07/02/2015 18:45 GMT+7

Khi những tay súng nước ngoài của IS mắc kẹt

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Hoang mang, vỡ mộng. Đó là tâm trạng của nhiều tay súng "thánh chiến Hồi giáo" đang cầm súng cho lực lượng Hồi giáo cực đoan tự xưng là "Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.

Ibrahim Doghri, một thành niên Tunisia ở khu dân cư lao động Mhamdiya, ngoại ô thủ đô Tunis, buồn bã lo cho số phận những người bạn đang chiến đấu cho IS ở Syria - Ảnh: AP 

Cuộc chiêu dụ thành công trên mạng xã hội 

Ghaith, một người Tunisia may mắn rời bỏ được IS với một vết sẹo do dao đâm trên cổ, nói với Hãng tin Mỹ AP (ngày 3-2-2015): "Nó không phải là một cuộc cách mạng hay thánh chiến chi hết. Nó là một kẻ thảm sát".

Phải công nhận IS làm công tác thông tin tuyên truyền, nói theo ngôn ngữ làm ăn là làm PR, quảng bá cho mình khá tốt khi biết khai thác thế mạnh của các mạng truyền thông xã hội.

Vào cuối tháng 12-2014, ước tính có 11.000 tay súng từ 74 nước đang cầm súng cho IS ở Iraq và Syria, trong đó có 2.800 người đến từ phương Tây, đông nhất là Pháp, Đức, Anh…

Làn sóng các công dân nước ngoài gia nhập IS tăng cao tới mức làm người ta phải kinh ngạc rồi sau đó lo sợ.

Rõ ràng IS có sức thu hút quá mạnh mẽ!

Báo International Business Times (5-9-2014) cho rằng động cơ khiến những người Hồi giáo nước ngoài tham gia IS cần phải được xem xét theo tâm lý học của khủng bố.

John Horgan, một nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học Massachusetts (Mỹ) có hơn 20 năm nghiên cứu về khủng bố, nói: “Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng chúng điên khùng. Với những gì bọn khủng bố làm, chúng ta cho rằng có thể giải thích bằng những thông tin bệnh lý của chúng. Nhưng quả sai lầm khi cố gắng giải thích chủ nghĩa khủng bố như một chứng bệnh tâm thần”.

Gia nhập IS để làm gì?

Bao năm qua, thế giới vẫn tồn tại trào lưu Hồi giáo nguyên gốc muốn áp dụng luật Hồi giáo gắn chặt với kinh Koran như hồi ban đầu của đạo này ở thế kỷ thứ 7 và không chấp nhận một tôn giáo nào khác.

Tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda và IS quả là “gãi đúng chỗ ngứa” của những người này.

Giáo sư Horgan cho biết nhiều tay súng nước ngoài nói mình gia nhập IS để “được thuộc về một cái gì đặc biệt”. IS giúp những người này thực hiện khát vọng xây dựng một vương quốc Hồi giáo và tiêu diệt những kẻ ngoại đạo.

Hồi tháng 8-2014, trong một cuộc phỏng vấn của Vice Media, nhiều trẻ em Iraq và Syria nói chúng muốn gia nhập IS để được giết hết “bọn tà giáo”.

Trong khi đó, báo Christian Science Monitor (10-9-2014) cho biết người Hồi giáo từ Mỹ và châu Âu gia nhập IS nói rằng không phải do mình quá yêu đạo Hồi, mà chủ yếu là muốn có được một sự đồng nhất xã hội mạnh mẽ. Chỉ có ở trong những tổ chức “thánh chiến” như vậy mới giúp những người này có được cảm nhận mình thật sự sống giữa xã hội Hồi giáo.

Giới học giả cho rằng khoảng 70% “chiến binh thánh chiến” hoạt động bên ngoài nước mình có lẽ là để trốn thoát một cuộc khủng hoảng cá nhân nào đó. Cuộc sống của những người này ở Mỹ và châu Âu thiếu một mục đích mạnh mẽ. Tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài, tỉ lệ thất nghiệp cao, những tệ nạn xã hội bị coi là tội lỗi theo giáo lý đạo Hồi, sự phân biệt đối xử và nghi kỵ của xã hội đối với người Hồi giáo - đặc biệt sau cuộc tấn công của khủng bố Hồi giáo vào nước Mỹ ngày 11-9-2001... tất cả khiến một số người Hồi giáo ở Mỹ và châu Âu căng thẳng và rơi vào khủng hoảng, bế tắc.

Còn ở Đông Nam Á, khi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trỗi dậy do IS truyền cảm hứng, hàng ngàn người Hồi giáo đã tìm cách sang Iraq và Syria trực tiếp tham gia thánh chiến. Người ta ước tính hiện có hơn 200 tay súng IS là người Indonesia, hơn 30 người Malaysia…

Barry Desker, giáo sư về chính sách Đông Nam Á tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), trong bài viết trên báo The Straits Times (21-1-2015) cảnh báo: Nhiều sinh viên đại học có đầu óc cực đoan và những người Indonesia trẻ tuổi thường la cà trên Internet cũng đã bị ảnh hưởng bởi các video và tin tức tuyên truyền do IS thực hiện và đưa lên các mạng xã hội.

Giáo sư Barry Desker giải thích rằng Hồi giáo ở Đông Nam Á vốn chịu ảnh hưởng bởi tín ngưỡng Sufi thần bí lai giữa Ấn giáo - Phật giáo và cách hành đạo theo thuyết vật linh (animist).

Nhưng gần đây, sức ảnh hưởng của các học thuyết Salafi đang ngày càng gia tăng. Các học thuyết này nhấn mạnh tới việc quay về các cách hành đạo của nhà tiên tri Mohammed và của Hồi giáo thời thế kỷ thứ 7 với luật Hồi giáo Sharia khắc nghiệt.

Chúng chống lại tất cả hình thức văn minh, cách tân.

Đó chính là những gì mà IS đang theo đuổi và kích động toàn thế giới Hồi giáo ủng hộ lực lượng Hồi giáo cực đoan, quá khích này.

Khi tay lỡ nhúng chàm

Vào thời gian đầu, khi IS đang nổi lên như diều gặp gió, liên tục chiến thắng trước các đơn vị quân đội đầy bất cập của Iraq và Syria, những phần tử Hồi giáo có đầu óc cực đoan từ nhiều nước kìn kìn vượt biên giới vào đầu quân cho IS để được trở thành "chiến binh thánh chiến" (jihadist). Nhưng cuộc vui chóng tàn. Liên minh chống IS (Anti-IS Alliance) do Mỹ tham gia chỉ huy gồm 60 nước đã ra đời hình thành một sức mạnh không chỉ đối đầu mà để tiêu diệt IS. Các lực lượng chống IS trên mặt đất được nước ngoài viện trợ, bao gồm trang bị vũ khí. Máy bay của liên minh liên tục ném bom, không kích các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria. Thiệt hại về con người và vật chất của IS tăng vọt tới mức nghiêm trọng.

Thời gian sau này, IS có chủ trương đẩy những tay súng nước ngoài, với lý do họ thiện chiến hơn, vào những mặt trận khốc liệt nhất. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy họ vào chỗ chết.

Trận chiến lớn mới nhất diễn ra tại thị trấn Kobane của Syria nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. IS đã đánh chiếm nhưng hôm 26-1-2015, lực lượng người Kurd tuyên bố đã tái chiếm được Kobane. Các nhà quan sát cho biết trong trận chiến khốc liệt kéo dài 6 tuần ở Kobane, số người chết các bên lên tới 1.800 người. Bị tổn thất nặng nhất là IS với gần 1.200 tay súng. Điều đáng nói hầu hết là những tay súng nước ngoài tới chiến đấu cho IS, trong đó có nhiều người Úc, Bỉ, Canada, Chechen,…

Cũng có tin cho biết IS đã hành quyết những tay súng nước ngoài nào từ chối vào chiến đấu tại thị trấn Kobane.

Tổ chức quan sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết bọn IS trong 6 tháng qua đã giết chết 120 chiến binh của chúng, hầu hết là người nước ngoài, về tội tìm cách trở về nhà. Hồi hạ tuần tháng 12-2014, báo Financial Times cho biết khoảng 100 tay súng nước ngoài đã bị IS hành quyết khi tìm cách bỏ trốn khỏi thành phố Raqqa, căn cứ đầu não của IS ở Syria. Có khoảng 400 tay súng tại thành phố Raqqa đã bị cảnh sát IS bắt giữ vì tội không báo cáo với đơn vị quản lý trong vòng 48 giờ để nhận giấy chứng nhận là thành viên IS. Tờ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (5-2-2015) đưa tin: 3 công dân Trung Quốc đang chiến đấu cho IS đã bị bọn này hành quyết ở Syria và Iraq khi tìm cách đào ngũ về nước. Cũng tờ báo này hồi tháng 12-2014 cho biết có khoảng 300 công dân Trung Quốc đã sang Syria qua ngõ Thổ Nhĩ Kỳ để cầm súng cho IS.

Trở về cũng phải trả giá

Có thể nói các tay súng nước ngoài của IS đang rơi vào tình thế bị mắc kẹt. Dù có trở về được quê nhà cũng bị nước mình coi là phần tử khủng bố. Hàng ngàn kẻ từng tham dự các lớp huấn luyện hay gia nhập IS trở về đang chịu sự giám sát hay phải ngồi tù ở Bắc Phi và châu Âu. Cho tới nay, Pháp đã bắt giam hơn 150 tay súng IS trở về nước. Có khoảng 3.000 người khác đang bị giám sát. Anh đã bắt giam 165 công dân trở lại. Trong tổng số 180 tay súng IS trở về quản lý được, nhà chức trách Đức đã phân lọc được khoảng 30 tên cực kỳ nguy hiểm. Tunisia đang giám sát 400 tay súng IS trở về.

Một quan chức an ninh hàng đầu của Pháp giấu tên nói với Hãng tin Mỹ AP rằng các tay súng trở về do vỡ mộng lẫn quá sợ hãi trước các chiến dịch ném bom ngày càng khốc liệt của liên minh chống IS. Thậm chí một số tay súng đã viết thư về nhà than rằng họ đang bị IS cầm giữ không thoát được.

Hamad Abdul-Rahman, một thanh niên Saudi Arabia 18 tuổi. Mùa hè 2014, cậu ta tới biên giới giáp Syria và được người của IS hộ tống tới trại huấn luyện ở Tabaqa (Syria). Mới đây, trong nhà tù ở Baghdad (Iraq) với tình cảnh phải mặc áo trùm đầu, bị cùm chân và còng tay, Abdul-Rahman kể với Hãng tin AP về những ngày đầu tiên gia nhập IS rằng: "Bọn chúng thu giữ tất cả giấy tờ của tôi và hỏi tôi muốn là một tay súng hay một kẻ đánh bom liều chết". Cậu ta đã chọn cầm súng chiến đấu. Chỉ vài tháng sau, vào đầu tháng 9-2014, Abdul-Rahman đã chạy ra đầu hàng binh lính Iraq.

Đau thương nhất là trường hợp của Youssef Akkari, một thanh niên Hồi giáo Tunisia sùng đạo. Người anh là Mehdi "DJ Costa" Akkari, một nghệ sĩ rap Tunisia, kể cho phóng viên Hãng tin AP nghe tình cảnh của em trai mình. Hằng ngày, Youssef ở trong phòng lắng nghe kinh kệ và đọc sách về Hồi giáo. Một ngày nọ, cậu ta biến mất và để lại cho gia đình tin nhắn mình sẽ vượt biên sang Syria. Khi sang tới nơi, vốn là một người cận thị nặng, Youssef bị mất cặp kính nên không thể chiến đấu. Bọn IS giao cho cậu ta tuyên truyền về thánh chiến cho các tân binh. Sau bảy tháng, Youssef lên kế hoạch trốn thoát cùng với hai người anh em. Hai người kia đã bị IS phát hiện và giết chết. Youssef thoát được, ra đầu hàng các tay súng người Kurd và trở về Tunisia. Tại đây, cậu ta bị mắc kẹt giữa việc giám sát khắc nghiệt của cảnh sát và nỗi sợ hãi bị IS trả thù. Cuối cùng, chịu không xiết, Youssef đã quay trở lại Syria và bị giết chết trong một cuộc không kích của liên minh chống IS hồi tháng 10-2014.

Một thanh niên Tunisia khác tên Ali đã trốn thoát được hồi mùa đông 2013. Sau khi gia nhập IS, anh ta được giao làm giao liên và đã thực hiện bốn chuyến đi về giữa Syria và Tunisia để lấy tin tức, vận chuyển tiền và những video tuyên truyền cho IS. Trong chuyến đi cuối cùng về Tunisia, Ali đã trốn ở lại.

Cho tới đầu tháng 2-2015, Ali vẫn phải sống trong sự sợ hãi và luôn cảnh giác. Ở ngoài nhà, anh ta chỉ dám nói nhỏ và vội vã di chuyển khi có ai lạ tới gần mình. "Tôi cảm thấy như thể mình là một tên khủng bố. Tôi bị sốc vì những điều mình đã làm" - Ali tâm sự. 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp