổi sáng trời có thể quang mây và nóng, nhưng rồi đột nhiên trời lại đổ mưa”.
Cũng trong hôm qua (17-8), ông Susila Adyana, một quan chức thuộc lực lượng không quân Indonesia, cho biết đã điều thêm một máy bay tìm kiếm tới xác minh các mảnh vỡ trên núi. Ngoài ra, một đội tìm kiếm trên bộ cũng xuất phát từ thị trấn Oksibil (điểm hạ cánh dự kiến của máy bay Trigana bị nạn) hướng về hiện trường vụ tai nạn.
Chiếc ATR 42-300 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu tại Papua vào chiều 16-8 sau khi rời sân bay Sentani tại Jayapura lúc 14g22 (giờ địa phương) và dự kiến đến Oksibil lúc 15g16. Tuy nhiên tới 14g55, máy bay mất liên lạc.
Người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải Indonesia cho biết không có tín hiệu cấp cứu nào phát đi từ máy bay. Tuy nhiên theo chuyên gia hàng không Mary Schiavo của Đài CNN, có nhiều lý do dẫn đến việc này. Chẳng hạn, các thành viên trong phi hành đoàn mải lo giải quyết tình huống cấp bách nào đó nên không kịp phát đi tín hiệu cấp cứu, hoặc họ không hề nghĩ mình đang gặp trục trặc.
Trong những ngày tới, thời tiết ở khu vực này có thể còn xấu hơn, gây trở ngại cho công tác tìm kiếm, cứu hộ ở khu vực có những ngọn núi cao tới 3.000m này.
3 tai nạn trong 8 tháng
Tai nạn máy bay của Trigana là thảm họa hàng không thứ ba tại Indonesia trong vòng tám tháng qua. Tháng 12 năm ngoái, chiếc QZ8501 của hàng không AirAsia trong hành trình từ Surabaya đi Singapore đã rơi ở biển Java làm toàn bộ 162 người trên máy bay tử nạn.
Tháng 6 vừa rồi, một máy bay vận tải quân sự cũng đã rơi xuống khu dân cư ngay sau khi vừa cất cánh khỏi thành phố Medan, đảo Sumatra, làm thiệt mạng ít nhất 135 người.
Trigana là một trong nhiều hãng hàng không bị cấm hoạt động trong không phận châu Âu vì theo Ủy ban châu Âu: “Các máy bay của họ bị phát hiện không an toàn và/hoặc chúng không được các nhà quản lý trong nước giám sát đầy đủ”.
Trigana bị liệt vào danh sách này từ năm 2007. Hãng này đã để xảy ra 14 vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 1991. Không kể vụ tai nạn mới nhất, Trigana đã phải hủy bỏ 10 máy bay.
Chiếc ATR 42-300 bị nạn đã phục vụ được 27 năm. Theo dữ liệu trên trang airfleets.com, Hãng bay Trigana có đội bay 14 chiếc với thời gian sử dụng trung bình mỗi máy bay là 26,6 năm.
Papua là một trong những nơi xa xôi nhất ở phía đông Indonesia với địa hình đồi núi hiểm trở và rừng rậm, cách thủ đô Jakarta khoảng 3.400 dặm (5.472km). Cách di chuyển bằng đường không duy nhất của người dân trong vùng là những chuyến bay nội địa của các hãng hàng không thương mại giá rẻ như Trigana. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận