Lực lượng chức năng kiểm tra người đi đường tại chốt giao thông Dân Chủ giữa quận 3 và quận 10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM phản ánh đến Tuổi Trẻ Online hiện nay hàng hóa tại cảng chờ xuất khẩu đi rất nhiều, nhưng phía Sở Công thương TP.HCM vẫn chưa cấp giấy đi đường đến cảng làm thủ tục thông quan cho cán bộ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đã tới hạn phải xuất hàng, nếu trễ hẹn thì sẽ bị phạt theo hợp đồng. Các cơ quan chức năng đòi hỏi vừa chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh nhưng cách thức xử lý thủ tục quá chậm khiến doanh nghiệp mệt mỏi.
Theo công văn 3996 của Sở Công thương TP.HCM gửi cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện ngày 24-8, nơi này chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, bao gồm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp từ ngày 23-8 đến 6-9.
Lý giải về việc phân công này, Sở Công thương cho biết hiện nay các doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp sản xuất nhập khẩu cần có giấy đi đường cho một số nhân viên thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như nhân viên giao nhận hợp đồng ký kết, nhân viên sửa chữa bảo trì máy móc, thiết bị, nhân viên thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)... Đây là các đối tượng thuộc nhóm "Nhân viên các ngành sản xuất dịch vụ" nêu tại mục 12 phụ lục đính kèm công văn 2800.
Do đó, theo Sở Công thương, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 điểm đến" góp phần hạn chế di chuyển, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, sở đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xem xét cấp giấy đi đường cho người lao động của các doanh nghiệp sản xuất, kể cả doanh nghiệp thương mại cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn.
Những ngày qua, trên một số diễn đàn logistics bày tỏ ấm ức của nhân viên xuất nhập khẩu về những tờ giấy đi đường này. Thực tế, các quy định quá nhanh và liên tục thay đổi khiến nhiều đơn vị quản lý, cấp giấy bị quá tải hoặc lúng túng.
Trong khi đó, ngày 24-8 Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp (HBA) cũng có văn bản khẩn thiết đại diện hơn 700 nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động "3 tại chỗ" về việc giải quyết ách tắc vận chuyển của xe vận tải hàng hóa, xe đưa rước công nhân và giấy phép đi đường của nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên cung ứng lương thực trong thực hiện "3 tại chỗ" tại các khu.
Theo HBA, trong hai ngày 23 và 24-8, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đều bị các chốt hỏi "Thẻ đi đường". Ngoài ra, các xe đưa rước thuộc diện "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 điểm đến" đều cần đơn vị cấp phép.
Với các thực trạng trên, HBA kiến nghị Ban chỉ đạo TP giao cho Ban quản lý các KCN-KCX và Ban quản lý Khu công nghệ cao TP được cấp giấy phép đi đường thuộc mã 12, tức cho đối tượng nhân viên giao hàng, cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn công nghiệp... và nhân viên thuộc mã 3D.
Không chỉ nhân viên ngành logistics, shipper, mà các nhân viên siêu thị cũng gặp khó trong hai ngày thực hiện siết chặt giãn cách. Một số nhân viên siêu thị không thể đi qua các chốt kiểm soát do chưa được cấp giấy đi đường mới.
Để đảm bảo hoạt động của bán lẻ, các siêu thị cho biết vẫn đang tiếp tục làm việc với Sở Công thương TP.HCM trong việc cấp giấy đi đường theo quy định và hướng dẫn của UBND TP.HCM và sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận