Chân dung ông Trần Tử Yến và Chân dung vợ ông Yến - Ảnh gia đình cung cấp |
Đó là nhờ vào những tư liệu lịch sử mà Pierre tìm được tại Văn khố quốc gia hải ngoại vùng Aix en Provence Pháp, đồng thời từ bản dịch kèm theo những ghi chú toàn bộ cuộc ghi hình phỏng vấn cựu tù Trần Tử Yến vài tháng trước khi ông mất của đạo diễn Geneviève Wiels.
Bị đuổi học, tham gia bắt cóc và đi đày
Trần Tử Yến lộ rõ tính phản kháng và quan tâm đến cách mạng từ khi còn nhỏ. Ngay từ năm học đầu tiên ở Trường Thành Chung bảo hộ (Trường Bưởi - nay là Trường Chu Văn An), ông đã tham gia một chi hội sinh viên do một người bạn học lập ra, các bạn chuyền tay nhau đọc các cuốn sách bàn về cách mạng.
Theo học Trường Bưởi được hai năm rưỡi thì ông bị đuổi học, theo lời ông kể:
“Rồi tôi cãi nhau với bà giáo Pháp, dạy môn đạo đức... Cùng với một người bạn ngồi bàn kế bên, chúng tôi hay đọc trộm tạp chí trong giờ học. Rồi bà giáo bắt quả tang, bà ấy nổi cáu lấy sách quật thẳng vào mặt bạn tôi. Tôi đứng lên và nói: “Thưa cô, cô không có quyền đối xử với học sinh như vậy”. Bà ấy chạy thẳng vào phòng ông hiệu trưởng...
Ông hiệu trưởng vào lớp hỏi chuyện gì xảy ra, tôi lại đứng lên và nói: “Thưa thầy hiệu trưởng, em xin hỏi thầy liệu một cô giáo có quyền hỗn hào với một học sinh hay không?”.
Ông hiệu trưởng nói là tôi đã thái quá. Sau vụ đó, hồ sơ của tôi được trình lên chánh sứ trưởng. Ông này muốn buộc tôi phải xin lỗi nhưng tôi từ chối. Thế là tôi bị đuổi học mà không có giấy tờ quyết định hay gì hết”.
Bị đuổi khỏi trường một thời gian, Yến tạm biệt gia đình để tham gia hoạt động đảng ở Hà Nội. Cùng với những đồng chí, ông đi đây đi đó và sau đó do muốn tránh nguy cơ bị lộ ở Hà Nội, Trần Tử Yến về Hải Phòng.
Ở Cayenne, vì tôi nói và viết tiếng Pháp tốt nên họ để tôi làm ở bộ phận nhân trắc học của trạm xá nhà tù. Tôi giúp bác sĩ hỏi, cân đo các đồng chí khác |
Trần Tử Yến |
Bước ngoặt cuộc đời xảy đến khi ông tham gia vụ bắt cóc một bác sĩ ở Hải Phòng. Vụ này được tường thuật trên tờ báo Đông-Pháp ra ngày thứ năm 1-5-1930 (số 1076, Thư viện quốc gia, Hà Nội) dưới cái tít “Tòa án đại hình xử vụ Trần Tử Yến mưu sát M. Tham Thiên Đường”.
Theo bài báo, Trần Tử Yến khai tại tòa rằng M. Tham Thiên Đường tham gia Đảng Cộng sản và đã nhận của đảng 8.000 đồng để làm công tác tuyên truyền nhưng rồi sau đó giữ làm của riêng, vì thế ông phải đòi lại. Ông đã giả vờ mời bác sĩ M.
Tham Thiên Đường đến khám bệnh, rồi cùng với người bạn trói giữ vị bác sĩ, buộc ông ký vào thư nhắn gửi gia đình mang 8.000 đồng đến chuộc mình về. Vị bác sĩ chạy thoát và hô hoán, Yến bị bắt và nhận hết tội về mình. Kết quả ông bị kết án khổ sai chung thân cho những tội danh như thay đổi chính phủ bảo hộ, xúi giục nhân dân phản đối quan chức...
Lúc đó Trần Tử Yến mới 17 tuổi. Ông bị đưa đi trên chuyến tàu Martinière, số hiệu tù của ông là 1016. Tàu khởi hành ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) ngày 17-5-1931, cập bến tại Cayenne (thủ phủ Guyane) ngày 30-6-1931 (theo nhà sử học Christèle Dedebant).
Người tù mang mật danh “Pax”
Đến Guyane, ông đã trao đổi thông tin bí mật với những người tù khác qua mật danh Pax - trong tiếng Latin có nghĩa là hòa bình.
“Ở Cayenne, vì tôi nói và viết tiếng Pháp tốt nên họ để tôi làm ở bộ phận nhân trắc học của trạm xá nhà tù. Tôi giúp bác sĩ hỏi, cân đo các đồng chí khác. Ở trạm xá có một tù nhân đày biệt xứ Pháp vừa vượt ngục bất thành.
Chính ông ấy là người bắt liên lạc với tôi dưới các biệt danh “L’hirondelle” (Chim Én) hoặc “Pax”. Chúng tôi bí mật trao đổi thư từ với nhau và ông ấy hứa sẽ thông tin cho các đồng chí khác ở Pháp để họ vận động làm thay đổi tình hình của chúng tôi.
Cảnh lao động của tù nhân ở các trại tù của đảo Guyane - Ảnh: Josiane Dupuis |
Việc liên lạc thư từ này đã bị gián đoạn và chẳng bao lâu sau Trần Tử Yến bị chuyển sang những trại tù khác nhau từ Cayenne cho đến những trại tù vô cùng hoang sơ và hẻo lánh như Crique Anguille, sau đó là Saut Tigre. Nhiều người tù Việt đã chết ở Saut Tigre vì sốt rét và kiết lỵ.
Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Năm 1944, ngày 4-5, tướng De Gaulle đã ra quyết định bãi bỏ toàn bộ hệ thống lao tù thuộc địa, trả tự do cho các tù nhân (theo nhà sử học Christèle Dedebant). Trần Tử Yến lúc đó đang làm công việc bảo dưỡng động cơ thuyền cho một bác sĩ, hoàn toàn không biết mình được tự do.
Vị bác sĩ tạm biệt ông để đi đoàn tụ cùng gia đình mà không nói cho ông biết điều gì đã xảy ra, còn ông ở lại trong lán, sống bằng mảnh vườn nhỏ, nuôi gà và chim bồ câu. Mãi sau khi có người rủ ông về Cayenne ông mới được biết rằng mình không còn là tù nhân nữa.
Chuyện tình lãng mạn
Tuy vậy do khó khăn, lại không có gia đình, ông rời Cayenne quay về vùng rừng gần trại giam Saut Tigre để chăn nuôi, làm vườn, bán rau và lập ra công trường khai thác vàng cùng một số người Việt Nam và cư dân địa phương.
Và cũng tại đây, ông đã gặp một người phụ nữ bản xứ đã khiến ông ở lại Guyane cho đến cuối đời. Câu chuyện tình của ông diễn ra hết sức lãng mạn và phóng khoáng.
Ông kể: “Một hôm có một lễ hội làng, tôi để ý thấy Eugénie tóc tai chải rất đẹp, mặc một chiếc váy cũng rất đẹp. Tôi đứng lên nói với cô ấy: “Hôm nay cô xinh đẹp quá!”. 10g tôi về nhà... đã thấy cô ấy trên giường, cô ấy bảo tôi: “Lại đây với em”.
Một năm sau khi đang ở Caynne, ông nhận được tin Eugénie sinh một đứa con gái. Năm tháng qua đi, họ cùng nhau nuôi dạy 12 người con. Ông nhập quốc tịch Pháp và Guyane trở thành quê hương thứ hai của ông. Ông mất tại Guyanne bên con cháu mình, hưởng thọ 92 tuổi.
Những người con của ông Trần Tử Yến sinh sống ở nhiều nước nhưng họ vẫn giữ liên hệ khá thân thiết với gia đình của Trần Tử Yến ở Việt Nam. William Tran Tu Yen - cháu nội - đến thăm Việt Nam lần này là lần thứ tư. Con gái của Trần Tử Yến là bà Josette cũng đã đến Việt Nam nhiều lần.
Ánh trăng thương nhớ Trong chuyến đến Việt Nam lần này, Pierre Michelon cùng William Tran Tu Yen đã đi gặp và phỏng vấn những người thân trong gia đình: em trai út của Trần Tử Yến tên là Trần Tử Yên hiện sống tại Lào Cai, rồi một số người bà con ở Hà Nội, TP.HCM. Pierre cũng đã về quê tại Ninh Bình để ghi hình mặt trăng đêm rằm, cả những giọt mưa nhỏ xuống từ mái tranh - những hình ảnh nên thơ gợi cảm xúc nhớ quê hương mà Trần Tử Yến đã bộc lộ trong những bức thư gửi về cho gia đình mình ở Việt Nam. |
>>Kỳ trước:
>> Kỳ tới: Bút tích những người tù vô danh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận