Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn neo ở mức kỷ lục dù sức mua thấp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Với mức 1.785,6 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 49,15 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Công ty SJC vẫn neo giá bán vàng miếng khá cao: 60,65 triệu đồng/lượng, mua vào ở mức 59,95 triệu đồng/lượng, chỉ giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán.
Giá bán vàng miếng tại các tiệm vàng cũng giảm tương tự, còn 60,1 - 60,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) nhưng chênh lệch giá mua bán chỉ ở mức 400.000 đồng/lượng, trong khi tại Công ty SJC mức chênh lên đến 700.000 đồng/lượng.
Mức chênh lệch giá mua - bán cao cộng với việc giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới đến 11,5 triệu đồng/lượng khiến thị trường vàng giảm nhiệt rõ rệt so với thời điểm giá vàng đạt mức kỷ lục 62,2 triệu đồng/lượng giữa tháng 11. Tuy nhiên chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn neo ở mức kỷ lục.
Theo các phân tích, sở dĩ giá vàng thế giới chưa thể tiến xa là do giá vàng đang kẹt giữa 2 luồng thông tin tốt - xấu. Hôm qua sau khi CEO Moderna nói vắc xin COVID-19 giảm hiệu quả trước biến thể Omicron, giá vàng thế giới quay đầu tăng mạnh.
Thế nhưng hiện nhiều phân tích lại cho rằng nhiều đột biến thường khiến virus nguy hiểm hơn, nhưng cũng có thể đẩy chúng vào con đường tự diệt.
Thêm vào đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang tìm cách thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2022 và thậm chí đẩy nhanh việc giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng nhằm kìm hãm lạm phát. Đây chính là "tin xấu" khiến cho nhà đầu tư đồng loạt chốt lời khi giá vàng thế giới vừa chạm mốc 1.810 USD/ounce.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận