Hình chụp màn hình cho thấy chỉ số chất lượng không khí trong 48 giờ qua (theo số liệu cập nhật đến 13g ngày 3-3) là 159 - ở mức không lành mạnh. Theo mức này, mọi người bắt đầu bị tác động về sức khỏe, những người thuộc nhóm nhạy cảm có thể gặp phải những tác động sức khỏe nghiêm trọng hơn. |
Không thể đánh giá không khí cả thành phố qua một thiết bị
Theo thông tin trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, sứ quán đã lắp đặt một thiết bị quan trắc chất lượng không khí để đo các phần tử trong không khí kích cỡ 2,5 PM - một chỉ số về chất lượng không khí - tại tòa nhà của đại sứ quán ở 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội.
Sứ quán Mỹ lưu ý chương trình quan trắc chất lượng không khí này vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển.
Theo đó, trong giai đoạn này sứ quán sẽ chỉ có thể cung cấp số liệu trung bình 24 giờ của chỉ số chất lượng không khí (AQI), cũng như thông báo nhanh hằng ngày về AQI lúc 7 giờ sáng và đưa số liệu lên mạng trong giờ làm việc thông thường của sứ quán.
Sứ quán lưu ý thêm việc phân tích số liệu trên toàn thành phố không thể được thực hiện dựa trên số liệu từ một thiết bị quan trắc duy nhất. Số liệu này cung cấp về chỉ số chất lượng không khí chính xác tại khu vực gần sứ quán.
Theo kết quả quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, những ngày gần đây chất lượng không khí có thời điểm lên tới 388 (mức cao nhất lúc 9g00 ngày 1-3-2016).
Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp hơn 3 lần mức khuyến cáo theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Tương tự, chỉ số AQI đo được trong hai ngày 1 và 2-3 tại Đại sứ quán Mỹ ở Láng Hạ dao động từ 114-388. Ban ngày thường dao động trên mức 150. Ngày 3-3, chỉ số AQI đo được lúc 13g tại Đại sứ quán Mỹ là 159.
Theo thang đánh giá, nếu chỉ số AQI từ 101-200 thì chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe đối với các nhóm nhạy cảm như bệnh nhân về hô hấp, tim mạch.
Riêng chất lượng không khí từ mức 201-300 được coi là không lành mạnh, cảnh báo về tình trạng khẩn cấp liên quan tới sức khỏe. Tất cả mọi người đều có thể bị ảnh hưởng.
So sánh không đúng giữa Hà Nội với Bắc Kinh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN-MT, cho biết mấy ngày qua ông cũng nhận được nhiều câu hỏi về chất lượng không khí tại Hà Nội.
“So sánh với kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ và kết quả quan trắc của chúng tôi thì thấy tương đồng. Tuy nhiên, việc đọc chỉ số như vừa qua đang có sự nhầm lẫn về chất lượng không khí. Quan trắc của Đại sứ quán Mỹ có 5 bước. Hiện nay một số người đọc chỉ số này đã lấy chỉ số trung bình giờ ở điểm cao nhất để so sánh với trung bình ngày của Bắc Kinh để nói ô nhiễm như Bắc Kinh là không đúng” - ông Tùng phân tích.
Theo ông Tùng, việc đo chất lượng không khí trung bình giờ, tức là mức cao ở một thời điểm cũng có nhiều nguyên nhân, ví như một trận gió cũng có thể mang theo một lượng bụi lớn nhưng mức đó không phải diễn ra liên tục.
“Nếu lấy mức cao của giờ để nói không khí của Hà Nội xấu thì không chính xác. Chỉ số đó đại diện cho một ngày ở HN là không phải. Không khí ở HN có ô nhiễm. Quan trắc trong mấy ngày gần đây thì chỉ số ô nhiễm ở mức 1,3-1,5 lần quy chuẩn cho phép so với trung bình ngày, nhưng không thể ô nhiễm như Bắc Kinh. Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh vượt rất xa quy chuẩn” - ông Tùng khẳng định.
Ông Tùng cũng khẳng định hiện tại việc quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội được thực hiện hằng ngày.
“Chất lượng không khí đúng là có ô nhiễm. Nguồn ô nhiễm chủ quan ngại nhất là nồng độ bụi mịn và nồng độ ozon trong không khí vượt mức cho phép. Nguyên nhân chính là từ phương tiện giao thông, xây dựng ở đô thị…” - ông Tùng nói.
Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2013, môi trường không khí cho thấy tại Hà Nội có mức độ ô nhiễm cao hơn TP.HCM.
Trong năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận