Tại họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều 21-9, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Hồ Tấn Minh đã làm rõ phát biểu của giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu "giáo viên không kiểm tra bài đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng, hỏi bất chợt", gây xôn xao dư luận.
Theo ông Minh, giám đốc sở yêu cầu giáo viên không kiểm tra đầu giờ đột xuất, bất chợt chứ không phải không kiểm tra đầu giờ.
Việc kiểm tra, đánh giá học sinh phải tuân thủ theo quy định gồm kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Kiểm tra thường xuyên có thể bằng nhiều hình thức như vấn đáp, kiểm tra bằng giấy, qua quá trình học tập, qua thái độ học tập, bằng sản phẩm thực hành… chứ không riêng kiểm tra miệng. Giáo viên phải có kế hoạch kiểm tra rõ ràng.
"Kiểm tra phải đánh giá được năng lực chứ không phải kiểm tra chỉ để biết học sinh có thuộc chữ đó hay không thì không đánh giá được gì", ông Hồ Tấn Minh nói.
Theo ông Minh, giáo viên phải thay đổi tư duy trong kiểm tra, đánh giá học sinh, phải xác định kiểm tra nhằm mục đích gì. Then chốt là nếu kiểm tra, đánh giá tốt thì quá trình đổi mới giáo dục thành công. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng cho rằng kiểm tra đánh giá là hoạt động bình thường trong giáo dục. Hình thức kiểm tra, nội dung kiểm tra, giáo viên phải thực hiện theo đúng thông tư hướng dẫn. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh phải có quá trình chứ không phải kiểm tra bất chợt.
"Ví dụ như một số clip vui trên mạng xã hội, giáo viên cầm lô tô xào qua xào lại. Chúng tôi phản đối cách làm này bởi việc này khiến học sinh lúc nào cũng lo sợ, áp lực không biết hôm nay mình có trả bài hay không. Cái này ngành giáo dục phải tập huấn lại giáo viên", ông Hồ Tấn Minh nói.
Tại sao các trường đều vận động tiền máy lạnh mỗi năm?
Thông tin về việc thu tiền máy lạnh, sửa chữa cơ sở vật chất trong phòng học, ông Hồ Tấn Minh cho biết theo thông tư số 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khuyến khích các nhà tài trợ đầu tư trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, cải tạo sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục...
Tuy nhiên các cơ sở giáo dục cần mở rộng các đối tượng vận động tài trợ, không chỉ là phụ huynh học sinh. Các trường có nhu cầu vận động tài trợ phải lập kế hoạch vận động tài trợ theo quy định, trình cơ quan chủ quản phê duyệt.
Hiện nay nhiều trường có vận động tiền mua, sửa chữa máy lạnh, sửa chữa cơ sở vật chất hằng năm do nhiều lý do. Theo ông Minh, mỗi năm các trường chỉ trang bị máy lạnh cho một số phòng học nhất định.
Các năm học sau lại vận động để trang bị cho các phòng học khác. Bên cạnh đó, các trường vận động kinh phí để bảo trì, sửa chữa khi máy lạnh hư hỏng.
Ngoài ra, cơ sở vật chất nhiều trường xuống cấp, hư hỏng. Vì vậy cần có nguồn kinh phí để cải tạo, sửa chữa trong khi kinh phí nhà nước cấp còn hạn hẹp. Hằng năm các trường có nhu cầu cải tạo sửa chữa trường lớp, nhà vệ sinh, sân thể thao, nhà thi đấu… ngoài nguồn kinh phí nhà nước cấp cần thêm nguồn vận động tài trợ từ xã hội hóa.
Mỗi năm các trường chỉ làm một vài hạng mục, nên hằng năm có vận động tài trợ theo nhu cầu, có sự thỏa thuận với phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận