Một phụ nữ hối hả đến phiên giao dịch việc làm dành cho những người mới tốt nghiệp tại Tokyo, Nhật Bản hồi tháng 3-2016 - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters ngày 19-4, theo số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3-2015, tổng cộng đã có 1.456 trường hợp yêu cầu bồi thường liên quan tới “karoshi”.
Những lĩnh vực có nhiều trường hợp đòi bồi thường nhất là y tế, dịch vụ xã hội, giao thông vận tải và xây dựng. Đây đều là những ngành nghề luôn trong tình trạng thiếu nhân lực mãn tính.
Dù nhu cầu lao động và đầu việc trung bình tại Nhật Bản đang ở mức cao nhất kể từ năm 1991 (1,28 việc/đơn xin việc), việc thực thi lỏng lẻo luật lao động đã tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp ép việc nhân viên, đôi khi dẫn tới những hậu quả bi thảm.
Ông Hiroshi Kawahito, tổng thư ký của Hội luật gia bảo vệ những nạn nhân karoshi, khẳng định con số thực tế có lẽ còn gấp 10 lần như thế nhưng chính phủ không muốn thừa nhận.
Ông Kawahito cho biết: “Chính phủ tổ chức rất nhiều hội nghị hội thảo chuyên đề và dán apphich rộng rãi về vấn đề này nhưng chủ yếu chỉ là tuyên truyền. Vấn đề thật sự ở đây là phải giảm giờ làm việc trong khi những gì chính phủ làm chưa đủ để giải quyết chuyện này”.
Theo Reuters, Nhật Bản không có quy định pháp lý nào về giới hạn giờ làm việc. Tuy nhiên, Bộ Lao động nước này công nhận có hai dạng “karoshi” là tử vong vì tim mạch do làm việc quá sức và tự tử vì công việc căng thẳng.
Một trường hợp chết vì tim mạch được xem là “karoshi” khi một người làm việc tăng ca quá 100 giờ/tháng hay 80 giờ trong hai tháng liên tiếp. Trong khi đó, một trường hợp tự tử sẽ “hội đủ điều kiện trở thành karoshi” khi người đó làm việc tăng ca quá 160 giờ/tháng hay hơn 100 giờ trong suốt ba tháng liên tục.
Số liệu từ Bộ Lao động Nhật Bản cũng cho biết tỉ lệ tự tử liên quan đến công việc trong độ tuổi dưới 29 đã tăng 45% trong bốn năm vừa qua, trong đó phụ nữ tăng 39%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận