Các quận, huyện ở TP.HCM cần chủ động xây dựng phương án mở lại các chợ - Ảnh: N.TRÍ
Đó là những nội dung chính về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn TP vừa được Sở Công thương TP.HCM thông tin.
Cụ thể, theo Sở Công thương, theo lộ trình kế hoạch mở cửa trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch của TP (nhất là từ sau ngày 1-10), nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa sẽ được tạo điều kiện, nhu cầu “đi chợ hộ” sẽ tiếp tục giảm, khả năng sẽ gây áp lực cục bộ lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP.
Do đó, sở sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.
Về kế hoạch, phương án mở cửa hoạt động đối với các chợ truyền thống trên địa bàn, Sở Công thương đề nghị UBND Thủ Đức và các quận huyện chủ động xây dựng phương án hoạt động các chợ; các ngành chức năng hỗ trợ giải quyết nếu trong quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc.
Đối với tình hình cung ứng hàng hóa lương thực trong thời gian tới, TP sẽ xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững hơn, nhất là đối với chuỗi sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 2 ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày), chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm qua 3 chợ đầu mối tại TP; trong đó sẽ tính toán đầu tư vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng...
Sở Công thương sẽ phối hợp hiệp hội hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng phương án hoạt động trở lại trên cơ sở đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch COVID-19; rà soát nhu cầu vắc xin của doanh nghiệp, tổ chức phối hợp đẩy nhanh tiến độ phủ vắc xin cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động.
Đối với hoạt động cung ứng hàng hóa thời gian qua, Sở Công thương cho biết đến nay TP đã đưa các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm vào hoạt động. Tổng lượng hàng hóa nhập chợ vào đêm 26-9 tại điểm trung chuyển chợ đầu mối Bình Điền khoảng 124,1 tấn; chợ đầu mối Thủ Đức khoảng 118 tấn trái cây và chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 60 tấn rau củ quả
Hiện các địa bàn "vùng xanh" đã tổ chức cho người dân đi chợ 1 lần/tuần theo kế hoạch. Quận 7 đã tổ chức cho người dân đi mua sắm hàng hóa thiết yếu 1 lần/tuần thông qua kênh phân phối tại 9 siêu thị, 154 cửa hàng tiện ích đang hoạt động
Huyện Củ Chi có 14/14 xã vùng xanh tổ chức cho người dân đi mua hàng 1 tuần/lần tại các điểm cung ứng đang hoạt động gồm 1 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 60 cửa hàng tiện ích, 1 cửa hàng bình ổn, 6 chợ truyền thống, 81 sạp bán hàng dã chiến và 2 điểm liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Huyện Cần Giờ đã triển khai 13.468 phiếu đi chợ cho hộ dân đi chợ 1 tuần/lần tại 8 chợ với 156 tiểu thương đang hoạt động.
Ngoài các giải pháp đi chợ, nhiều dự án đã thực hiện việc phân phối hàng hóa đến tay người dân, như dự án Chợ Nghĩa tình - tiếp nhận và xử lý thành công 27.272 đơn hàng của 17.613 lượt hộ dân, với tổng giá trị hàng hóa đã tiêu thụ ước tính gần 9,5 tỉ đồng; "Siêu thị 0 đồng" đã hỗ trợ khoảng 63.000 hộ, tổng giá trị trao tặng gần 20 tỉ đồng.
Đơn hàng đặt qua "đi chợ hộ" giảm mạnh
Theo Sở Công thương TP.HCM, lũy kế từ ngày 23-8 đến nay (35 ngày), tổng nhu cầu đăng ký "đi chợ hộ" là: 2.549.953 lượt hộ. Tuy vậy, do người dân có nhiều kênh mua sắm nên nhu cầu này giảm dần; riêng nhu cầu đăng ký trong ngày 26-9-2021 là 45.180 lượt hộ, giảm 4,7% (tương đương giảm 2.228 lượt hộ so với ngày hôm trước). Đây là mức nhu cầu đăng ký trong ngày thấp nhất kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình.
Theo Cục Thống kê TP, doanh thu nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm trong tháng 9 ước đạt 5.864 tỉ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước (trong khi tháng 8 ước giảm 7,95% so với tháng 7).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận