Trong một số trường hợp, sổ đỏ chưa chắc là bảo bối chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp - Ảnh: V.LAM
Thường thì tài sản tranh chấp vốn là di sản của cha, mẹ đã chết để lại, nay được các đương sự yêu cầu chia thừa kế.
Những tấm sổ đỏ thắm, có chữ ký, mộc đỏ của chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cấp thành phố trong nhiều trường hợp đã bị tòa án tuyên hủy "không thương tiếc".
Cho đến lúc sổ đỏ bị tòa án tuyên hủy, các đương sự trong vụ án mới tá hỏa và hiểu ra một sự thật đau lòng rằng: sổ đỏ ấy không phải là "bảo bối" chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình.
Vậy lý do sổ đỏ bị hủy là gì? Đó là do các sai sót trong quy trình, thủ tục, căn cứ khi làm sổ đỏ. Các sai sót ấy diễn ra bởi sự vô tình, tắc trách hoặc có khi là sự cố ý tiếp tay của những người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ làm sổ đỏ.
Tôi từng tham gia không ít phiên tòa mà chỉ trong thời gian rất nhanh chóng, mảnh đất có nguồn gốc của cha mẹ đương sự để lại bỗng chốc được sang tên cho một người khác mà anh em trong gia đình không ai hay biết. Để rồi bỗng một ngày, các thành viên trong gia đình phát hiện sự việc. Mâu thuẫn phát sinh, gia đình xào xáo.
Do vô tư nghĩ mình có tên trên sổ đỏ, sổ đỏ có chữ ký của cấp có thẩm quyền, có dấu mộc đỏ hỏn nên không ít người còn thách thức: "Ai dám động vào đất của tao? Chúng mày cứ đi kiện đi, đất đứng tên tao, kiện sao được...". Chính thái độ thách thức của đương sự khiến anh em trong gia đình bức xúc, thế là họ quyết tâm kiện đến cùng!
Đáng tiếc rằng nhiều trường hợp sổ đỏ được các cấp có thẩm quyền cấp nhưng lại không hợp pháp. Nhiều người ở các vùng quê vẫn còn nếp nghĩ: con trai có quyền thừa kế, con gái đã xuất giá tòng phu, không có quyền quay về nhà bố mẹ chia tài sản. Cũng có trường hợp di chúc giả được ngụy tạo, hoặc văn bản từ chối nhận thừa kế và chữ ký của các đồng thừa kế khác được làm giả...
Bản chất của sự chuyển đổi ấy là bất hợp pháp. Cho nên khi có đơn kiện yêu cầu chia thừa kế và hủy sổ đỏ thì tòa án phải xác minh, thu thập tài liệu, hồ sơ xem quá trình cấp sổ đỏ có đúng căn cứ pháp luật hay không...? Nếu việc tặng cho tài sản, hợp đồng chuyển nhượng, di chúc... được lập hợp pháp thì đương sự đứng tên trên sổ đỏ là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Khi đó, sổ đỏ chính là "bảo bối" có giá trị pháp lý chứng minh quyền sở hữu tài sản của bạn.
Ngược lại, trong các trường hợp khuất tất khác, sổ đỏ mang tên bạn hoặc vợ chồng bạn sẽ là nguyên nhân bùng phát mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Trường hợp này, tài sản sẽ được tòa án phân chia theo pháp luật về thừa kế và tòa án sẽ hủy sổ đỏ nếu quy trình cấp sổ có sai sót.
Trong những năm qua, vì rất nhiều lý do tiêu cực mà sổ đỏ được ban hành với phôi chuẩn, chữ ký chuẩn nhưng nội dung lại không hợp pháp. Hậu quả là tòa án phải tước bỏ giá trị pháp lý của sổ đỏ đó.
Tuy nhiên, việc này chỉ dừng lại ở việc hủy sổ đỏ mà chưa có bất kỳ một cá nhân, tổ chức có thẩm quyền nào bị xử lý vì hành vi cấp sổ đỏ không hợp pháp. Người dân chỉ biết ngậm ngùi vì quá tin vào sự kỳ diệu của sổ đỏ, để cố gắng bằng mọi cách làm cho cái sổ đỏ đó mang tên mình.
Hi vọng bài học về tấm sổ đỏ sẽ là lời cảnh tỉnh dành cho mọi người. Sổ đỏ hay bất cứ giấy tờ nào phải được ban hành hợp pháp, nếu không nó cũng sẽ bị hủy bỏ. Và khi đó, "bảo bối" của bạn cũng chỉ là một tờ giấy bỏ đi mà thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận