03/02/2017 11:01 GMT+7

Số lượng giảm mạnh, hoa tết vẫn ế ẩm, vì sao?

TRẦN MẠNH - MAI VINH
TRẦN MẠNH - MAI VINH

TTO - Dù số lượng hoa tết giảm mạnh do thời tiết bất thường, nhưng nhiều nhà vườn trồng hoa và thương lái vẫn ngậm ngùi đổ bỏ hoa vào cuối phiên chợ tết vừa qua. Vì sao?

Hoa đào tết bày bán tại công viên Gia Định, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN
Hoa đào tết bày bán tại công viên Gia Định, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN

Theo các chuyên gia, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, hoa tết luôn ở trong tình trạng dội chợ vì người trồng vẫn làm theo kiểu tù mù, dồn sức cho một số loại hoa tết trong khi nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi.

Trồng hoa theo kiểu “may nhờ rủi chịu”

Đến cuối ngày 30 tết vừa qua, anh Trần Văn Quyền (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thuê xe chuyển những chậu mai kiểng còn lại về vườn để chăm sóc tiếp, chờ mùa hoa tết năm sau.

Cũng như mọi năm, trước tết gần một tháng, anh Quyền đem gần 300 gốc mai đạt yêu cầu ra bày dọc đường Kha Vạn Cân để bán, không quan tâm đến chuyện cung hay cầu thị trường.

“Bán được thì tốt, không bán được lại mang về dưỡng mai, sang năm bán tiếp” - anh Quyền nói.

Tuy nhiên, với những nông dân ở các tỉnh đưa hoa kiểng tết đến tiêu thụ tại TP.HCM, nếu hoa kiểng không bán được hết vào ngày 30 tết đều phải đem đổ bỏ, nhất là các loại kiểng dùng một lần như tắc, cúc..., bởi chi phí tiền công chở về quá cao.

Hiện tượng đập bỏ những cành đào vào ngày đóng cửa chợ hoa tết vừa qua là một ví dụ.

Theo TS Võ Mai - phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, trong khi những loại hoa cắt cành hay hoa chậu như lan, ly vẫn tiêu thụ tốt do được trồng theo đơn đặt hàng, các loại hoa phổ biến và được trồng đại trà như cúc, mai, đào hay các loại hoa nền... hầu như mùa tết năm nào cũng diễn ra cảnh bán tống bán tháo, thậm chí đổ bỏ vào cuối phiên chợ hoa tết.

2 giờ sáng mùng Một Tết Đinh Dậu, hàng chục chậu tắc ế của một điểm bán vẫn còn nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quận Bình Thạnh - Ảnh: T.L

“Bao nhiêu năm nay người dân trồng hoa cũng như nhiều loại nông sản khác vẫn sản xuất theo kiểu may nhờ rủi chịu. Năm nào cung ít cầu nhiều thì giá cao có lời, gặp phải năm cung nhiều thì đành bán rẻ như cho” - bà Mai nói.

Trong khi đó, thói quen ăn tết của người dân thành phố cũng thay đổi, dành những ngày nghỉ tết để đi du lịch xa đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ hoa tết những năm gần đây.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Q.3) cho biết những năm trước, ngoài những loại hoa như cúc hay vạn thọ..., gia đình chị cũng mua một chậu mai hoặc đào về chơi tết.

Tuy nhiên, từ chiều 30 tết vừa qua, cả gia đình chị đã rời khỏi thành phố để đi chơi tết tại vịnh Hạ Long và các tỉnh phía Bắc đến mùng 5 mới quay về TP.HCM. Do đó, năm nay gia đình chị chỉ mua một chậu địa lan để trong phòng khách vì để được cả tháng sau tết.

Phải sản xuất theo nhu cầu thị trường

Theo ông Phạm Anh Dũng - chủ tịch Hội sinh vật cảnh Củ Chi, trong những năm gần đây, nhiều người dân chủ yếu mua các loại hoa lan và hoa cắt cành về chưng tết, thay vì đầu tư nhiều triệu đồng để mua một chậu mai chỉ chơi trong mấy ngày tết.

“Trong khi trồng mai phụ thuộc nhiều vào thời tiết và chỉ tiêu thụ được trong những ngày tết, việc đầu tư trồng lan ít rủi ro hơn, lại bán được quanh năm, chưa kể nhu cầu tiêu thụ loại hoa này không những không giảm mà thường tăng mạnh vào những ngày lễ tết. Mỗi năm TP.HCM vẫn phải nhập hàng trăm ngàn cành hoa lan từ Thái Lan về mới đủ nhu cầu” - ông Dũng cho hay.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng thừa nhận tết không phải là dịp khan hàng, tăng giá như trước, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Đồng giá 80K lời chào mời dễ thương ngày cuối cùng của năm cũ nhưng hoa vẫn còn y nguyên - Ảnh: Trần Mai
"Đồng giá 80K" lời chào mời dễ thương tại chợ hoa ở Quảng Ngãi trong ngày giao thừa nhưng hoa vẫn còn y nguyên - Ảnh: Trần Mai

Thực tế cũng cho thấy hầu hết các hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ thường đua nhau khuyến mãi, giảm giá để kích cầu nhằm kéo người mua, thị trường không còn cảnh khan hàng và tăng giá trong dịp tết. Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng chuẩn bị hàng hóa tết trước đó cả nửa năm, hàng hóa luôn trong tình trạng dồi dào.

“Nhà kinh doanh hiện lo không bán hết hàng đã chuẩn bị, chứ không còn cảnh người mua lo hết hàng cuối năm như trước nữa” - một chuyên gia nói.

TS Võ Mai cũng cho rằng thay vì tập trung sản xuất thật nhiều hàng hóa vào dịp cuối năm, nông dân cần xây dựng thương hiệu và sản xuất theo nhu cầu của thị trường và giảm giá nhiều vào dịp cuối năm để kích thích bán hàng. Nông dân trồng hoa cũng không phải là ngoại lệ.

“Khắp các chợ hoa tết ở TP.HCM đều bán những chủng loại hoa như nhau: cúc, mai, đào, tắc kiểng..., trong khi xu hướng chơi hoa tết của người dân thành phố đã thay đổi nên chuyện phải đổ bỏ hoa ế trong phiên chợ chiều hoa tết là khó tránh khỏi. Nếu không thay đổi, nông dân trồng hoa lại gặp khó khăn trong vụ hoa tết năm tới” - bà Mai khuyến cáo.

Cũng theo bà Mai, các nhà hoạch định chính sách và quản lý nông nghiệp, thị trường cũng có lỗi trong việc để xảy ra hiện tượng hoa tết ế ẩm phải đổ bỏ.

Trong khi nông dân thiếu thông tin, lẽ ra cơ quan nhà nước phải có những khảo sát thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng hoa trong dịp tết của người dân để khuyến cáo, thông tin cho các địa phương chuyển tải cho nông dân, thay vì để nông dân sản xuất tù mù như những năm qua.

[poll width="400px" height="256px"]258[/poll]

Trồng theo đơn đặt hàng, người trồng hoa Đà Lạt thắng lớn

Ông Phan Thanh Sang, phó chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, khẳng định toàn bộ hoa phục vụ thị trường tết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương và Đức Trọng) đã xuất bán gần như hết sạch trong những ngày cận tết.

Theo ông Sang, ngoài lý do nguồn cung giảm do tác động của thời tiết, năm nay đa số nông dân trồng hoa tết tại Đà Lạt đều sản xuất theo đặt hàng của các vựa hoa, thương lái ở các địa phương khác.

Nhiều người trồng hoa cũng không tập trung cho hoa cắt cành mà đầu tư thêm cho hoa chậu như hoa ly ly, cẩm tú cầu, thu hải đường, oải hương...

“Nhờ sản phẩm hoa đa dạng, người mua có nhiều lựa chọn, giá hoa phù hợp nhu cầu từng phân khúc thị trường nên sản xuất bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và bán hết trước ngày đóng cửa vườn và ngày 27 tháng chạp” - ông Sang nói.

Ông Hồ Ngọc Dinh (nông dân làng hoa Thái Phiên, TP Đà Lạt) cũng cho biết hoa tết Đà Lạt tiêu thụ tốt do nông dân chủ động liên kết với thương lái, vựa hoa. Nông dân xác định mức giá ngay đầu vụ, sau đó thỏa thuận hợp tác để ràng buộc trách nhiệm bên chủ vườn và người mua.

Do đó hoa xuất bán ngay từ đầu vụ, những ngày cận tết chỉ thu hoạch, hoạt động mua bán không ồn ã như mọi năm.

TRẦN MẠNH - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp