Có một ngày cách đây lâu lắm, ở vùng Phan Rang, Phan Rí có chiến tranh. Cả vùng rừng núi Tà In, Tà Năng cũng xôn xao thức dậy khi vua Chăm dẫn theo vô số quân lính và người nhà chạy qua lánh nạn. Sau khi làm nhà để đồ đạc và những hộp Klon, họ gửi lại tất cả cho đồng bào Churu rồi tiếp tục ra đi, về đâu không rõ. Đó là những gì dân làng Sóp ở xã Tà In nay thuộc huyện Đức Trọng, Lâm Đồng còn nhớ được về lịch sử những ngôi đền chứa báu vật Chăm nơi đây...
Kỳ 1: Vén mở bức màn
Đây là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Churu.
Phóng to |
Lần theo sử liệu
Cũng như các kho tàng bảo vật của các vua Chăm ở Bình Thuận, các kho tàng chứa bảo vật Chăm ở Lâm Đồng (Tuyên Đức cũ) cũng đã nhiều lần được các nhà bác học Pháp tới thăm trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Năm 1905, qua bài khảo cứu “Le trésor des rois Chams” trong tập kỷ yếu École Francaise d’extrême-Orient (BEFEO) tập 5, tác giả H.Parmentier. I.M. E.Durand đã viết về các kho tàng nói trên. Theo tài liệu này, ông gọi kho tàng Krayo là Kajon và kho tàng Sópmadronhay là kho tàng Lavan.
Năm 1929-1930, ông Mner có tới thăm các kho tàng trên đã viết về các bảo vật trong tờ trình đăng ký trong kỷ yếu của BEFEO, tập 30.
Năm 1955 trong cuốn sách của tác giả Jacques Doumes, En suivant la piste des hommes sur les hauts-plateaux du Vietnam, cũng có nói đến những kho tàng này.
Đến giữa tháng 12-1957, ông Nghiêm Thẩm - chánh sự vụ, Viện Khảo cổ phụ trách bảo tồn cổ tích của chính quyền Sài Gòn - cùng một số chuyên viên được cử đến Tuyên Đức để xem xét các bảo vật của các vua Chăm. Trong chuyến đi khảo sát thực tế này, đoàn của ông Nghiêm Thẩm đã tới cả ba địa điểm: làng Lơbui, đền Krayo và đền Sópmadronhay.
Theo sự miêu tả của ông Nghiêm Thẩm, ở Lơbui có ba điểm cất giữ các báu vật Chăm: một nơi chứa các đồ vật quý, một nơi để đồ sứ và một nơi để y phục.
Bảo vật ở đây cũng không có nhiều. Đựng trong một giỏ tre đan có bốn cái chén bằng bạc, hai cái có chân, hai cái không có chân và mấy chiếc chén nhỏ bằng đồng và bằng ngà. Ngoài ra còn có hai cái vành mũ của vua, một cái bằng bạc và một cái bằng vàng pha nhiều đồng.
Các đồ sứ: chén, bát, đĩa được đặt trong một cái hố đào sẵn ở trong một căn nhà riêng biệt. Chủ yếu ở đây là những chén bát sứ thông dụng của người Chăm. Còn y phục, quần áo phần nhiều bị mục nát. Trái với các nơi khác, những y phục, quần áo này được để ngay trong nhà đồng bào Churu.
Đồng bào Churu ở đây còn cho biết hằng năm đến tháng 7, tháng 9 của người Chăm (tức tháng 9 và tháng 11 dương lịch), những đại diện của người Chăm lên làm lễ cúng tại các nơi chứa vàng bạc, nơi chứa xiêm y và đồ sứ. Bảo vật ở đền Krayo, tức kho tàng Kajon, chỉ có ông I.M.E. Durand tới xem qua loa vào năm 1903. Khi đoàn của ông Nghiêm Thẩm tới đây khảo sát và kiểm kê các báu vật, đã so sánh đối chiếu với số liệu của I.M.E. Durand viết trước đây thì thấy có một số không khớp.
Trong khi I.M.E.Durand thấy có bảy chiếc hộp Klon bằng vàng và khoảng 60 đồ bạc, trái lại đoàn khảo cổ thấy tới 20 hộp Klon bằng vàng. Có lẽ tại I.M.E.Durand không được xem hết những hộp vàng trong đó đựng những hộp nhỏ hơn.
Theo I.M.E.Durand, có tám giỏ tre đựng đồ vàng bạc nhưng lúc này chỉ còn sáu giỏ (1957). Ngoài ra còn có ba miếng vàng lá hình chữ nhật có chạm trổ hoa văn, trong đó có một miếng chạm trổ rất đẹp và tinh vi để phủ lên trên hia và một số vật dụng khác bằng kim khí gồm 56 chiếc và 24 khẩu súng thần công dài, một khẩu thần công ngắn.
Ngoài các đồ kim khí kể trên còn có nhiều đồ vải vóc gồm có triều phục Việt Nam và áo kiểu Chăm đựng trong ba chiếc rương gỗ.
Riêng kho tàng Sópmadronhay, theo các báo cáo của ông Nghiêm Thẩm, các bảo vật ở đây có thể chia làm năm loại: binh khí, tự khí (trong loại này có những đồ bằng vàng bạc có chạm trổ), dụng cụ giao thông và y phục, trong đó có đồ Chăm và triều phục của triều đình Việt Nam màu lam và màu hoa lý.
Phóng to |
Súng thần công ở đền Krayo - Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng |
Ai là chủ nhân của các kho báu?
Sau khi so sánh thực tế với tài liệu “Le trésor des rois Cham” của I.M.E.Durand, đoàn đã khẳng định kho tàng này chính là kho tàng Lavan mà hai nhà bác học đã tới thăm hồi năm 1902.
Đối chiếu với tài liệu trên, phái đoàn Viện Khảo cổ còn phát hiện thiếu sáu hay bảy đồ vàng. Nhưng những đồ vàng này mất trong trường hợp nào thì dân làng Sóp cũng không ai nhớ rõ.
Ngoài các báu vật kể trên ở đền Sópmadronhay còn thấy có một số con dấu và triện khắc bằng chữ Hán. Các con dấu và triện này có thể chia làm hai loại: loại thứ nhất là những con dấu thuộc về hành chính thường dùng cuối đời Lê đầu đời Nguyễn như: vi chấp bằng, trình, phó, thái, tam... Loại thứ hai là những con dấu có mang chức tước và tên của người được phép sử dụng con dấu đó như: Khâm sai chưởng cơ tín sự, Phan trân đình cai cơ chiêu Nguyễn ân sự, Chiêu hầu Nguyễn tông chi chương, Cai cơ diệu thuận thành trấn Nguyễn hầu ấn sự, Bản trấn tiền thắng phiên vương tử tín chương, Nguyễn Cân tin ký.
Từ những thông tin trên các con dấu và ấn tín tìm thấy trên đền, sau khi tra cứu sử liệu phái đoàn khảo cổ của ông Nghiêm Thẩm đã cho rằng những con dấu và ấn tín trên đây là của một phiên vương Chăm tên là Môn Lai Phu Tử sau được lấy tên Việt là Nguyễn Văn Chiêu.
Thật vậy trong lịch sử nhà Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, quyển 5 và Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập quyển 33) có chép rằng: trong năm Canh Tuất 1790, con vua Chăm ở Thuận Thành là Môn Lai Phu Tử đem liên thuộc và dân chúng theo Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Sau được phong chức chưởng cơ và lấy tên là Nguyễn Văn Chiêu. Nhưng sau đó ít lâu, Nguyễn Văn Chiêu phạm tội và bị cách chức. Có lẽ sau khi bị cách chức, Môn Lai Phu Tử dòng dõi phiên vương đã mang theo những người thân thuộc lên miền núi ở với đồng bào Churu. Vì vậy mới thấy các ấn tín, triều phục và đồ dùng bằng vàng bạc của phiên vương Nguyễn Văn Chiêu ở đền Sóp tại làng Sóp của người Churu.
Từ xa xưa, các bảo vật Chăm vẫn do con cháu các vua Chăm giữ. Nhưng khi Lê Văn Khôi nổi lên chống lại triều đình nhà Nguyễn vào năm 1831, chiếm cứ ba tỉnh Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết, một số đông con cháu của vua Chăm cộng tác với Lê Văn Khôi đã bị quân triều đình tàn sát. Một phần người Chăm phải di cư sang Chân Lạp (Campuchia ngày nay), còn một phần đã dẫn nhau lên núi sống với đồng bào Churu và mang theo các bảo vật của vua Chăm tổ tiên của họ. Đến năm 1840, vua Thiệu Trị mới ra chiếu chiêu an và truy phong cho một dòng dõi vua Chăm là Poklongkahul.
Tuy vậy con cháu vua Chăm vẫn gửi cho đồng bào Churu ở đây cất giữ những hộp Klon. Theo phong tục của người Chăm (đạo Bà La Môn), thi hài người chết được thiêu và chỉ giữ lại chín mảnh xương trán. Những mảnh xương này được để trong các hộp Klon.
__________
Kỳ tới: Hành trình về thăm hai ngôi đền cổ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận