29/05/2022 11:22 GMT+7

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 4: Mua áo vua ở biên giới

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Nhiều chiếc áo rất quý của hoàng đế, hoàng thái hậu và các bậc quan lại thời Nguyễn, thật lạ lùng, được sưu tầm từ vùng đồng bào dân tộc ven dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Trị, và cả trên đất Lào...

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 4: Mua áo vua ở biên giới - Ảnh 1.

Chiếc hoàng bào sưu tầm từ Lào được triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tháng 12-2016 - Ảnh: THÁI LỘC

Áo quan nhị phẩm của bà "vợ thím"

"Mình chuẩn bị lên Hướng Hóa mua áo quan nhị phẩm, bạn rảnh đi cùng cho vui!" - lời nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng làm tôi như "bắt phải vàng" vì được dịp chứng kiến những chuyện kỳ lạ.

Hôm đó 18-3-2015, vào đến xã Thuận thuộc huyện Hướng Hóa, chúng tôi tìm nhà bà Pỉ Ưng, người Vân Kiều, sống trong ngôi nhà sàn cũ kỹ cách dòng Sê Pôn, một phụ lưu sông Mê Kông - cũng là biên giới Việt - Lào mấy chục bước chân. Bà Pỉ Ưng khoảng 70 tuổi, đang ngồi bậc cửa bỏm bẻm nhai trầu. 

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 4: Mua áo vua ở biên giới - Ảnh 2.

Chiếc hoàng bào sưu tầm từ mường Xà Muồi, tỉnh Xalavan, Lào, nay thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM. Ảnh: THÁI LỘC

Anh Hoàng hỏi về chiếc áo quý của bà mà anh từng trả giá. "Mấy chú hỏi chi thì chờ thằng "chồng cháu" về mà hỏi. Tui không biết mô!" - bà Pỉ Ưng trả lời. Chờ đến giữa chiều, bà chỉ tay về người thanh niên vừa lùa bò vào cổng đang nhoẻn miệng cười: "Chồng cháu đó, cần chi thì cứ hỏi hắn!".

"Chồng cháu" tên Hồ Thôi, trong luật tục "nối dây" của người thiểu số Vân Kiều khi người chồng hay vợ chết đi, gia đình người chết bàn bạc, chọn một người thân để "nối dây" duy trì cuộc hôn nhân ấy. 

Năm 1995, người chú qua đời, gia đình chọn Hồ Thôi, lúc ấy 20 tuổi, làm "chồng cháu", kém "vợ thím" chừng 25 tuổi. Sau một hồi nói với nhau bằng tiếng Vân Kiều, "vợ thím" vào trong lấy cái gùi mây và lôi chiếc áo quý ra. 

Đó là chiếc mãng bào của quan nhị phẩm triều Nguyễn, còn nguyên vẹn, tuyệt đẹp. Theo bà Pỉ Ưng, chiếc áo do người chồng quá cố để lại cho bà. Mấy chục năm trước đó, chồng bà thừa hưởng từ người bố. Xưa hơn nữa thì bà... lắc đầu.

Chiếc áo quý được anh Nguyễn Hữu Hoàng hỏi mua từ nhiều năm trước, giai đoạn anh "ăn dầm ở dề" tại vùng biên giới này để săn lùng cổ vật. Hồi đó, anh gần như biết rõ nhà nào đang giữ vật quý gì nhờ sự hỗ trợ thông tin của thanh niên địa phương. 

Đến đầu 2015, tình cảnh gia đình họ thiếu thốn, nhà cửa dột nát, con cái của bà với người chồng trước cũng đều khốn khó. Bà bàn với "chồng cháu" bán vật gia bảo truyền đời do người chồng để lại để chia chác cho con cái, người thân và sửa chữa nhà cửa...

Khu vực người thiểu số miền núi của tỉnh Quảng Trị chính là khu vực tôi sưu tầm được nhiều cổ vật quý hiếm nhất. Tôi cũng thường gặp cảnh hết sức bất ngờ: có những gia đình, nhà cửa tuềnh toàng, nghèo khó nhưng lại sở hữu những món đồ ngự dụng hết sức đặc biệt, vô cùng quý hiếm...

Nhà sưu tầm cổ vật NGUYỄN HỮU HOÀNG

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 4: Mua áo vua ở biên giới - Ảnh 4.

Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng mua áo quan nhị phẩm của bà Pỉ Ưng tại xã Hướng Hóa, Quảng Trị năm 2015 - Ảnh: THÁI LỘC

Hoàng bào hồi hương

Ngày 21-12-2016, triển lãm Vàng son nhung gấm khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước bởi sự có mặt của chiếc áo vua. Hiện vật quý giá đặc biệt ấy cũng do nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng mua được trên đất Lào và nhượng lại cho bảo tàng. 

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 4: Mua áo vua ở biên giới - Ảnh 5.

Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng và chiếc hoàng bào sưu tầm được từ Xalavan, Lào năm 2007 - Ảnh: THÁI LỘC

Trước đó, mùa đông năm 2007, tôi cũng được anh Hoàng mời lên Hướng Hóa để đón áo quý. Lúc ấy trời chập choạng, mù sương, lạnh cóng, anh cùng hai thanh niên cũng vừa mang áo từ đất Lào vượt biên giới về nước. 

Đó là Ăm Pa Long và A Viết Vèng ở xã A Xinh, huyện Hướng Hóa - hai "chân rết" đắc lực săn cổ vật cho anh ở vùng biên giới Việt - Lào này. Ba người lúc ấy vô cùng hớn hở vì sau mấy năm trời "đánh vật" mới mua được vật quý mang về.

Chiếc áo được mua của "vỗ Hiền" ở mường Xà Muồi thuộc tỉnh Xalavan, Lào, cách biên giới mấy chục cây số đường rừng. Việc mua áo cũng mất mấy năm với bao chuyện "trần ai", bởi lý do "hắn là vật thiêng, lỡ hắn ra khỏi nhà, mình chết thì sao!". 

Ngay cả xem áo cũng phải cúng con heo và hương hoa (đưa đủ tiền để... cúng sau) mới được cho xem. Tận mắt chứng kiến, tin chắc là áo hoàng đế Việt Nam, anh Hoàng lên kế hoạch quyết tâm mua cho bằng được. Chiến dịch "mưa dầm thấm lâu" cuối cùng cũng làm "vỗ Hiền" thuận lòng với một cái giá cao chất ngất.

Áo quý nguyên vẹn, dài 103cm, rộng 148cm, phần gấu rộng 85cm, cổ tay 10,5cm... được làm bằng vải sa đoạn sắc vàng, các đường diềm được may bằng chỉ bạc. 

Mặt trước và sau gần như giống nhau với những mảng thêu viên long (rồng năm móng cuộn tròn đường kính 16cm) xen kẽ với bát bửu, các loại hoa văn, dơi (tượng trưng cho "phúc"), chữ "thọ", phần dưới tà áo với lớp hoa văn theo kiểu "thủy ba sóng dợn"...

Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao phỏng đoán áo của một vị hoàng đế triều Nguyễn khoảng sau thời Tự Đức. Căn cứ kích cỡ với độ tuổi khoảng 13, 14, ông Cao nhận định có khả năng phù hợp với tuổi các vị vua Nguyễn như Kiến Phúc, Hàm Nghi lúc ở ngôi. 

Còn TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, cho rằng chiếc áo có niên đại thời Khải Định (1916-1925)...

"Báu vật trên núi"

Chiếc áo vua được kể do người ông của "vỗ Hiền" đổi được từ gia đình một người Việt ở tỉnh Quảng Trị. Thời trước, người dân các bộ tộc Lào thường đem ngà voi, nhung hươu, trầm hương, các loại gỗ quý... vượt biên sang các tỉnh miền Trung để trao đổi các đồ vật quý hiếm. 

Lúc ấy, người ông của "vỗ Hiền" chợt bắt gặp chiếc áo trong một gia đình ở xứ Cùa (Cam Lộ, Quảng Trị), sau một hồi thuyết phục đã đồng ý đổi áo lấy năm con trâu mộng cùng một số vật dụng đủ để chia cho năm người con trai...

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 4: Mua áo vua ở biên giới - Ảnh 6.

Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng trong một lần sưu tầm áo quan triều Nguyễn tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: THÁI LỘC

Trên đất Lào, áo trở thành "bảo bối" đặc biệt quý giá, chỉ được thỉnh ra vào các dịp lễ tết, trọng hỉ, lễ cúng lúa mới, cầu mùa hay sinh nở, cưới dâu... Những lần có chuyện xui xẻo, mất mùa, thất bát, áo cũng được thỉnh ra để cầu khấn. 

Những lúc đó, áo được đặt trên mâm đồng ba chân nằm trên một cái bàn cao, bên cạnh cỗ gà hoặc heo và các hoa quả phẩm. Không chỉ nội bộ gia đình, người dân trong khu vực lân cận cũng đến hành lễ mỗi lần áo được thỉnh ra vì xem đây là một trong những vật quý và thiêng trong bản làng...

Tại khu vực biên giới Việt - Lào đoạn tỉnh Quảng Trị được anh Nguyễn Hữu Hoàng sưu tầm hàng chục chiếc áo quý thông qua các "chân rết" như Ăm Pa Long và A Viết Vèng... Hầu hết bộ sưu tập 41 trang phục cổ quý nhượng cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đều được anh sưu tầm trong các nhà dân người thiểu số khu vực này suốt cả chục năm trời. 

Đồng thời cũng khu vực này, anh Hoàng sưu tầm được rất nhiều cổ vật ngự dụng, đặc biệt là đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời các vua Nguyễn vô cùng quý giá.

Giải thích hiện tượng "báu vật trên núi", nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn cho rằng các mường thuộc Cửu Châu ky mi khu vực vùng núi phía tây tỉnh Quảng Trị có sự ràng buộc nhất định, có mối liên hệ khá chặt chẽ với triều đình nhà Nguyễn. Các tù trưởng mỗi lần "về kinh" tiến cống đều được triều đình ban cấp các vật phẩm quý.

Trong lịch sử, các mường này từng tham gia vào mạng lưới buôn bán xuôi - ngược rất mạnh. Họ thường đem lâm thổ sản về miền xuôi để đổi những vật phẩm mà họ không làm ra được. Khác với người miền xuôi, chuẩn giàu có của người miền thượng là có nhiều vật quý như chiêng, ché, nồi đồng, mã não... "

Đặc biệt, đây cũng là khu vực vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng hoạt động trong quá trình bôn tẩu, không ngoại trừ rơi rớt nhiều đồ vật cung đình có giá trị" - nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn nói.

***************

Toàn bộ lô nữ trang của hoàng thái hậu Từ Dũ bị tòa xử nấu chảy thành "vàng ký". Mỗi viên báu đính kèm trên đó được hóa giá bằng... một chai bia!

>> Kỳ tới: Nữ trang hoàng thái hậu Từ Dũ bị nấu chảy

Chiếc mũ 16 tỉ và chuyện hồi hương cổ vật Việt Chiếc mũ 16 tỉ và chuyện hồi hương cổ vật Việt

TTO - "Ước gì chiếc mũ đấu giá cực cao vừa rồi và nhiều cổ vật Việt khác do người nước ngoài trúng đấu giá; vào tay những bảo tàng, những nhà sưu tầm càng nổi tiếng càng tốt".

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp