Lễ an táng một bệnh nhân COVID-19 người Brazil 57 tuổi tại nghĩa trang Vila Formosa, ở TP Sao Paulo, Brazil, ngày 27-6 - Ảnh: REUTERS
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 28-6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 10.050.162 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 501.262 ca tử vong. Có 5.457.898 bệnh nhân đã phục hồi, trong khi còn khoảng 57.748 người đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.
Tại châu Mỹ, trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận thêm 43.557 mắc bệnh và 512 ca tử vong, tiếp tục vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 2.596.533 ca và 128.152 ca tử vong.
Bộ Y tế Mexico cũng thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng lên đến 212.802 người, trong đó có 26.351 ca tử vong, tăng tương ứng 9.851 ca bệnh và 1.291 ca tử vong trong 2 ngày qua, và 67.099 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Bên cạnh số ca tử vong trong nước, hơn 1.400 công dân Mexico đã tử vong do COVID-19 tại Mỹ.
Thống kê cho thấy trong vòng 25 ngày qua, trung bình Mexico ghi nhận trên 4.000 ca mắc mới và hơn 500 ca tử vong mỗi ngày.
Mexico đã tiến hành 551.052 xét nghiệm và như vậy có tới 38,62% số người xét nghiệm cho kết quả dương tính. Hiện tại tỉ lệ tử vong trên số ca mắc COVID-19 ở Mexico cao thứ 3 thế giới với 12,38%.
Brazil tiếp tục đứng đầu Mỹ Latin về số ca bệnh khi ghi nhận thêm 38.693 ca nhiễm mới và 1.109 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1,3 triệu người và 57.070 ca tử vong.
Peru đứng thứ 2 trong khu vực về số ca bệnh với 272.364 trường hợp, trong đó có 8.939 ca tử vong; và Chile xếp thứ 3 với 267.766 ca nhiễm bệnh, trong đó có 5.347 ca tử vong.
Nhân viên Disneyland California biểu tình trên xe hơi ngày 27-6, đòi đảm bảo an toàn y tế trước khi khu vui chơi mở cửa lại - Ảnh: REUTERS
Tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc COVID-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca bệnh là 70.767 người, trong đó có 1.832 ca tử vong.
Hiện khu vực Mỹ Latin hiện là điểm "nóng" toàn cầu mới về đại dịch COVID-19, với số ca tử vong vượt 100.000 người và các ca nhễm bệnh đã tăng lên hơn 2 triệu người.
Tại châu Âu và châu Á, Nga và Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc bệnh mới ở mức cao. Đây cũng là 2 nước nằm trong số 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 với tổng số ca mắc bệnh tính đến thời điểm hiện tại ở Nga là 627.646 và ở Ấn Độ là 529.577 ca. Đứng thứ 5 thế giới về số ca mắc COVID-19 là Anh khi nước này đã ghi nhận 310.250 ca, trong đó có 43.514 ca tử vong.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo người dân về hành vi bất cẩn trước những diễn biến nguy hiểm còn tiếp diễn do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh mối đe dọa từ virus vẫn còn nghiêm trọng, bà Merkel đồng thời lặp lại một cách rõ ràng lời kêu gọi của mình từ đầu cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 giữa tháng 3 rằng người dân Đức cần nghiêm túc đối phó với dịch bệnh. Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng người dân đã lãng quên mối nguy hiểm một cách dễ dàng bởi vì Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng một cách hợp lý, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân đã được an toàn và mối nguy hiểm đã được đẩy lùi.
Tính đến nay, Đức ghi nhận tổng cộng 194.689 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.026 tử vong.
Trong ngày 27-6, Bộ Quốc phòng Serbia thông báo Bộ trưởng Quốc phòng nước này Aleksandar Vulin đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã tự cách ly.
Trong vài ngày qua, Serbia đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 227 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại nước này lên 13.792 trường hợp COVID-19, với 267 trường hợp tử vong.
Tối 27-6, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo nước này phát hiện thêm 9 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 139 trường hợp.
Các ca nhiễm mới được phát hiện gồm 1 nữ công dân Campuchia 24 tuổi, 7 nam công dân Campuchia tuổi từ 23 - 26 và một nam công dân Indonesia 22 tuổi. Những trường hợp mắc COVID-19 nói trên nhập cảnh Campuchia từ Indonesia trên chuyến bay ngày 25-6 có 40 hành khách (10 nữ, 30 nam). Hiện 9 bệnh nhân đã được đưa đi cách ly và điều trị tại Bệnh viện Khmer - Soviet tại thủ đô Phnom Penh.
Ngoài 9 trường hợp mắc COVID-19, 31 hành khách còn lại trên chuyến bay gồm 24 hành khách người Khmer (có 8 nữ), 1 nữ hành khách Việt Nam và 15 hành khách Indonesia (1 nữ).
Hiện 31 hành khách chưa phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 đã được đưa đi cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế Campuchia tại trung tâm quân đội khu vực sân bay quốc tế Pochentong, Trung tâm y tế Chak Angre Krom và một khách sạn tại Phnom Penh (dành cho người Indonesia và Việt Nam).
Bộ Y tế Campuchia kêu gọi các cơ quan ban ngành, các đơn vị chức năng và người dân cần tiếp tục nâng cao cảnh giác hơn nữa để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận