Ông Dominic Scriven, trưởng nhóm công tác thị trường vốn của VBF - Ảnh: H.H.
Ông Dominic Scriven, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), cho biết tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), do Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức tại Hà Nội ngày 21-2.
Theo ông Dominic Scriven, chỉ tính riêng trong năm 2021, giá trị giao dịch hằng ngày của thị trường đã tăng 3,6 lần, đạt 24.700 tỉ đồng đối với thị trường chứng khoán và 11.000 tỉ đồng đối với thị trường nợ.
Tổng vốn huy động qua thị trường chứng khoán và thị trường nợ ước tính đạt 670.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 45% tổng dư nợ tăng thêm trong năm 2021.
Chỉ trong 10 năm qua, số lượng công ty niêm yết có định giá thị trường trên 1 tỉ USD tăng từ 5 lên 62 công ty.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có tỉ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới, vượt cả các thị trường như Mỹ, Nhật Bản.
Trong vai trò trưởng nhóm công tác thị trường vốn của VBF, ông Dominic Scriven đánh giá thị trường vốn có sự phát triển thành công vượt bậc, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán khoảng 7.750.000 tỉ đồng, chiếm 95,6% GDP, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2025.
Tổng quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ là 1.500.000 tỉ đồng, và lãi suất trái phiếu Chính phủ ở một vài kỳ hạn còn thấp hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Ông Dominic Scriven tin tưởng thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Để phát huy tối đa vai trò thị trường vốn, theo ông Dominic Scriven khuyến nghị cần có sự hợp tác chặt chẽ và liên thông giữa các bộ, ngành trong Chính phủ như Ngân hàng Nhà nước, các bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và cơ sở hạ tầng mềm cho thị trường vốn.
Bảo vệ niềm tin của nhà đầu tư thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thỏa đáng các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
Thể chế hóa và đa dạng hóa đối tượng tham gia thị trường vốn, bao gồm các định chế tài chính lớn, mở rộng các giao dịch mà họ có thể thực hiện. Hiện nay thị trường vốn Việt Nam đang bị giới hạn khi thị trường nợ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân. Cần khuyến khích sự tham gia của các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm, và các tổ chức đầu tư.
Bên cạnh đó, cần thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn Việt Nam, trước mắt nên đẩy nhanh việc biến TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực, để cạnh tranh với Hong Kong, Singapore, và khuyến khích phát triển công nghệ tài chính (fintech) và tạo ra cơ chế hỗ trợ vốn khởi nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cam kết sẽ tăng công cụ để bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nhằm thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận