Ngày 14-4, Hội Chống động kinh Việt Nam phối hợp cùng khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề “Thách thức và giải pháp trong điều trị động kinh hiện nay”.
Đây là hội nghị nhằm hưởng ứng tháng hành động vì bệnh nhân động kinh với sự tham gia báo cáo của các chuyên gia về bệnh động kinh khắp cả nước và các khách mời quốc tế.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ThS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - chủ nhiệm khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 - cho biết đối với nhóm bệnh cần phải nhập viện điều trị thì số lượng bệnh nhân động kinh đứng thứ 2 sau nhóm bệnh đột quỵ.
Nếu như một ngày có khoảng 50 bệnh nhân đột quỵ vào bệnh viện thì cũng có tầm khoảng 20-30 người bệnh động kinh vào điều trị.
Theo bác sĩ Nghĩa, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nào về bệnh động kinh cho thấy chúng ta thật sự chưa có sự quan tâm thích đáng đến căn bệnh nguy hiểm này.
Động kinh là một bệnh lý thần kinh thường gặp và khá phổ biến. Theo phân loại mới nhất của Liên đoàn Chống động kinh quốc tế, động kinh gồm 3 loại chính gồm động kinh toàn thể, động kinh cục bộ, và động kinh không xác định.
Tùy vào các khu vực não chịu ảnh hưởng, các biểu hiện khác nhau của động kinh từ dễ đến khó nhận biết, từ đó gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh lý này.
Thách thức thứ 2 theo các chuyên gia là phương pháp điều trị thường dùng nhất là thuốc nhưng hiện có khoảng 30% bệnh nhân được chẩn đoán đáp ứng kém với thuốc, kháng thuốc trong khi số lượng thuốc Việt Nam hiện có còn hạn chế.
Bác sĩ Nghĩa cho biết hiện nay có rất nhiều thách thức trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh, đặc biệt là từ nhận thức của người dân.
Ngoài ra, việc thiếu đồng bộ trong việc chẩn đoán và xử lý ban đầu cũng là thách thức cho việc điều trị.
Do đó tại hội nghị lần này sẽ giúp các bác sĩ ở tuyến cơ sở tiếp cận đúng, biết cách phân loại bệnh động kinh. Quan trọng nhất là biết sử dụng điện não đồ để giúp ích cho việc chẩn đoán.
Đối với trường hợp các ca bệnh khó phải gửi ngay đến các trung tâm chuyên sâu để có các phương pháp điều trị kịp thời. Trong đó có phương pháp phẫu thuật động kinh - đây là xu thế trên thế giới đã rất phát triển, nhưng ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, rất ít trung tâm có thể triển khai phẫu thuật.
Một điểm cần lưu ý khi nhắc đến động kinh, người ta thường nghĩ ngay đến “co giật” và sẽ dễ bị nhầm lẫn với bệnh tâm thần, từ đó có những quan điểm khó chữa trị, không chữa được bệnh.
Bên cạnh biểu hiện đặc trưng là co giật, động kinh còn rất nhiều biểu hiện khác, đôi khi còn có trạng thái không co giật, thẫn thờ, rối loạn hành vi, tăng động, la hét hoảng loạn...
Bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh khi người bệnh có các biểu hiện co giật, hoặc các hành động bất thường, rối loạn, không tự chủ thì phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán kịp thời và có biện pháp điều trị phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận