Theo báo cáo từ tổ chức phi chính phủ Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), trong năm 2023, các quốc gia sở hữu đầu đạn hạt nhân (cả chính thức và không chính thức) đang có tới 9.576 đầu đạn loại này trong kho vũ khí, tăng từ 9.440 của năm ngoái.
Tám cường quốc hạt nhân chính thức là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không chính thức là các nước có thể đã có vũ khí hạt nhân nhưng chưa được công nhận, được cho là bao gồm Israel.
Báo cáo của NPA nhận định số vũ khí nói trên có sức hủy diệt tương đương với "hơn 135.000 quả bom ném xuống Hiroshima".
Cũng theo NPA, 136 đầu đạn tăng thêm được cho là của Nga, quốc gia có kho vũ khí lớn nhất thế giới với 5.889 đầu đạn sẵn sàng sử dụng, cũng như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan.
Số liệu được công bố trong bối cảnh Matxcơva liên tục cảnh báo về khả năng dùng vũ khí hạt nhân liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngày 25-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã nhất trí với người đồng cấp Lukashenko để triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, quốc gia nằm ngay cửa ngõ vào Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 29-3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Matxcơva đã ngừng thông báo cho Mỹ về các hoạt động hạt nhân, bao gồm cả các vụ phóng thử, sau khi nước này rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí New START vào tháng trước.
"Tất cả các thông báo, tất cả các hình thức thông báo, tất cả trao đổi dữ liệu, tất cả các hoạt động kiểm tra, nói chung là tất cả các loại công việc theo hiệp ước đều bị đình chỉ", Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Ryabkov.
Trong khi đó, ngày 28-3, Triều Tiên công bố những tiến bộ trong việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi tăng cường kho vũ khí hạt nhân để có thể sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào.
Trong vài năm qua, Triều Tiên được cho là đã tập trung vào công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tương thích với nhiều loại tên lửa khác nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận