29/08/2019 19:30 GMT+7

Sợ thành gánh nặng của bố mẹ, nữ sinh không dám nhập học

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - 'Nhìn các bạn khoe tin vào đại học, em thấy tủi, vì mình phải dừng lại. Nếu nhập học, em sợ trở thành gánh nặng của bố mẹ' - Kiều Trang, thí sinh có điểm thi khối C00 (văn - sử - địa) cao nhất Trường THPT Trường Chinh (Gia Lai), chia sẻ.

Sợ thành gánh nặng của bố mẹ, nữ sinh không dám nhập học - Ảnh 1.

Vừa biết điểm thi, Kiều Trang xuống TP.HCM để xin việc làm phụ bán hàng tại một cửa hàng quần áo ở quận Tân Bình, không dám làm thủ tục nhập học dù đã trúng tuyển với mức điểm rất cao - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Với 25,5 điểm, em trúng tuyển vào ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

"Biết mình đậu đại học, em khóc rất nhiều"

"Ngày 21-8, xem danh sách trúng tuyển, tôi không kìm được mà rơi nước mắt. Nhưng tất cả đã muộn rồi, cũng đã từ bỏ rồi, chấp nhận rồi. Thôi thì... tạm biệt nhé, ước mơ của tôi! Tạm biệt ngôi trường tôi hằng mong đợi!".

Những dòng tâm sự của Kiều Trang trên Facebook khiến nhiều thầy cô và bạn bè bất ngờ.

Cô Đinh Thị Phương Chi - giáo viên văn Trường THPT Trường Chinh - chia sẻ: "Vừa biết kết quả thi, Kiều Trang lặng lẽ khăn gói xuống TP.HCM. Bạn bè nghĩ em ấy tranh thủ đi sớm tìm việc làm thêm, chờ nhập học. Ngày 15-8 là hạn chót để thí sinh xác nhận nhập học, nhưng 21-8 em viết tâm sự như vậy trên Facebook…

Vậy là em ấy chờ hết hạn nhập học mới cho mọi người biết quyết định đầy khó khăn của mình, là từ bỏ ước mơ bước chân vào giảng đường đại học".

Sợ thành gánh nặng của bố mẹ, nữ sinh không dám nhập học - Ảnh 2.

Những dòng chia sẻ thông tin về quyết định từ chối nhập học của Kiều Trang trên Facebook của cô giáo Phương Chi

Ước mơ vào đại học ngừng theo rẫy tiêu

Suốt 5 năm qua, bố mẹ Trang rất nhiều lần đưa em trai út bị bệnh tim bẩm sinh và câm điếc chữa chạy. Sau lần mổ tim, bệnh của em trai đã thuyên giảm cũng là lúc gia đình thêm nghèo túng.

Năm lớp 12, thấy bố mẹ vay tiền đầu tư vô 5 sào rẫy trồng tiêu, Trang rất vui, có động lực để học thật tốt với hi vọng gia đình sẽ bớt khổ và mình có cơ hội tiếp tục đi học. Nhưng mùa mưa đến, kéo đi hi vọng của cô học sinh giỏi sử cấp tỉnh khi rẫy tiêu chết trắng…

Vụ tiêu thất bại đẩy gia đình Trang xuống bờ vực cái đói, cái khổ. Mẹ em nói: "Mẹ chỉ đủ sức nuôi con ăn học hết lớp 12".

Thấy mẹ gom ít quần áo, xuống Bình Dương tìm việc, cô con gái đầu lòng tự thấy mình ích kỷ khi vẫn nuôi ước mơ to lớn là được vào đại học.

Ba chị em và bố ở nhà tự lo liệu. Mỗi sáng, Trang dậy sớm nấu ăn cho cả nhà rồi đi học. Chiều lại lo cơm nước, chăm em trai út nhỏ bị bệnh, xong Trang mới lấy sách vở ra học đến tận khuya.

Những ngày mùa, gác lại sách vở, Trang theo bố lên rẫy phụ làm. Ai kêu hái cà phê, Trang cũng tranh thủ từng giờ kiếm ít tiền phụ giúp bố. Cuộc sống đầy khó khăn như vậy, nhiều đêm cầm sách học Trang luôn tự hỏi: "Phải chăng ước mơ vào đại học của mình lớn quá? Mình đòi hỏi ở bố mẹ nhiều quá?".

Ngay khi biết tin, cô Phương Chi và nhiều thầy cô giáo khác liền gọi điện động viên, nhưng Kiều Trang chỉ nói cảm ơn và trả lời mọi người rằng mình quyết đi làm giúp gia đình.

Doãn Hoàng - bạn cùng khóa của Trang, cũng vừa trở thành tân sinh viên - biết tin Trang không nhập học đã nhắn tin: "Mình sẽ hỏi xin thầy hiệu phó cho bạn nhập học trễ. Bạn đừng từ bỏ ước mơ!".

Câu chuyện của Kiều Trang được các thầy cô trong ban giám hiệu Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM biết, đã thu hút sự quan tâm của các giảng viên.

"Nhiều thầy cô đã gọi điện cho em báo tin nhà trường đồng ý cho nhập học muộn, động viên và khuyên em nên đi học, sẽ có người giúp đỡ... Em vui lắm, rất vui", Trang xúc động nói.

"Mọi khoản tiền cần đóng, các thầy cô lo xong hết rồi"

Sáng 28-8, lần đầu tiên Kiều Trang được bước chân vào cổng trường đại học để nhận giấy báo nhập học được nhà trường cấp lại.

"Theo quy định, phải đóng tiền để được xem là nhập học, sau đó mới được xem xét làm thủ tục xin miễn giảm học phí. Nhưng em yên tâm, mọi khoản tiền cần đóng đã được các thầy cô lo xong hết rồi. Nhà trường cũng sẽ liên hệ ký túc xá để em được vào ở… Trước mắt, cứ hoàn tất hồ sơ nhập học sớm, nhà trường sẽ có hướng hỗ trợ tiếp theo", một thầy đại diện ban giám hiệu nhà trường nói với Trang.

Nghe vậy, cô học trò nghèo đến từ mảnh đất Tây Nguyên vẫn cảm giác như mình đang mơ. Những giọt nước mắt lại lăn trên má cô tân sinh viên, nhưng đó là giọt lệ của niềm hạnh phúc.

Sợ thành gánh nặng của bố mẹ, nữ sinh không dám nhập học - Ảnh 4.

1.000 suất học bổng Tiếp sức đến trường hỗ trợ tân sinh viên

Dự kiến, năm học 2019-2020 chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển ĐH, CĐ với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: [email protected] hoặc điện thoại: 028.39973838. Đồng thời, bạn đọc có thể ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện đi lại, dụng cụ học tập... cho tân sinh viên. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các bạn tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời.

Kinh phí ủng hộ đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực; chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên", hoặc tên các cá nhân độc giả muốn giúp đỡ.

'Khi bố mất, em tưởng việc học đã khép lại'

TTO - Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, bố mất, nhìn mẹ bị bệnh nặng, Thủy không nghĩ gì đến chuyện đi học đại học, chỉ dự định đi làm thuê để có tiền đưa mẹ đi xạ trị ung thư.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp