Sinh viên với thông điệp cổ động cho dự án bảo vệ môi trường, phát triển lối sống xanh bền vững - Ảnh: THU HIỀN
Đặc biệt, dự án này được phát triển bởi chính các bạn sinh viên luôn trăn trở về môi trường ngay trong chính trường học của họ.
Dự án góp phần thay đổi tư duy không chỉ của sinh viên mà cả thầy cô, dần hình thành thói quen, thúc đẩy thầy và trò dùng các sản phẩm xanh, thân thiện, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Chị TRẦN THỊ THANH THẢO (bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng)
"Phiên chợ xanh" giữa sân trường
Khuôn viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) một buổi sáng cuối tuần rộn ràng tiếng cười nói. Khá đông sinh viên, học sinh một vài trường tiểu học cùng đến ngày hội GreenFair Day mua sắm, trải nghiệm tại các gian hàng kinh doanh "xanh".
Ngày hội thuộc chuỗi dự án Green University DUE hướng sinh viên tại Đà Nẵng ý thức bảo vệ môi trường, phát triển lối sống xanh bền vững.
Mang theo một bao chai nhựa đã qua sử dụng, em Thế Kiệt (Trường tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu, Đà Nẵng) bẽn lẽn đưa đến gian hàng đổi rác lấy cây.
Sau khi đếm số chai, Kiệt tự tay chọn cho mình cây sen đá xinh xắn mang về. "Em vui lắm, không nghĩ mấy cái chai nhựa bỏ đi có thể đổi lấy cây về trang trí bàn học. Em sẽ rủ thêm mấy bạn cùng để dành chai nhựa chờ đổi quà vào phiên chợ sau" - Kiệt nói.
Nhiều gian hàng khác như thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch, các loại xà bông, hương liệu có nguồn gốc tự nhiên, ống hút cỏ, hộp bã mía... cũng thu hút các bạn trẻ. Bạn Bảo Ngọc (Trường ĐH Kinh tế) mê mẩn trước sạp hàng GUD - Custom. Tại đây, Ngọc thỏa sức sáng tạo, trang trí những chiếc ly giấy, ống hút cỏ, hộp và dĩa bã mía thân thiện môi trường rồi mang chúng về nhà.
Ngọc chia sẻ: "Ở Đà Nẵng còn khá ít hoạt động lan tỏa lối sống xanh có sự đầu tư và quy mô thế này. Đây thật sự là cách tuyên truyền bảo vệ môi trường hiệu quả với người trẻ, đặc biệt sinh viên như chúng tôi vì được mắt thấy, tay làm và thật ra có thể bảo vệ môi trường từ những việc đơn giản".
Đến ngày hội, các bạn còn đổi giấy, đổi pin cũ lấy cây xanh, triển lãm về hành trình xây dựng trường đại học xanh, tham gia trò chơi dân gian với vật dụng từ các loại rác tái chế, thi Rung chuông xanh với kiến thức về sống xanh, chung tay bảo vệ môi trường...
Sinh viên đi đầu
Dự án này được các giảng viên trẻ và những sinh viên chung tình yêu môi trường, mong muốn "xây" nên trường đại học "xanh" thực hiện. Đây cũng là một trong các dự án đầu tiên hướng đến lối sống xanh bền vững của sinh viên tại Đà Nẵng.
Phó trưởng ban tổ chức dự án Nguyễn Thị Thanh Bích (21 tuổi) cho biết sinh viên, học sinh sẽ là đối tượng đi đầu, sau đó kỳ vọng lan tỏa đến người dân bằng các dự án thiết thực, gần gũi.
Bích chia sẻ: "Chúng tôi tìm cách duy trì nhiệt huyết trong các thành viên, muốn truyền được tinh thần đó đến những người xung quanh sao cho tác động đến nhận thức để mọi người sẵn sàng chấp nhận đánh đổi giữa sự tiện ích với hành động bảo vệ môi trường".
Sau gần hai năm hoạt động, dự án đã ra mắt hàng loạt chương trình: Mỗi ngày một hành động xanh, cuộc thi "Trạng nguyên xanh", nói chuyện "Sống xanh và xây dựng lối sống bền vững", "Thông điệp xanh cùng bình nước sạch đến trường", nhiều buổi nhặt rác thu hút đông người tham gia...
Mới đây, thử thách "Sống xanh cùng bình nước sạch" kêu gọi sinh viên dùng bình nước cá nhân, lấy nước từ máy lọc nước trong trường thay vì dùng nước đóng chai sử dụng một lần đã lan rộng chỉ sau thời gian ngắn phát động.
Nhiều thói quen chưa hay của sinh viên về môi trường đã dần thay đổi tích cực hơn. Có thể kể đến như đem theo bình nước đến trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, rút dây cắm khi không sử dụng thiết bị điện... Cùng với đó, dự án bắt đầu triển khai trồng thêm cây xanh trong khuôn viên các trường.
Nhờ dự án này, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) lắp đặt các máy lọc nước ở nhiều khu vực. Sắp tới sẽ làm màn hình chiếu ở hội trường thay vì dùng banner nhựa các chương trình như trước. Và những đổi thay dù nho nhỏ ấy đang dần tạo ra diện mạo ngôi trường trở nên "xanh" và "lành" hơn, cũng là bài học về trách nhiệm với môi trường của cộng đồng, xuất phát từ sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận