Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM khảo sát tại Sở Giao thông vận tải TP.HCM - Ảnh: TUYẾT MAI
Theo ông Khánh, khoản 2, điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm, hoặc cố tình trốn tránh, hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản, biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.
Tuy nhiên, đặc thù của lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải hoạt động liên tục trong 24 giờ, còn chính quyền địa phương chỉ hoạt động trong giờ hành chính, gây khó khăn trong công tác lập biên bản vi phạm hành chính.
Ông Khánh cho rằng Luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay đang quy định xử phạt theo cách thủ công. "TP.HCM cần đẩy mạnh xử lý vi phạm qua hình ảnh. Có hình ảnh làm chứng cứ rồi, chúng ta còn cần phải lập biên bản?" - ông Khánh đặt vấn đề.
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP cho rằng hiện nay xử phạt nguội là công tác hữu hiệu nhất để nâng cao tính tự giác chấp hành luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông. Vì vậy, trong công tác xây dựng, sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính cần luật hóa việc xử phạt nguội, nhằm nâng cao hơn tính pháp lý, và tạo sự đồng bộ trong công tác phối hợp giữa các ngành.
Ông Trần Quốc Khánh - chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - Ảnh: TUYẾT MAI
Tại buổi khảo sát, đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết, theo quy định, trường hợp người vi phạm không đến nhận phương tiện mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm thì được thanh lý để sung công quỹ.
Song quá trình xử lý thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu. "Do không có kho, bãi tạm giữ phương tiện vi phạm, Thanh tra sở phải thương lượng với các bãi xe của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ trông, giữ xe. Việc này cũng gặp nhiều khó khăn", đại diện Sở Giao thông vận tải TP nêu.
Làm sao phòng ngừa tiêu cực?
Trả lời ý kiến của đại biểu về việc làm thế nào để phòng ngừa tiêu cực trong việc xử lý vi phạm, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết thời gian qua, Thanh tra Sở đã làm rất nhiều việc như sắp xếp, luân chuyển kiện toàn bộ máy, đồng thời thông qua các kênh thông tin báo chí để chấn chỉnh, xử lý nghiêm.
Ông Lâm kiến nghị sớm hạn chế tối đa việc xử phạt theo cách thủ công như hiện nay bởi tốn nhiều lực lượng. Còn việc xử phạt qua hình ảnh lại đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả.
Cũng theo ông Lâm, thời gian qua đã chuẩn bị trang thiết bị, đầu tư hệ thống trạm cân tự động và bắt đầu từ tháng 3-2020, các tuyến đường đã có camera cố định... làm cơ sở để lập biên bản những trường hợp vi phạm, treo đăng kiểm và yêu cầu đến nộp phạt .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận