Đất ở trung tâm TP.HCM có giá thị trường từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng/m2 nhưng giá đất nhà nước cao nhất chỉ có 162 triệu đồng/m2 - Ảnh: TTD
Kiến nghị trên được đại diện Sở Tài chính đưa ra tại buổi khảo sát về tình hình thực hiện Luật đất đai đối với các sở ngành ngày 8-5 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Theo đại diện Sở Tài chính, Nhà nước bỏ khung giá đất, để các địa phương xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường áp dụng cho tất cả các mục đích từ thu tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tính lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân và bồi thường đất.
Nếu lo người dân đóng thuế, phí cao quá thì giảm tỉ lệ thuế, phí xuống, ví dụ như lệ phí trước bạ là 0,5% thì giảm còn 0,1% giá trị nhà, đất… Như vậy, số tiền đóng thuế, phí sẽ như nhau nhưng khuyến khích người dân kê khai giá thật khi giao dịch nhà, đất.
Đặc biệt, cách làm này sẽ không có nhiều mức giá đất, pháp luật cũng không cần quy định nhiều phương pháp định giá đất và hạn chế thấp nhất rủi ro liên quan đến giá đất đai như thời gian qua.
Trước đó, đại diện Sở Tài chính đưa ra thực tế là khung giá đất và bảng giá đất nhà nước ban hành quá thấp so với giá thị trường. Người dân giao dịch nhà, đất giá cao nhưng kê khai giá thấp để trốn một phần thuế, phí phải đóng cho Nhà nước.
Vị này đưa ra thực tế: giá đất giao dịch thành tại TP.HCM có thể lên đến 500 triệu - 1 tỉ đồng mỗi mét vuông đất nhưng người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính cao nhất chỉ có 162 triệu đồng/m2.
Điều này làm cho dữ liệu về giá đất giao dịch thành do các cơ quan chức năng thu thập được không sát thực tế. Giá đất bồi thường dùng dữ liệu thu thập được từ những hợp đồng kê khai giá thấp nên tiền bồi thường không đủ để người dân tạo lập cuộc sống mới.
Đại diện Sở Tài chính cho rằng nếu xây dựng được bảng giá đất sát giá thị trường đúng như quy định của Luật đất đai thì sẽ khắc phục tất cả những mâu thuẫn, rắc rối trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận